PC Lâm Đồng: Thắp sáng nông thôn mới
08:07 | 06/09/2018
Tổng công ty Điện lực miền Nam: “Rót” điện vào vùng lõm
SPC trả lời cử tri nhiều vấn đề về cung ứng và đầu tư
Công nhân Điện lực Đức Trọng kiểm tra, bảo trì hệ thống điện trên địa bàn.
Ông Nguyễn Mậu Thế - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Đức Trọng cho biết: Đến nay, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, huyện đã có 14/14 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, với tỷ lệ 99% người dân sử dụng lưới điện quốc gia. Trong đó, nổi bật nhất là công trình “Thắp sáng đường quê”. Từ năm 2012, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào dân vận khéo về thắp sáng đường quê. Các cấp chính quyền, ban, ngành từ huyện đến xã đã chung tay làm dân vận khéo xây dựng NTM. Nguồn vốn có sự đóng góp từ người dân, một số tuyến đường chính được Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân đóng góp thêm ngày công và thành lập tổ tự quản.
Qua đó, có đến gần 70% các tuyến đường trục chính, thị trấn Liên Nghĩa, trung tâm xã, trục thôn, xã đã được đầu tư điện lưới đạt kế hoạch đề ra từ nguồn vốn của tỉnh, huyện.
Hướng đến lộ trình giai đoạn 2016 - 2020, huyện phấn đấu đạt 100% các tuyến đường được bê tông hóa, 100% tuyến đường nông thôn - đô thị được thắp sáng điện đường.
Hiện nay, nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn tăng, do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Điện lực Đức Trọng xây dựng kế hoạch hàng năm để đầu tư nâng cấp các nguồn điện phục vụ dân sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước đây, tại Đức Trọng, đã có một số mô hình tự quản rất hiệu quả, tuy nhiên chưa được phát triển mạnh và sâu rộng. Từ khi phong trào “Dân vận khéo” được triển khai từ tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc, trong đó lực lượng Đoàn Thanh niên đóng vai trò chủ lực tại các địa phương. Công trình "Thắp sáng đường quê" đã được người dân đồng thuận, trực tiếp đóng góp tiền của, ngày công để tham gia.
Ở nông thôn, người dân tự bỏ tiền đầu tư xây dựng thi công và tự quản, tự giám sát công trình. Người dân tự nguyện đóng tiền điện hàng tháng, tiền bảo trì, bảo dưỡng định kỳ để duy trì ổn định nguồn điện thắp sáng tại các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Bên cạnh nguồn lực của ngành Điện hỗ trợ đồng hồ điện, đầu tư đấu nối các đường dây trung, hạ thế trên các đường trục chính tại tuyến đường tỉnh, huyện, thị trấn với kinh phí lớn; còn lại các tuyến đường trung tâm cụm xã, đường liên thôn thì Nhà nước và Nhân dân cùng đóng góp.
Cụ thể, người dân đóng góp công lao động và kinh phí mua bóng đèn cao áp hoàn thành các tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, góp phần vào quá trình chỉnh trang đô thị và nông thôn trong toàn huyện Đức Trọng thời gian qua.
Ninh Gia là một xã được đánh giá cao về phát triển nhanh bê tông hóa đường thôn và “Thắp sáng đường quê” mà vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên được ghi nhận.
Anh Trần Nhật Hải - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện và Điện lực Đức Trọng hỗ trợ về vật tư, dây đèn, bóng đèn cao áp và từ đó đoàn viên, thanh niên trong xã Ninh Gia cùng nhau bỏ công ra kéo điện về và lắp ráp bóng đèn thắp sáng các tuyến đường bê tông liên thôn của xã. Chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con và hầu hết tại các tuyến đường người dân tự chi trả tiền điện hàng tháng, đầu tư kinh phí mua bóng đèn. Hiện nay, các tuyến đường trong xã đã được thắp sáng từ 6 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Từ đó, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông được ổn định hơn, bà con đi lại rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất.
Ghi nhận về tinh thần quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới, xã Tân Thành cũng nỗ lực đạt các tiêu chí về điện theo kế hoạch của huyện đề ra.
Ông Nông Quốc Chính - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Hiện nay phong trào “Thắp sáng đường quê” đã lan tỏa trong toàn xã, hiệu quả của chương trình này rất tốt, an ninh trật tự đảm bảo, an toàn giao thông được nâng lên, bà con tranh thủ thu mua vận chuyển nông sản cả khi trời tối vì đã có đèn thắp sáng. Toàn xã hiện nay, các tuyến đường chính đều được bê tông hóa hết và đường liên thôn được thắp sáng, mang lại bộ mặt cho nông thôn ngày càng khang trang hơn.
Trưởng thôn Tân Liên, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng - Vy Văn Sinh cho biết thêm: Toàn thôn có 165 hộ dân, từ phong trào dân vận khéo, người dân đã đóng góp tiền, ngày công lao động để hoàn thành các tuyến đường bê tông liên thôn. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay đã có 1,6 km đường bê tông được thắp sáng, với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng do Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Và chúng tôi đã tiến hành họp dân để huy động đóng góp thêm kinh phí đầu tư dây điện, bóng điện, đóng phí sử dụng điện đường hàng tháng, bình quân mỗi hộ khoảng 20 ngàn đồng.
Về huyện Đức Trọng hôm nay, chúng tôi nhận thấy bộ mặt nông thôn thực sự có nhiều khởi sắc, trong đó có sự đồng thuận tích cực của người dân và một phần không nhỏ đóng góp của ngành Điện. Hy vọng huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018 như kế hoạch đề ra.
HỒNG HẢI