RSS Feed for Hệ thống truyền tải điện trước áp lực cao điểm nắng nóng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 15/11/2024 05:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hệ thống truyền tải điện trước áp lực cao điểm nắng nóng

 - Mùa nắng nóng năm nào cũng vậy, nhu cầu điện cho sinh hoạt tăng cao hơn rất nhiều so với bình thường, đặc biệt năm nay theo dự báo sẽ có nhiều thời điểm nắng nóng khốc liệt, vì vậy nhu cầu phụ tải lúc cao điểm sẽ gây ra áp lực lớn trên hệ thống điện. Đối với lưới điện truyền tải, áp lực lớn nhất vẫn là phải đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện cho phụ tải cả nước, đặc biệt đối với các trung tâm phụ tải lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. Ông Lưu Việt Tiến - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.


Giải bài toán kinh tế trong giảm tổn thất điện năng của EVNNPT


Áp lực lớn nhất trong đảm bảo điện mùa nắng nóng năm nay của EVNNPT là gì, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: So với cùng kỳ 2019, 4 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhìn chung sản lượng điện nhận lưới điện truyền tải tăng trưởng rất thấp, chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019 (trong khi cùng kỳ 2019 tăng 11,3% so với 2018).

Trong đó, sản lượng điện nhận trên lưới điện truyền tải miền Bắc có tăng trưởng âm (-2,3% so với cùng kỳ 2019) trong khi năm 2019 tốc tộ tăng trưởng là 8,2% so với cùng kỳ  2018; lưới điện truyền tải khu vực miền Nam có tăng trưởng không đáng kể so với cùng kỳ (+1,5%) trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2019 là 9,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Tốc độ tăng thấp sản lượng điện nhận của lưới điện truyền tải 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ là khác biệt cơ bản so với năm 2019 và các năm trước đây. Tuy nhiên, khi vào cao điểm năng nóng năm 2019, khi nhu cầu sử dụng điện phục hồi thì lưới điện truyền tải vẫn phải tiếp tục vận hành căng thẳng với nhiều ĐZ và MBA đầy và có thời điểm phải vận hành quá tải, đặc biệt đối với khu vực trung tâm phụ tải như Hà Nội, TP. HCM và vùng phụ cận.

Kiểm tra đường dây 500 kV bằng thiết bị bay không người lái.

Trước những áp lực đó, EVNNPT đã có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện truyền tải?

Ông Lưu Việt Tiến: Để đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện truyền tải, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phụ tải, EVNNPT đã có sự chuẩn bị cả về công tác quản lý vận hành và đầu tư lưới điện:

Thứ nhất, về công tác quản lý vận hành, EVNNPT đã cùng các đơn vị thành viên xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm giảm sự cố, ổn định điện áp, giảm dòng ngắn mạch, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy thiết bị trên lưới.

Thứ hai, về công tác đầu tư, EVNNPT đã và đang khẩn trương đóng điện các công trình nhằm tăng cường năng lực lưới điện truyền tải cấp điện cho các khu vực phụ tải trọng điểm (đóng điện MBA 600 MVA-500 kV nâng công suất TBA 500 kV Nho Quan tăng cường khả năng cấp điện cho Hà Nội và phụ cận) cũng như tăng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện như các ĐZ 220 kV, 500 kV đấu nối NMNĐ Hải Dương, Sông hậu 1, NCS các MBA 450 MVA trạm Vĩnh Tân lên MBA 900 MVA, lắp máy 2 500 kV-450MVA TBA 500 kV Di Linh và nhiều dự án khác cũng đang được EVNNPT đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm tăng cường khả năng truyền tải và sự ổn định cho hệ thống điện.

Diễn tập chữa cháy, đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Như những năm trước, vào mùa nắng nóng hay xảy ra hiện tượng cháy rừng ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện. Năm nay, EVNNPT có sự chuẩn bị cho tình huống này như thế nào, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến:  Nắng nóng, ít mưa dẫn đến đất đai và cây rừng khô héo, lá cây khô rụng xuống đất tạo lớp thực bì. Khi đó chỉ cần tàn lửa nhỏ, tàn thuốc cũng gây cháy rừng.

Thực tế, trong những năm qua đã xảy ra các vụ cháy rừng, cháy nương rẫy, ruộng mía trong và gần HLAT đường dây truyền tải điện gây sự cố đường dây, ảnh hưởng đến truyền tải cung cấp điện: Năm 2014, 2015 xảy ra cháy rừng gây sự cố đường dây 500 kV Di linh - Tân định, cháy ruộng mía gây sự cố đường dây 220 Nha trang - Krongbuk, năm 2017 cháy rừng ngoài hành lang lan vào trong hành lang gây sự cố đường dây 500 Vĩnh Tân - Sông Mây và đặc biệt mùa nắng nóng năm 2019, cháy rừng nhiều ngày tại khu vực miền Trung đã làm sự cố lưới điện đường dây 500 kV Đà nẵng - Vũng Áng và Đà nẵng - Hà Tĩnh, ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an toàn cung cấp điện.

Để ngăn ngừa và khắc phục nhanh các sự cố do cháy rừng, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra ra soát các vị trí đường dây truyền tải đi qua rừng, nương rẫy, phối hợp với địa phương, chủ rừng thu dọn thực bì, cành cây khô ra khỏi hành lang đường dây, tạo các đường băng chống cháy lan về phía đường dây.

Các đội TTĐ đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không đốt rừng, không để các lá cây, cành cây khô tồn tại trong hành lang đường dây.

Các TTĐ khu vực ký kết các Quy chế phối hợp về PCCR với chính quyền và công an các địa phương, lực lượng kiểm lâm và chủ rừng.

Ngoài các biện pháp truyền thống, các Công ty TTĐ còn áp dụng các công nghệ mới như sử dụng thiết bị UAV bay giám sát hành lang, lắp các camera giám sát hành lang tại các khu vực xung yếu, dễ xảy ra cháy.

Khi xảy ra cháy lớn gần đường dây thì cần phối hợp với nhân dân địa phương, lực lượng công an PCCC, quân đội để dập cháy, nếu có nguy cơ mất an toàn  cần cất điện đường dây để dập cháy và khôi phục vận hành đường dây ngay sau khi đám cháy không còn ảnh hưởng.

Cùng với đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, tình trạng thả diều ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải vẫn còn tồn tại nhiều. EVNNPT đã và đang triển khai giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Lưu Việt Tiến: Để ngăn ngừa và hạn chế hiện tượng thả diều, EVNNPT đã triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hành vi thả diều gần đường dây khi diều bay vướng lên đường dây sẽ gây sự cố, điều này đã được quy định tại Nghị định 14/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Điện lực về ATĐ. Các hành vi thả diều gây sự cố cho đường dây không những ảnh hưởng đến an toàn vận hành đường dây mà còn có thể nguy hiểm cho người thả diều và những người xung quanh.

Các hình thức tuyên truyền bao gồm: Tổ chức hội nghị tuyên truyền tại UBND huyện, xã, thôn, trường học; tuyên truyền trên truyền hình, phát thanh trên loa truyền thanh của xã, thôn, xe lưu động; phát tờ rơi đến người dân và trường học.

Các công ty TTĐ, TTĐ khu vực, đội TTĐ tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là tại các nơi người dân hay thả diều để ngăn ngừa hiện tượng thả diều gần đường dây, tháo gỡ diều thả để không bay vào đường dây.

Các đơn vị TTĐ cũng ký kết các Quy chế phối hợp với chính quyền và công an các địa phương trong việc kiểm tra và xử lý diều, phối hợp với các đơn vị điện lực trên địa bàn trong công tác kiểm tra và thông báo cho nhau biết để tháo dỡ diều kịp thời.

Các hành vi thả diều gây sự cố sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp luật.

Ngoài ra tại các TTĐ cũng sử dụng công nghệ giám sát bằng UAV, camera gắn trên các điểm cao, gần điểm nóng về thả diều để phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ diều bay vào đường dây.

Tuy nhiên việc ngăn chặn triệt để hiện tượng thả diều cũng gặp khó khăn vì chơi diều là một truyền thống dân gian, có những khi người dân thả diều xa đường dây nhưng gặp gió to diều bay xa vẫn có thể vướng lên đường dây gây sự cố. Vì vậy việc kết hợp nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến kiểm tra, có tai mắt của nhân dân phát hiện nhanh việc thả diều để xử lý tháo gỡ, xử lý nghiêm các hành vi thả diều có nguy cơ gây sự cố đường dây phải làm thường xuyên, không được lơi lỏng.

Kiểm tra phát nhiệt trạm biến áp truyền tải điện bằng máy soi phát nhiệt.

Song song với tình trạng nắng nóng thì cũng là thời điểm chuẩn bị ứng phó với mưa bão. Phương án ứng phó của EVNNPT như thế nào?

Ông Lưu Việt Tiến: Phương án ứng phó đã được EVNNPT và các đơn vị triển khai ngay từ đầu năm. Tại EVNNPT và các đơn vị cấp dưới, các TTĐ khu vực, đội TTĐ khu vực đều thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy. Căn cứ vào tình hình thời tiết, khí hậu của năm, của vùng để đề ra Chỉ thị về công tác PCTT và TKCN.

Theo đó các đơn vị lập Phương án PCTT và TKCN bao gồm: Xử lý các khiếm khuyết thiết bị trên đường dây, TBA để ngăn ngừa sự cố, chuẩn bị vật tư phương tiện, lực lượng để xử lý nhanh các tình huống thiên tai, các sự cố.

Xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai như khi xảy ra mưa bão, gió lốc, các địa bàn bị chia cắt do lũ, do sạt lở đường; phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống.

Các đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị có liên quan trên địa bàn để phòng chống thiên tai có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Đến nay các khiếm khuyết của mùa mưa bão năm trước như sạt lở móng cột đường dây, sạt trượt, lún taluy tại trạm biến áp đã được khắc phục, đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão, lũ. Các đơn vị cũng đã tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN xong trước tháng 6.      

Các đơn vị tăng cường theo dõi sát diễn biến các cơn bão, lũ, mưa to dài ngày… trên các phương tiện thông tin đại chúng, công điện của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về PCTT, các Bộ ngành, EVN… để kịp thời triển khai lực lượng phòng chống và khắc phục ảnh hưởng thiên tai theo các kịch bản, phương án.

Trong tình huống giả định, nếu do mưa bão lớn, hệ thống truyền tải 500 kV Bắc-Nam gặp sự cố gây gãy đổ cột điện, trong xây dựng phương án, Tổng công ty có tính đến tình huống này không và giải pháp để khắc phục?

Ông Lưu Việt Tiến: Hiện nay, hệ thống TTĐ 500 kV Bắc - Nam do 4 Công ty TTĐ quản lý vận hành. Đường dây đã được thiết kế để chịu được các cơn bão, gió lớn. Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng cực đoan về thời tiết đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam như gió lốc, nắng nóng, thậm chí xảy ra băng tuyết ở miền Bắc.

Để ứng phó với các hiện tượng đó, EVNNPT đã giao cho các Công ty TTĐ chủ động xây dựng các phương án trong PCTT, trong đó có giả định cả các trường hợp gãy đổ cột điện 220 và 500 kV. Trong có có việc chuẩn bị các vật tư để chằng néo cột tránh ngã đổ, vặn cột, chuẩn bị cột dự phòng có kết cấu tương tự, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ngay cho việc khắc phục nếu xảy ra sự cố.

Trong các phương án có cả việc phối hợp với các Trung tâm điều độ HTĐ quốc gia, điều độ miền để nhanh chóng có phương thức truyền tải cung cấp điện giảm thiểu ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, phối hợp với các đơn vị sản xuất cột điện sẵn sàng chế tạo vật tư thay thế, phối hợp giữa các đơn vị quản lý vận hành và cả các đơn vị xây lắp điện để huy động người và phương tiện tham gia khắc phục nhanh sự cố.

Ngoài ra trong các tình huống mưa to, bão lớn các đơn vị cần chủ động phối hợp với các địa phương để huy động phương tiện, lực lượng của các đơn vị, ngành khác như công an, quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia hỗ trợ vận chuyển, khắc phục sự cố để nhanh chóng khôi phục vận hành đường dây truyền tải./.

Xin cảm ơn ông!

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động