Khuyến nghị về thiết kế xây dựng hệ thống tiếp địa thông tin trong TBA 110kV
10:25 | 18/02/2014
NGUYỄN XUÂN GIA NGUYÊN
Trạm biến áp 110kV (Ảnh minh họa)
Tiếp đất thông tin có vai trò quan trọng trong hệ thống thông tin vì thiết bị thông tin sử dụng nguồn -48VDC có cực dương (+) trực tiếp nối đất, đồng thời có liên quan đến dạng vật lý của bit dữ liệu (dạng vật lý của bit dữ liệu được phân biệt ở mức điện áp cao hay điện áp thấp). Vấn đề tiếp địa thiết bị viễn thông không chuẩn có thể dẫn đến hỏng card nguồn của thiết bị thông tin hoặc lỗi bit dữ liệu.
Nhằm khắc phục ảnh hưởng của các hệ thống tiếp địa khác đối với hệ thống tiếp địa thông tin, qua nghiên cứu, xin khuyến nghị áp dụng trong công tác thiết kế xây dựng hệ thống tiếp địa thông tin trong TBA 110kV như sau:
Yêu cầu chung:
- Bố trí tấm tiếp địa độc lập dành riêng cho hệ thống thông tin. Tấm tiếp địa độc lập được đánh nhãn TE (Telecom Earth) chữ màu đỏ để phân biệt với các hệ tiếp địa khác. Tấm tiếp địa bằng đồng được bố trí bên trong tủ thông tin, gắn trên đế cách điện, kích thước tham khảo 250x50x5.
- Bố trí dây dẫn tiếp địa độc lập từ hố kiểm tra đến tấm tiếp địa viễn thông. Dây dẫn tiếp địa loại cáp đồng nhiều sợi, bọc PVC tiết diện 95mm2 với chiều dài không được dài hơn 50m.
- Bố trí hố kiểm tra tiếp địa để thực kiện công tác kiểm tra định kỳ giá trị điện trở nối đất của hệ thống thông tin. Hố kiểm tra tiếp địa là vị trí đấu nối dây tiếp địa viễn thông trong nhà trạm với hệ thống tiếp địa viễn thông bên ngoài nhà trạm. Bên trong hố kiểm tra có cọc tiếp địa.
Khuyến nghị áp dụng:
Ngoài các yêu cầu chung nêu trên, phương thức đấu nối tiếp địa thông tin vào hệ thống tiếp địa trạm thực hiện theo các khuyến nghị sau:
Phương án 1: Áp dụng tại những nơi đất có địa trở suất của đất thấp và có mặt bằng thi công hệ thống tiếp địa viễn thông độc lập.
Bố trí tổ tiếp địa viễn thông gồm dây dẫn đất và cọc tiếp đất độc lập với các hệ thống tiếp địa khác. Giá trị điện trở tiếp đất của tổ tiếp địa viễn thông phụ thuộc vào loại thiết bị viễn thông lắp đặt trong trạm và tham chiếu QCVN 09/2010.
Tổ tiếp địa viễn thông phải được nối với hệ thống tiếp địa chung của trạm thông qua Van đẳng thế.
Phương án 2: Áp dụng tại những nơi đất có địa trở suất của đất cao hoặc không có mặt bằng thi công hệ thống tiếp địa viễn thông độc lập.
Có thể sử dụng chung hệ thống tiếp địa của trạm (<0.5 Ω) trong điều kiện đảm bảo khoảng cách đấu nối và bố trí cọc tiếp địa tại vị trí đấu nối tiếp địa viễn thông.
Khoảng cách phần chôn dưới đất giữa điểm đấu nối tiếp địa viễn thông với bất kỳ điểm đấu nối của các hệ thống tiếp địa khác (tiếp địa chông sét, tiếp địa máy biến áp, …) phải lớn hơn 10m.
Bố trí cọc tiếp địa thuộc lưới tiếp trạm để đấu nối tiếp địa viễn thông. Bố trí 01 cọc tiếp địa bổ sung tại các mắc lưới liền kề cọc đấu nối (trong lưới tiếp địa trạm) để tăng khả năng tiếp địa viễn thông và giảm ảnh hưởng từ các hệ thống tiếp địa khác.
Nguồn: CPC