“Dự án Lọc dầu Nghi Sơn tiến thêm một bước mới”
05:00 | 11/08/2012
Theo đánh giá của hãng tin Dow Jones Newswires, động thái bảo lãnh cho một phần dự án Nghi Sơn của Chính phủ Việt Nam đã đưa Dự án Lọc dầu Nghi Sơn tiến thêm một bước mới. Đây là thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế cũng như với thị trường dầu khí, khi Việt Nam hiện chỉ có một nhà máy lọc dầu duy nhất.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Shunichi Kito, Giám đốc tài chính của Idemitsu, tại một cuộc họp báo vừa diễn ra mới đây tại Tokyo, cho biết, nguồn vốn cho Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - dự án lọc dầu thứ hai của Việt Nam sau Dung Quất - gần như đã sẵn sàng ở thời điểm 4 năm sau khi dự án được công bố.
Theo hãng tin Dow Jones Newswire, Dự án Nghi Sơn có vốn đầu tư khoảng 8-10 tỷ USD, được thiết kế với công suất 200.000 thùng dầu mỗi ngày.
Dow Jones Newswire cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhất trí sẽ bảo lãnh cho một phần Dự án Nghi Sơn. “Chính phủ Việt Nam đã nhất trí làm người bảo lãnh cho một số nghĩa vụ nợ của dự án, nhưng sẽ không bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào của dự án này”, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trao đổi với Dow Jones Newswires.
Theo đánh giá của hãng tin này, động thái trên của Chính phủ Việt Nam đã đưa Dự án Lọc dầu Nghi Sơn tiến thêm một bước mới. Đây là thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế cũng như với thị trường dầu khí, khi Việt Nam hiện chỉ có một nhà máy lọc dầu duy nhất.
Phát biểu của ông Đỗ Văn Hậu được đưa ra ngay sau khi ông Kito phát biểu ở Tokyo rằng, vấn đề tài chính - nhân tố gây cản trở các cuộc đàm phán xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bấy lâu nay đã được tháo gỡ.
“Chúng tôi đã đạt được sự nhất trí ở mức độ nhất định” về sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, ông Kito cho biết, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. Trước đây, các ngân hàng không sẵn lòng cung cấp vốn vay cho dự án này nếu không có sự bảo lãnh.
“Chúng tôi đang ở vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. Không có vấn đề gì lớn với phía Việt Nam. Các cuộc đàm phán cũng không ở trong tình trạng bế tắc”, ông Kito cho biết và nói thêm rằng, Idemitsu sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong thời gian sớm nhất có thể. Quyết định đầu tư vào Nghi Sơn đã bị trì hoãn ít nhất hai lần.
Idemitsu Kosan và Kuwait Petroleum International (KPI) mỗi bên nắm cổ phần 35,1% trong Dự án Lọc dầu Nghi Sơn. Petro Vietnam và Mitsui Chemicals nắm giữ lần lượt 25,1% và 4,7% dự án này. KPI là một đơn vị của tập đoàn dầu khí quốc gia Kuwait Petroleum Corp., còn Mitsui là một công ty Nhật.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano sắp có chuyến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, ông Kito cho biết, các đối tác trong Dự án Nghi Sơn và Chính phủ Việt Nam “đã đạt được sự nhất trí tới mức độ không cần sự giúp đỡ đặc biệt” từ Bộ trưởng Edano.
Hồi đầu tháng 7 vừa rồi, PetroVietnam tuyên bố Dự án Lọc dầu Nghi Sơn có thể bắt đầu được xây dựng vào quý 3. Nhà máy lọc dầu này được thiết kế để chế biến dầu thô từ Kuwait, và Kuwait Petroleum sẽ cung cấp toàn bộ đầu vào cho nhà máy.
Các công ty lọc dầu của Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng ở thị trường nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ dầu tại thị trường nội địa suy giảm bởi tác động từ dân số lão hóa và xu hướng chuyển sang dùng những loại năng lượng thân thiện với môi trường hơn như khí đốt.
Một công ty khác của Nhật là JX Nippon Oil and Energy cũng đang xem xét hợp tác với Petro Vietnam trong dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nguồn: Vneconomy