Giải pháp làm mát nhanh tua bin tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
07:54 | 28/09/2020
EPS ứng dụng thành công công nghệ kiểm tra đánh giá lò bằng Drone Inspection
Trong các đợt dừng máy sửa chữa đối với nhà máy điện than (công suất 600 MW), với điều kiện làm mát tự nhiên, thời gian giảm nhiệt độ cho kim loại tầng cánh đầu của tua bin cao áp sau khi ngừng máy từ 440 độ C xuống 150 độ C thông thường mất khoảng 10 ngày mới đủ điều kiện nhiệt độ dừng hệ thống trở trục tua bin, cho phép tiến hành mở máy sửa chữa.
Bằng cách kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm hợp lý, các kỹ sư của Công ty Dịch vụ Sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS) đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp làm mát nhanh tua bin tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Với giải pháp này, thời gian làm mát được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Ngoài ra hệ thống làm mát nhanh góp phần làm giảm nhiệt độ vỏ tua bin cao trung áp xuống 60 độ C an toàn và nhanh chóng, đủ điều kiện an toàn thực hiện công tác tháo tua bin.
Sơ đồ nguyên lý hệ thống làm mát nhanh tua bin NMĐ than.
Hệ thống làm mát nhanh tua bin được thiết kế để không làm giảm nhiệt độ cưỡng bức cho tua bin quá nhanh, không gây ra biến dạng và hư hại kết cấu. Quá trình làm mát tua bin được thực hiện qua 4 bước.
Bước 1: Lấy đường gió dịch vụ của Nhà máy điện đưa vào hệ thống gia nhiệt khí nén.
Bước 2: Hệ thống gia nhiệt khí nén tính toán nhiệt độ gia nhiệt phù hợp.
Bước 3: Sau khi tính toán nhiệt độ gia nhiệt phù hợp, khí gia nhiệt đưa trực tiếp vào tua bin cao, trung áp để làm mát.
Bước 4: Hệ thống gia nhiệt khí lấy tín hiệu nhiệt độ tua bin đưa về máy gia nhiệt để phân tích và tính toán giảm dần nhiệt độ gia nhiệt và đưa vào tuabin cho đến khi đạt nhiệt độ cho phép mở máy.
Cụ thể mô tả giải pháp đã và đang thực hiện tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, khí nén lấy từ nguồn khí nén hiện có của nhà máy điện và đưa vào tua bin cao, trung áp khi nhiệt độ kim loại tầng cánh đầu của tua bin cao áp giảm xuống dưới 350 độ C, nhiệt độ khí nén được điều chỉnh qua bộ gia nhiệt để phù hợp với mức giảm nhiệt độ của kim loại tầng cánh đầu của tua bin cao áp.
Đối với tua bin cao áp, khí nén sau khi gia nhiệt được đưa vào tua bin cao áp thông qua các đường ống xả đọng của các cụm van hơi chính. Khí nén này sẽ đi vào các tầng cánh tua bin, qua tầng cánh cuối để làm mát cho rotor và vỏ trong tua bin cao áp, sau đó theo đường hơi thoát về bình ngưng. Còn với tua bin trung áp, khí nén sau khi gia nhiệt được đưa vào tua bin trung áp thông qua các đường ống xả đọng của cụm van hơi tái sấy. Khí nén này sẽ đi vào các tầng cánh tua bin, qua tầng cánh cuối để làm mát cho rotor và vỏ trong tua bin trung áp, sau đó khí nén đi qua tuabin hạ áp và thoát về bình ngưng.
Trong quá trình vận hành hệ thống làm mát nhanh, các thông số độ di trục, độ lệch tâm, độ chênh giãn nở vỏ tua bin, chênh lệch nhiệt độ vỏ trên và dưới tua bin được ghi lại 30 phút/lần. Nếu các thông số này bị vi phạm thì quá trình làm mát nhanh phải dừng lại và chỉ được vận hành trở lại khi thông số trở về bình thường.
Cụ thể, các điều kiện phải duy trì trong quá trình làm mát gồm: Tốc độ làm mát phải được kiểm soát từ 3-5 độ C/h; Độ lệch tâm﹤0.076mm; Độ chênh lệch giãn nở﹤26.16mm và﹥9.70mm; Độ chênh lệch nhiệt độ giữa mặt trên và dưới vỏ tua bin HIP﹤42 độ C; Nhiệt độ đầu ra tua bin hạ áp﹤79 độ C; Nhiệt độ đầu ra tua bin cao áp﹤427 độ C.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Giải pháp làm mát nhanh tua bin đã được EPS áp dụng trong nhiều công trình sửa chữa đột xuất hoặc theo kế hoạch tại Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 kể từ năm 2018. Đặc biệt trong đợt tiểu tu tổ máy S1 và trung tu S2 vào giữa tháng 10/2020 này, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện để giảm thời gian kế hoạch đăng ký ngừng máy bảo dưỡng. Với việc rút ngắn thời gian giảm nhiệt độ tua bin và thời gian ngừng máy sửa chữa giúp tiết kiệm chi phí, tăng thời gian vận hành tổ máy tại Nhà máy điện Vĩnh Tân 2. EPS cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai ở những nhà máy có điều kiện tương tự, để sớm đưa các Nhà máy điện vào vận hành ổn định, an toàn, cung cấp sản lượng điện hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM