RSS Feed for Giải pháp nào thúc đẩy dự án mở rộng Lọc dầu Dung Quất? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 02:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp nào thúc đẩy dự án mở rộng Lọc dầu Dung Quất?

 - Việc nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai dự án này là "bất khả kháng", không chỉ đối với doanh nghiệp mà là vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, môi trường - Nghĩa là việc "dứt khoát phải làm". Nhưng giải pháp nào để vượt qua những khó khăn hiện tại và thúc đẩy dự án phát triển? Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Tình hình hoạt động của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn

 

Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình thế kỷ, được xây dựng trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi, đã góp phần hoàn thành chuỗi giá trị trong ngành Dầu khí Việt Nam (từ tìm kiếm thăm dò, đến chế biến và phân phối các sản phẩm dầu khí).

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm an ninh quốc gia và là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng từ 30-40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Nhà máy đi vào vận hành từ tháng 2/2009 và được đánh giá là công trình lọc dầu hiện đại nhất Đông Nam Á, với quyết toán công trình năm  2009 là 3,053 tỷ USD.

Sau 9 năm đi vào vận hành sản xuất, đến nay, tổng thu ngân sách của Nhà máy đã đạt gần 7 tỷ USD (gấp hơn 2 lần tổng mức đầu tư ban đầu), lợi nhuận sau thuế tích lũy đến nay đạt gần 1 tỷ USD. Điều này cho thấy hiệu quả rất lớn của công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tổng sản phẩm của Nhà máy đến nay đã sản xuất, cung cấp ra thị trường là trên 55 nghìn tấn sản phẩm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước. "Cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thì 2 nhà máy này sẽ đáp ứng được 90% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước" - Ông Nguyên nhấn mạnh.

Theo ông Nguyên, hiện nay, với quy mô doanh thu của BSR là 5 tỷ USD/năm, quy mô doanh thu này tại Việt Nam đứng thứ 7 sau các tập đoàn kinh tế. Về lợi nhuận, theo báo cáo đánh giá của Vietnam Report, thì năm 2018, BSR đứng thứ 14 trên 500 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang phát huy hiệu quả rất lớn.

Vì vậy, tập thể BSR, cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mong muốn Chính phủ có chiến lược tạo điều kiện để phát triển chuỗi giá trị cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Hiện nay, BSR đang tập trung tối ưu hóa tiết giảm chi phí để đem lại hiệu quả cao nhất, nộp ngân sách cao nhất. Theo ông Nguyên, khi đã đạt được hiệu quả cao nhất thì chúng ta phải nghĩ đến tương lai. Ở đây là nâng cấp mở rộng nhà máy - bởi bắt đầu từ năm 2022, thực thi theo lộ trình của Chính phủ, chúng ta phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xăng dầu chất lượng cao (tiêu chuẩn Euro 5), còn hiện nay chúng ta chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn Euro 2.

Nói về tương lai xa hơn nữa, ông Nguyên cho biết, với nhu cầu về sản phẩm lọc hóa dầu, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Ngoài ra, thị trường tương lai cũng sẽ giảm dần động cơ chạy bằng xăng dầu chuyển sang chạy bằng động cơ điện. Vì vậy, khi nhu cầu về hóa dầu ngày càng tăng, nhu cầu về vật liệu mới ngày càng tăng, thì sản phẩm lọc dầu sẽ giảm đi, sản phẩm hóa dầu tăng lên. Cần biết, dù hiện tại chúng ta mới chỉ đáp ứng được 15% sản phẩm từ hóa dầu, tỷ suất lợi nhuận đã lớn gấp từ 5-7 lần sản phẩm lọc dầu. Do vậy, BSR đang thực thi chiến lược, đầu tiên là thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy; vừa nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng thị trường xăng dầu ngày càng cao, bắt đầu từ năm 2022 (theo tiêu chuẩn của Chính phủ là Euro 5 đối với xăng dầu).  

Ông Nguyên cho biết, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy, với quy mô đầu tư là 1,8 tỷ USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, tương đương với 544 triệu USD (khoảng 1 nghìn tỷ VNĐ) lấy từ lợi nhuận sau thuế để lại; còn lại 70%, tương đương với 1,27 tỷ USD (27 nghìn tỷ đồng) đi vay. Trong 1,27 tỷ USD đi vay, BSR dự kiến 900 triệu USD đi vay từ quỹ tín dụng xuất khẩu (vì lãi suất thấp hơn), còn lại 300 triệu USD vay thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, điều kiện bắt buộc là phải có bảo lãnh Chính phủ.

"Đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án nâng cấp mở rộng ban đầu là vay có bảo lãnh Chính phủ, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay không có bảo lãnh Chính phủ, điều này rất khó khăn cho việc huy động vốn" - Ông Nguyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, các tổ chức tín dụng đòi hỏi Việt Nam có chính sách, cơ chế ổn định.

Ví dụ như không phải thu điều tiết. Chính phủ đã cho phép BSR cạnh tranh sòng phẳng với thị trường, không thu điều tiết mà cũng không cấp bù như trước đây, theo đó, hiện nay BSR đang sản xuất - kinh doanh hết sức hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính hiện nay vẫn trình Chính phủ thu điều tiết. "Bản chất thu điều tiết là đóng thuế nhập khẩu cho hàng trong nước, điều này là bất hợp lý, đây là chính sách không ổn định" - Ông Nguyên khẳng định.

Vấn đề nữa là thuế thu nhập đầu vào. Bắt đầu từ ngày 1/9/2016, thuế dầu thô cho một số nguồn đầu vào là 0%, hiện nay đã thay đổi lên 5%, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế, do vậy BSR mong muốn Chính phủ có chính sách hết sức ổn định để BSR tập trung thu xếp vốn. Còn vốn chủ sở hữu, BSR có thể thu xếp bằng cách phát hành cổ phiếu để tái cấu trúc lại vốn sở hữu là 50% - có nghĩa là vốn chủ sở hữu là 50% và đi vay 50%, thay vì  30-70% như hiện nay.

Để tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị từ lọc dầu, chúng ta tiếp tục phát triển hóa dầu, ông Nguyên đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều giúp BSR tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

MAI THẮNG

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động