RSS Feed for Nhu cầu than của Việt Nam có thay đổi lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 14/09/2024 20:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu than của Việt Nam có thay đổi lớn

 - Theo dự báo, đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam tương đương khoảng 65,65 triệu TOE, bình quân đầu người khoảng 0,63 TOE/người (tương ứng với dân số dự báo là 104 triệu người).


Phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư năm 2020 của TKV



Theo TS. Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học - Công nghệ mỏ Việt Nam, nhu cầu năng lượng sơ cấp và nhu cầu than của Việt Nam theo số liệu cập nhật từ đề án "Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035" có một số thay đổi tương đối lớn.

Cụ thể là kịch bản phát triển năng lượng trong giai đoạn quy hoạch (Kịch bản đề xuất - KBĐX) là kịch bản dựa trên mức tăng trưởng GDP ở kịch bản cơ sở theo giai đoạn bình quân 2016 ÷ 2035 ở mức 7%/năm kết hợp với kịch bản tiết kiệm năng lượng (TKNL) ở mức kinh tế với các mức tiết kiệm so với kịch bản cơ sở là 4,1% (2020), 5,9% (2025), 8,1% (2030), 10,0% (2035) và kết hợp với mục tiêu giảm 15% CO2 vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở.

Ở KBĐX, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (NLSC) sẽ tăng từ mức 80,7 MTOE năm 2015 lên 136,8 MTOE năm 2025 và 217,9 MTOE năm 2035. Tốc độ tăng trưởng NLSC giai đoạn 2016 ÷ 2025 sẽ là 5,3%/năm, sau đó giảm xuống mức 4,8%/năm ở giai đoạn 2026 ÷ 2030. Trong các loại nhiên liệu hóa thạch, than sẽ có mức tăng cao nhất với tốc độ 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 ÷ 2025, sau đó đến khí tự nhiên và dầu với tốc độ tăng trưởng 5,7%/năm và 4,4%.

Với KBĐX, tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng cung NLSC có thể đạt mức 28% vào năm 2030, sau đó tăng lên mức 30,1% vào năm 2035. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với KB cơ sở, tuy nhiên, vẫn chưa đạt mục tiêu yêu cầu trong Chiến lược NLTT, do đó, vẫn cần những chính sách hỗ trợ mạnh để các giải pháp NLTT vào sớm hơn trong giai đoạn 2026 ÷ 2035.

Về cơ cấu NLSC theo dạng nhiên liệu, than vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhưng sẽ có xu hướng ổn định tỷ trọng ở những năm sau của giai đoạn quy hoạch với tỷ lệ 37,3% năm 2025 và 38,4% năm 2035. Đây là một kết quả của việc áp dụng những chính sách các-bon thấp để thúc đẩy NLTT phát triển. Tỷ lệ thủy điện có mức giảm đáng kể, trong khi đó các loại xăng dầu chiếm tỷ trọng hơn 20÷22% và khí tự nhiên chiếm khoảng 11÷13% tổng NLSC.

Theo dự báo của JEEI Outlook 2018 thì đến năm 2030 nhu cầu than bình quân đầu người của thế giới (TOE/người) là: 0,5. Trong đó, của Trung Quốc: 1,48; Nhật Bản: 0,93; Hàn Quốc:1,74; Đài Loan: 1,75; Malaixia: 0,86; Thái Lan: 0,35; Mỹ: 0,78; châu Đại Dương: 1,18.

Trên cơ sở dự báo này, chuyên gia Nguyễn Tiến Chỉnh cho rằng: Đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 65,65 triệu TOE, bình quân đầu người khoảng 0,63 TOE/người (tương ứng với dân số dự báo là 104 triệu người). So với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 cao hơn, song so với nhiều nước trong khu vực thì vẫn còn thấp hơn nhiều - nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Đại Dương, Nhật Bản và một số nước giàu tài nguyên than./.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động