RSS Feed for Lọc hóa dầu Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng và cơ hội đầu tư | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 02:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lọc hóa dầu Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng và cơ hội đầu tư

 - Theo báo cáo của Solomon Associates - Công ty đánh giá có uy tín về hiệu quả của trên 85% nhà máy lọc dầu toàn cầu, Lọc dầu Dung Quất là một trong những nhà máy hoạt động hiệu quả cao ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2016, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt mức cao trên các thước đo hiệu quả chủ đạo của Solomon như độ sẵn sàng vận hành (operation availability 94,1%), công suất sử dụng của nhà máy (process utilization 94,2%), và Chỉ số hiệu quả năng lượng của Nhà máy EII (Energy Intensity Index 111%).

Đột phá từ khoa học công nghệ Dầu khí Việt Nam
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho trường hợp Việt Nam

PGS, TS. VŨ MINH KHƯƠNG - TRƯỜNG CHÍNH SÁCH CÔNG LÝ QUANG DIỆU (ĐẠI HỌC QUỐC GIA SINGAPORE)

Với đội ngũ lãnh đạo mới được bầu vào đầu năm 2016, Việt Nam bắt đầu một làn sóng cải cách mới, với những nỗ lực sâu sắc hơn về quyết tâm và toàn diện hơn về phạm vi tác động. Trọng tâm của nỗ lực cải cách này bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu lực thể chế với những cố gắng đột phá trong cuộc chiến chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, và thúc đẩy hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Kết quả bước đầu của công cuộc cải cách mới được tiến hành trong gần 2 năm qua rất đáng khích lệ. Việt Nam tăng năm bậc về sức cạnh tranh toàn cầu từ vị trí thư 60 năm 2016 lên vị trí 55 năm 2017 (theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế - WEF); tăng tám bậc về môi trường kinh doanh, từ vị trí 90 năm 2016 lên vị trí 82 năm 2017 (theo Báo cáo Ease of Doing Business 2017 của Ngân hàng Thế giới). Báo cáo tháng 10 năm 2017 của Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thăng 7 hạng từ vị trí 57 hiện tại lên vị trí 50 trong giai đoạn 2018 - 2022 nhờ các nỗ lực giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn về vốn, cải thiện các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, và hạ thấp các rào cản thương mại.

Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt đã giúp Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo "World Investment Report 2017" tại hội nghị thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNTAC), dòng FDI vào Việt Nam tăng 6,8% năm 2016 với tổng số thực hiện là 12,6 tỷ USD. Trong khi đó, dòng FDI vào nhóm các nước châu Á đang phát triển lần đầu tiên bị suy giảm kể từ năm 2013.

Khi Việt Nam đang trở thành một địa điểm đầu tư hàng đầu ở châu Á, ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn chiến lược và hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư. Nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường cho các sản phẩm lọc dầu, tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp hóa dầu, cũng như việc cổ phần hóa nhà máy lọc dầu đầu tiên là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư có mối quan tâm đến đầu tư chiến lược vào Việt Nam.

Việt Nam cùng với Trung Quốc đạt mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á về thị trường tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu. Trong giai đoạn từ 2000 đến 2015, thị trường này của Việt Nam tăng 2,4 lần, xấp xỉ mức 2,6 lần của Trung Quốc và vượt xa mức 1,4 của Indonesia và 1,1 của Philippines (Hình 1).

Thêm vào đó, thị trường này của Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh hơn trong thập kỷ tới, khi tính đến sự tăng tốc về công nghiệp hóa và mức độ tiêu dùng sản phẩm hóa dầu hiện còn khá thấp của Việt Nam. Lấy mức tiêu thụ sản phẩm hóa dầu tính trên đầu người của Mỹ là 100 vào năm 2015, mức tiêu thụ của Việt Nam là 7,6; thấp hơn nhiều so với mức 30,8 của Thái Lan và 14,4 của Trung Quốc (Nguồn số liệu: EIA).

Hình 1.

Do đòi hỏi quy mô đầu tư về vốn rất lớn, ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam chưa theo kịp mức tăng của thị trường nội địa. Số liệu cho các nước châu Á năm 2014 cho thấy, năng lực sản xuất các sản phẩm hóa dầu của Việt Nam chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nội địa, thấp hơn rất xa so với Hàn Quốc (114%), Thái Lan (98%), và Trung Quốc 94% (Bảng 1). Hơn nữa, năng lực ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam cũng còn rất nhỏ so với các nước tương đồng ở châu Á;. Theo chỉ số này, Việt Nam thấp hơn 7,7 lần so với Thái Lan và 3,3 lần so với Malaysia (Bảng 1).

 

Bảng 1.

Năng lực lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh của nhiều quốc gia trong khu vực trong các sản phẩm hạ nguồn như Ethylene, Polypropylene (PP) và Polyethylene (PE) - chỉ ra ở (Bảng 2) cho thấy rằng, Việt Nam có những cơ hội rất lớn cho đầu tư phát triển vào các sản phẩm hạ nguồn của ngành hóa dầu.

Bảng 2. (Nguồn số liệu: BMI)

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), được thành lập năm 2008 và hiện đóng vai trò trụ cột của ngành hóa dầu Việt Nam. Nằm ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty có một vị thế chiến lược đáp ứng yêu cầu của miền Trung Việt Nam và có thể mở rộng thị trường sang cả miền Bắc và miền Nam. Công ty có công suất lọc dầu 148 nghìn thùng/ngày (tương đương 6,5 triệu tấn/năm) và có thể xử lý 67 loại dầu thô khắp thế giới. Sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bao gồm xăng A92 và A95; nhiên liệu phản lực JET A1, nhựa đường, dầu ô tô diesel, dầu FO, khí ga hóa lỏng LPG, và nhựa polypropylene (PP).

Theo báo cáo của Solomon Associates - Công ty đánh giá có uy tín về hiệu quả của trên 85% nhà máy lọc dầu toàn cầu, Lọc dầu Dung Quất là một trong những nhà máy hoạt động hiệu quả cao ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2016, BSR đạt mức cao trên các thước đo hiệu quả chủ đạo của Solomon như độ sẵn sàng vận hành (operation availability 94,1%), công suất sử dụng của nhà máy (process utilization 94,2%), và Chỉ số hiệu quả năng lượng của Nhà máy EII (Energy Intensity Index 111%). 

Hơn thế nữa, trong 10 tháng đầu năm 2017, BSR tiếp tục có cải thiện rõ rệt các chỉ số này. Về tài chính, BSR cũng cho những kết quả ấn tượng. Năm 2016, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương ứng là 7,5% và 14% - trong khi tỷ suất lợi nhuận tính trên thùng dầu là 7-8 USD.

Theo kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ Việt Nam, BSR sẽ thực hiện cổ phần hóa vào những tháng tới. Quá trình này đem lại những cơ hội đặc sắc cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngành công nghiệp hóa dầu, từ khâu lọc dầu đến các sản phẩm hạ nguồn. Đặc biệt, BSR đang tìm kiếm các đối tác chiến lược để phát triển tổ hợp hóa dầu liên kết ở khu Dung Quất, theo mô hình tổ hợp hóa dầu Jurong của Sinagpore. Điều kỳ vọng là BSR và các đối tác chiến lược của Công ty sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt về chính sách từ Chính phủ Việt Nam để thành công trong nỗ lực chiến lược này.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động