RSS Feed for ‘Giải cứu’ các dự án điện của PVN đang bị ‘mắc kẹt’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 21:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘Giải cứu’ các dự án điện của PVN đang bị ‘mắc kẹt’

 - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019. Điểm đáng chú ý của Nghị quyết lần này là Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như: Nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Thái Bình 2... bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Dự án nguồn, lưới điện nào sẽ vào danh mục ‘cấp bách’?



Cụ thể, đối với dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa tổ máy 1 vào vận hành quý II năm 2021 và tổ máy 2 vào quý III năm 2021; đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để bảo đảm tiến độ đưa tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12 năm 2020 và tổ máy 2 vào quý I năm 2021.  

Đối với dự án Nhiệt điện Long Phú 1, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2019; đối với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa tổ máy 1 vào vận hành quý II năm 2021 và tổ máy 2 vào quý III năm 2021.

Lực cản trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, trước nguy cơ nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng, nhất là các thiết bị, công nghệ sẽ bị han gỉ, thậm chí để quá lâu, dự án có thể trở thành “đống sắt vụn”, hồi cuối tháng 3/2019 Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi phân tích, nhận xét, đánh giá về những tác động kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng... nếu dự án này tiếp tục chậm trễ, các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đề xuất kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bốn nhóm vấn đề như sau:

Thứ nhất: Thủ tướng Chính phủ đã rất trách nhiệm và quyết tâm tháo gỡ các khó khăn để hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, còn có lực cản từ phía một số tổ chức, cá nhân, nên quá trình ra quyết định bằng văn bản còn rất chậm. Mặt khác, theo chúng tôi, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thành Dự án, rất cần sự vào cuộc của Bộ Chính trị.

Thứ hai: Đề nghị Chính phủ, đi đôi với việc tiếp tục để các cơ quan chức năng điều tra, xác định và xử lý nghiêm minh các tổ chức, bộ phận, cá nhân vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai đầu tư thực hiện dự án; cần chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy tiến độ hoàn thành để sớm đưa Dự án đi vào hoạt động, nhằm giảm các thiệt hại kinh tế - xã hội do sự chậm trễ gây ra. Đồng thời, chỉ đạo việc điều tra, xử lý vi phạm pháp luật không gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.  

Thứ ba: Chính phủ căn cứ vào các kiến nghị của PVN, báo cáo của Bộ Công Thương và các ý kiến của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương thành lập vừa qua, sớm có các văn bản chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình nhanh chóng hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với PVN tháo gỡ các vướng mắc trong các quy định hiện hành, nhất là cơ chế huy động, thu xếp vốn cho dự án theo tinh thần “cấp cứu khẩn cấp” để mau chóng tiếp tục thực hiện các công việc còn lại nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm nhất có thể.

Thứ tư: Chỉ đạo PVN xây dựng phương án, kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể, kể cả dự toán và tiến độ thi công để tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục còn lại, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ đã đề ra./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM  

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động