RSS Feed for PC Đồng Nai: Tiến độ các công trình điện 110kV chậm do vướng giải phóng mặt bằng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 07/11/2024 10:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PC Đồng Nai: Tiến độ các công trình điện 110kV chậm do vướng giải phóng mặt bằng

 - Hàng năm, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 110kV của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai lên đến vài trăm tỷ đồng. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư, đơn vị phải huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: Vốn ODA, vốn vay thương mại, nguồn vay ưu đãi của tỉnh và khấu hao cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, một số công trình chậm tiến độ do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Điều này là một rào cản đối với các nhà đầu tư và ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản của Công ty.

>> Giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện

KIM PHƯỢNG 

 

Theo kế hoạch, năm 2013, tổng vốn đầu tư xây dựng (ĐTXD) của toàn PC Đồng Nai là 424 tỷ đồng, trong đó 254 tỷ đồng đầu tư cho lưới điện 110kV và 22kV, phần vốn còn lại được đầu tư để thực hiện các hạng mục khác như: Công trình kiến trúc, mua sắm thiết bị, Scada...

Để đảm bảo huy động đủ nguồn vốn, PC Đồng Nai đã huy động từ các nguồn vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới (WB) của các dự án như: Nâng cao hiệu suất hệ thống điện, Cổ phần hóa và năng lượng tái tạo (SEIER Cr.3680), Lưới điện phân phối nông thôn (RD) và vay của Nhật Bản dự án Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối (JICA). Bên cạnh đó, hàng năm Công ty cũng được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh (khoảng 12 tỷ đồng/năm, với lãi suất 6,9%/năm) để đầu tư lưới điện 22kV và trạm biến áp (TBA) cho khu vực nông thôn thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Đỗ Hữu Hoàng, Phó Giám đốc PC Đồng Nai, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Công ty hàng năm rất hạn hẹp không đủ để đầu tư cho các công trình lưới điện 110kV và 22kV. Do đó, việc huy động các nguồn vốn khác là rất cần thiết. Hiện nay, Công ty đang thực hiện các dự án đầu tư lưới điện chủ yếu bằng nguồn vốn ODA vay của WB. Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, Công ty luôn xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng sát với thực tế, trong đó có xem xét lựa chọn danh mục đầu tư đáp ứng tiêu chí của các nhà tài trợ vốn.

Nguồn vốn ODA được vay ưu đãi với lãi suất thấp (dưới 2% và thời gian trả nợ là từ 20 năm - 30 năm), do đó, nhằm tận dụng nguồn vốn ODA, Công ty đã nỗ lực hoàn thành các công trình sớm hơn so với thời điểm đóng dự án. Chỉ tính trong hai năm 2011 và 2012, PC Đồng Nai đã huy động được 194 tỷ đồng để đầu tư 41công trình lưới điện 110kV. Tiến độ thực hiện giải ngân so với kế hoạch đạt 99% (năm 2011) và 99,7% (năm 2012). Nhiều công trình hoàn thành sớm tiến độ được đưa vào khai thác đều đạt trên 70% công suất tải ngay sau khi đóng điện nghiệm thu như: Công trình lắp máy 2 TBA 110KV Loteco, công trình thay 2 máy biến áp 1T và 2T TBA 110kV Biên Hoà, công trình TBA 110kV Dầu Giây… Nhờ đó, đơn vị ai đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và nhận được sự đánh giá cao của khách hàng cũng như lòng tin của các nhà đầu tư.

Với kết quả trên, từ năm 2011 đến 2012, Công ty đã được WB chấp thuận cho đăng ký bổ sung thêm 6 công trình bằng nguồn vốn WB (SEIER Cr.3680), với tổng vốn đầu tư là 111 tỷ đồng; 1 công trình bằng nguồn vốn WB (RD) là 32 tỷ đồng và 1 công trình bằng nguồn vốn JICA là 92 tỷ đồng, thời gian hoàn thành các dự án là 30/6/2013.  Đến nay, đã có 6/8 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay có 3 công trình thuộc nguồn vốn vay ODA sẽ phải hoàn thành trước ngày 30/6/2013, có nguy cơ bị chậm tiến độ do chưa hoàn thành công tác GPMB. Đó là công trình đường dây 110 kV Xuân Lộc - Cẩm Mỹ, công trình TBA 110kV thành phố Nhơn Trạch (thuộc nguồn vốn RD) và công trình TBA 110kV An Phước (thuộc nguồn vốn JICA).

Đại diện Ban Quản lý dự án lưới điện Đồng Nai cho biết, khó khăn trong công tác GPMB hiện nay là do người dân chưa đồng ý với mức bồi thường của Nhà nước. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các công trình này có nguy cơ bị chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến tình hình cung cấp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Cẩm Mỹ.  

Cũng theo ông Đỗ Hữu Hoàng, nếu như việc Ngân hàng WB chấp thuận cho Công ty bổ sung thêm 8 công trình từ nguồn vốn SEIER, JICA và RD là một thành công của Công ty trong việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, thì hiện nay Công ty lại đang đứng trước nỗi lo có thể nhà đầu tư sẽ không tài trợ vốn để giải ngân cho các khối lượng của các công trình trên chưa hoàn thành trước ngày 30/6/2013 theo hạn định của hiệp định vay.

Trong thời gian tới, PC Đồng Nai rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để hỗ trợ Công ty hoàn thành công trình đúng tiến độ như đã cam kết với WB, nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định phát triển kinh tế xã hội của địa phương và hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020.  

Hàng năm, PC Đồng Nai còn đầu tư trên 50 tỷ đồng từ nguồn vốn sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên để nâng cấp, bảo trì và sửa chữa lưới điện 110kV, 22kV nhằm đảm bảo vận hành, cung cấp điện ổn định cho khách hàng.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nước mắt bao giờ cũng mặn...
Trung Quốc: Bạn hay thù của nước Mỹ?
Nước cờ khôn ngoan, bản lĩnh của Nhật ở châu Á
Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động