EVN đã đảm bảo điện an toàn, ổn định dịp Tết Nhâm Dần
08:22 | 08/02/2022
Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 - Kết quả qua những thử thách Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành điện với nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại tất cả các địa phương trên cả nước đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp. Bài viết của Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin chia sẻ với bạn đọc một vài nét tổng hợp những nỗ lực vượt khó EVN vừa qua và đảm bảo được cung cấp điện an toàn, ổn định để vừa hỗ trợ chống dịch, vừa góp phần vào phục hồi tăng trưởng kinh tế, mặc dù thách thức vẫn còn phía trước. |
Căn cứ các số liệu thống kê, công suất và sản lượng điện tiêu thụ tính trên cả nước vào dịp Tết đều giảm mạnh so với ngày thường trước Tết. Tính trung bình trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia trung bình ngày chỉ ở mức khoảng 24.700 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 485 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ điện trung bình ngày toàn quốc trong kỳ nghỉ Tết thấp hơn khoảng 29% về công suất và thấp hơn 30% về sản lượng so với mức trung bình ngày của tuần trước Tết.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm trước thì mức tiêu thụ điện trung bình ngày toàn quốc của kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 vẫn cao hơn khoảng 8% về công suất đỉnh và cao hơn 16% về sản lượng so với Tết Tân Sửu 2021.
Các nhà máy điện cùng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đã vận hành an toàn, ổn định. |
Như đã dự báo trước đó, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết nguyên đán đã giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Theo số liệu thống kê, trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa đã giảm có thời điểm chỉ còn khoảng 14.800 MW, giờ thấp điểm đêm chỉ đạt xấp xỉ 13.000 MW. Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống hiện đã ở mức khoảng 75.700 MW, trong đó có hơn 20.800 MW năng lượng tái tạo - chiếm tỷ lệ 27,5% (bao gồm 16.500 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió). Như vậy, chỉ riêng về nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện toàn hệ thống trong các giờ thấp điểm của ngày Tết. Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Do đã chủ động, kịp thời thông tin rộng rãi, cảnh báo về vấn đề an ninh - an toàn trong vận hành hệ thống điện trước và trong dịp Tết, đồng thời nhờ sự tích cực phối hợp của các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết trong những ngày Tết vừa qua, các chủ đầu tư nguồn phát điện (trong đó bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) về cơ bản đã thực hiện đúng theo các mệnh lệnh điều độ, từ đó đã góp phần đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, không gây sự cố và ảnh hưởng cung cấp điện.
Nhờ sự tích cực chủ động chuẩn bị của EVN và các đơn vị thành viên về phương án chi tiết đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tổ chức ứng trực tăng cường, sẵn sàng nhân lực và phương tiện, vật tư thiết bị xử lý sự cố, phòng chống cháy nổ, nên trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, các nhà máy điện cùng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đã vận hành an toàn, ổn định./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM