RSS Feed for Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 - Kết quả qua những thử thách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/12/2024 11:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 - Kết quả qua những thử thách

 - Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành điện với nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại tất cả các địa phương trên cả nước đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp. Bài viết của Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin chia sẻ với bạn đọc một vài nét tổng hợp những nỗ lực vượt khó EVN vừa qua và đảm bảo được cung cấp điện an toàn, ổn định để vừa hỗ trợ chống dịch, vừa góp phần vào phục hồi tăng trưởng kinh tế, mặc dù thách thức vẫn còn phía trước.
EVN đứng thứ hai trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2021 EVN đứng thứ hai trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2021

Đây là kết quả vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo điện tử Vietnamnet công bố và vinh danh về danh sách và thứ hạng của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021.


Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tiếp tục thấp hai năm liền, việc giảm giá điện, giảm tiền điện liên tục đợt 3, 4, 5 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (ước tính năm 2021, EVN thực hiện giảm giá điện cho khách hàng do Covid-19 với tổng số tiền trước thuế khoảng 3.000 tỷ đồng); trong bối cảnh các thông số đầu vào cho sản xuất điện như giá than, giá khí đều tăng,… đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác vận hành hệ thống điện, cân đối tài chính và tiền lương thu nhập người lao động của EVN. Công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành của nhà nước còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng.

Mặc dù nhiều khó khăn thử thách, nhưng năm 2021 ngành điện đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả như sau:

1. Đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân:

Ngành điện nòng cốt là EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các nguồn điện trong hệ thống, bao gồm:

Về quy mô hệ thống điện:

Đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 - Kết quả qua những thử thách
Hình 1: Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2021.

Về sản xuất và cung ứng điện: Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống năm 2021 đạt 43.518 MW (ngày 2/6/2021), tăng 11,3 % so với năm 2020 (39.111 MW); Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2021 đạt 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so năm 2020; Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2021 đạt 246,21 tỷ kWh, tăng trưởng 3,25% so năm 2020, trong đó điện mua từ các nguồn ngoài EVN là 123,68 tỷ kWh tăng 22,07% so với 2020.

Bảng 1. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2021 (triệu kWh):

TT

Loại nguồn

Năm 2020

Thực hiện năm 2021

So sánh (%)

So 2020

So sản lượng toàn hệ thống

1

Thuỷ điện

72.867

78.605

107,87%

30,62%

2

Nhiệt điện than

122.533

118.074

96,36%

45,99%

3

Tua bin khí

34.660

26.312

75,92%

10,25%

4

Nhiệt điện dầu

1.043

3

0,25%

0,001%

5

Nhập khẩu

3.070

1.403

45,72%

0,55%

6

NL tái tạo

12.083

31.508

260,76%

12,27%

Tr.đó: Điện gió

982

3.343

340,48%

1,30%

Điện mặt trời

10.761

27.843

258,74%

10,85%

Sinh khối

340

321

94,46%

0,12%

7

Nguồn khác

820

821

100,17%

0,32%

TỔNG

247.075

256.727

103,91%

100%

Điện thương phẩm toàn EVN đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020, trong đó: EVNNPC tăng cao nhất 9,31%; EVNCPC tăng trưởng 6,33%; EVNHANOI tăng trưởng 3,28%; EVNSPC tăng trưởng 1,32%. Riêng EVNHCMC giảm (-)5,42% so với năm 2020.

Về cơ cấu điện thương phẩm: Điện cấp cho các thành phần công nghiệp - xây dựng, quản lý tiêu dùng, nông nghiệp đều tăng trưởng 4,88% đến 9,51%; Riêng điện cấp cho TM-KS-NH, là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, giảm (-)12,2% và thành phần phụ tải khác giảm (-)5,08%.

Về sản lượng điện truyền tải: Tuy sản lượng điện sản xuất, điện thương phẩm vẫn tăng so với năm 2021, nhưng một đặc điểm đặc biệt của hệ thống năm 2021 là sản lượng điện truyền tải đạt 200,86 tỷ kWh, giảm 1,47% so với năm 2020. Một trong các lý do là điện sản xuất từ điện mặt trời, điện gió tăng cao đã được truyền tải trực tiếp vào lưới phân phối cấp cho phụ tải.

Về điều hành hệ thống điện và thị trường điện:

Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Các nhà máy thuỷ điện đã thực hiện tốt công tác điều tiết lũ, đảm bảo phát điện, đáp ứng tốt nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp (điều tiết, cấp nước hạ du), đẩy nước mặn và dân sinh.

Năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia do tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và đối mặt các vấn đề khác hẳn những năm trước đây là: (i) Phụ tải và thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và rất khó dự báo; (ii) Nhu cầu sử dụng điện giảm mạnh trong khi tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm NMĐ gió, sinh khối, điện mặt trời) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” (đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam), nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc tại một số thời điểm cao điểm nắng nóng mùa hè.

Ngành điện đã đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam, thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện trong hệ thống điện. Phối hợp với các đơn vị phát điện trang bị, kết nối hệ thống điều khiển công suất phát tự động (AGC) nên đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều độ, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo trong trường hợp phụ tải giảm thấp hoặc quá tải lưới điện khu vực, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch. Đến cuối năm, hầu hết các hồ thủy điện đều tích lên đạt mực nước dâng bình thường để chuẩn bị phát điện cho năm 2022.

Mặc dù ảnh hưởng của Covid-19 làm phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, Điều độ quốc gia vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh (VWEM) liên tục ổn định, không phải can thiệp dừng thị trường điện do đã chuẩn bị tốt kế hoạch năm 2021, đồng thời xử lý tốt các bất cập phát sinh trong quá trình vận hành VWEM.

Hiện tại có 104 NMĐ tham gia trực tiếp trong Thị trường điện với tổng công suất 27.957 MW, chiếm 36,9% tổng công suất đặt các NMĐ do cấp điều độ quốc gia điều khiển (năm 2021 có thêm 3 NMĐ mới với 310 MW tham gia thị trường).

2. Thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện, đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng, giải toả công suất nguồn điện NLTT:

Trong năm 2021, EVN tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư các dự án điện như: Vướng mắc triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù GPMB, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao. Đặc biệt dịch Covid bùng phát mạnh, ngày càng phức tạp và gia tăng trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các thủ tục đầu tư, công tác cung cấp VTTB và thi công trên công trường. EVN và các đơn vị rất nỗ lực thực hiện và đề ra giải pháp, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thực hiện và cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu về công tác đầu tư xây dựng như sau:

Về đầu tư các dự án nguồn điện:

EVN và các đơn vị đã đưa vào vận hành 2 dự án nguồn điện với công suất 300 MW: Gồm TĐ Thượng Kon Tum (220 MW) và NMTĐ Đa Nhim MR (80 MW); Hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án TĐTN Bắc Ái (giai đoạn 1).

Đã khởi công 3 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.040 MW, gồm: TĐ Hòa Bình MR (480 MW) tháng 1/2021, TĐ Ialy MR (360 MW) tháng 5/2021 và Dự án NĐ Quảng Trạch 1 (1.200 MW) tháng 12/2021.

Về đầu tư các dự án lưới điện:

Năm 2021, EVN và các đơn vị đã khởi công 198 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV.

Bảng 2: Thực hiện khởi công - đóng điện các công trình lưới điện 500 - 110 kV:

TT

Đơn vị

KH 2021

Thực hiện

So KH 2021

Khởi công

Đóng điện

Khởi công

Đóng điện

Khởi công

Đóng điện

1

Lưới 500kV

8

18

6

11

75%

61%

2

Lưới 220kV

44

38

40

30

91%

79%

3

Lưới 110kV

150

155

152

135

101%

87%

TỔNG

202

211

198

176

98%

83%

(i) Các công trình nâng cao năng lực truyền tải: Đã hoàn thành các ĐD 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, Mỹ Tho - Đức Hoà; đang tập trung đầu tư ĐD 500 kV đoạn từ NĐ Quảng Trạch - Phố Nối với mục tiêu hoàn thành năm 2024 để tăng cường cấp điện khu vực miền Bắc.

(ii) Các công trình đồng bộ với các nguồn điện lớn: Đã đưa vào vận hành lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV đồng bộ NMNĐ BOT Nghi Sơn 2, Hải Dương; Đang khẩn trương đầu tư các công trình lưới điện đồng bộ các NMNĐ BOT Vân Phong 1, NMĐ LNG Nhơn Trạch 3 và 4.

(iii) Các công trình phục vụ giải tỏa NLTT (đã hoàn thành nâng công suất các TBA 500 kV Đắk Nông, Pleiku 2, lắp MBA 500 kV tại SPP 500 kV Long Phú; các công trình TBA 220 kV Lao Bảo và ĐD 220 kV Đông Hà - Lao Bảo, TBA 220 kV Giá Rai, ĐD 220 kV đấu nối TBA 220 kV Vĩnh Châu; đồng thời đã hoàn thành một số công trình lưới điện 110 kV quan trọng phục vụ các cụm NLTT khu vực miền Trung và bắc Nam bộ).

Trong năm 2021, EVN đã đáp ứng được yêu cầu đấu nối và phục vụ việc công nhận ngày vận hành thương mại COD 72 dự án/3.421 MW các nguồn điện gió vận hành trước 31/10/2021. Hiện các đơn vị đang tiếp tục đầu tư các công trình phục vụ giải tỏa nguồn điện NLTT, đặc biệt tại các địa bàn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

(iv) Các công trình giải toả nguồn thủy điện và nhập khẩu điện Lào:

Đã hoàn thành TBA 220 kV Mường La, Nâng công suất TBA 220 kV Sơn Hà, ĐD 220 kV Mường Tè - Lai Châu,…

Đã khởi công ĐD 220 kV Lào Cai - Bảo Thắng, ĐD 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, Nậm Mô - Tương Dương, TBA 220 kV Tương Dương, Bắc Quang và các đường dây đấu nối với mục tiêu hoàn thành năm 2022.

(v) Các công trình trọng điểm đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và các khu vực có tăng trưởng phụ tải lớn:

Đã hoàn thành các dự án quan trọng như TBA 500 kV Đức Hòa; Nâng công suất các TBA 500 kV Quảng Ninh, Nho Quan, Việt Trì, Nhà Bè,...

Đã giải quyết xong các vướng mắc kéo dài về ĐBGPMB để đẩy nhanh tiến độ thi công ĐD 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín, TBA 220 kV Tân Cảng, ...

Về đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo:

Năm 2021 đã hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Lai Châu, triển khai thủ tục đầu tư dự án Cấp điện huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm với mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Các Tổng công ty Điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng để cấp điện cho gần 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Cà Mau... và tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cấp điện tại các huyện đảo, xã đảo đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%.

3. Những khó khăn thách thức vẫn còn phía trước:

Thứ nhất: Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát mạnh, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các công trình nguồn và lưới điện.

Thứ hai: Tỷ trọng nguồn điện NLTT tiếp tục tăng cao (chiếm 27% công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống) trong đó nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện NLTT lên tới 60% nhu cầu công suất phụ tải, dẫn đến tình trang quá tải đường dây truyền tải và khó khăn trong đảm bảo vận hành tin cậy hệ thống điện.

Thứ ba: Trong đầu tư xây dựng, tiếp nối những khó khăn hiện hữu như thời gian thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng kéo dài, công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB, di dân tái định cư các dự án điện quy mô lớn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều tỉnh thành, địa phương thì phát sinh một khó khăn mới là: Việc các dự án NLTT (điện gió, điện mặt trời) trong thời gian vừa qua do phải chạy đua với mốc tiến độ giá FIT nên đã chấp nhận thoả thuận về mức giá đền bù cao gấp nhiều lần so với đơn giá nhà nước địa phương quy định. Việc này đã vô tình đẩy giá đền bù lên cao và làm gia tăng bất cập trong các chính sách, gây vô vàn khó khăn cho công tác GPMB các dự án của các tập đoàn nhà nước phải xử lý sau này.

Thứ tư: Công tác thu xếp nguồn vốn vay ODA, ưu đãi, nguồn vốn vay trực tiếp cho các dự án mới cũng như điều chỉnh, gia hạn các dự án vay ODA đang triển khai không được thuận lợi do các quy định pháp lý về thẩm quyền, trình tự thủ tục, chưa đầy đủ, đang trong quá trình điều chỉnh/bổ sung. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại chưa có quy định thủ tục, trình tự chuẩn bị dự án, các cơ quan nhà nước rất lúng túng trong việc xử lý, gây chậm tiến độ dự án. Đơn cử dự án Ô Môn 3 sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, EVN trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xin chủ trương đầu tư từ ngày 9/1/2018 (tờ trình số 10/TTr-EVN), qua 4 năm, đến nay (tháng 12/2021) mới có Nghị định 114/2021/NĐ-CP để xác định được quy trình và cấp thẩm quyền thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Thứ năm: Năm 2021 và các năm tới, chi phí đầu vào nhiên liệu đã và sẽ tiếp tục tăng, đồng thời sản luợng điện năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời, điện gió) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn với giá mua điện cao hơn giá bán điện trung bình của hệ thống, làm giá thành điện ngày càng cao, trong khi 2 năm qua ngành điện vẫn không được điều chỉnh giá điện. EVN trong năm 2021 đã giảm tiền lương thu nhập người lao động, trong đó, thu nhập người lao động khối truyền tải đã giảm từ 30 đến 40 % so với năm 2020, ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến đội ngũ lao động lành nghề và chất lượng cao.

Đã đến lúc các nhà quản lý cần hết sức lưu tâm đến chính sách giá điện ngay trong tương lai gần. Với tình trạng giá đầu vào liên tục gia tăng, tỷ trọng điện năng lượng tái tạo, với giá điện cao hơn nhiều so với giá điện các nguồn truyền thống, ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nguồn điện, dẫn tới giá thành điện của hệ thống gia tăng đáng kể. Theo nhiều nhận xét, hiện giá thành điện của nguồn thuỷ điện đang cứu cánh cho tài chính của hệ thống điện, nhưng tỷ trọng này càng ngày càng thu hẹp do nguồn thuỷ điện đã được khai thác tối đa. Vì vậy, việc tính đến tăng giá điện cần phải được nhanh chóng xem xét để đảm bảo cân đối tài chính và tái đầu tư, đồng thời, cần khẩn trương thực hiện vận hành thị trường bán lẻ điện để đảm bảo minh bạch, công khai và tuân theo sự điều tiết của thị trường, mục tiêu là nhà nước nên dần dần giảm sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường./.

NGUYỄN THÁI SƠN - THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1/ Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch năm 2021, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 của EVN - tháng 1/2022.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động