Dự án ĐZ 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân chuyển sang trạng thái thi công mới
07:25 | 24/06/2022
Tháo gỡ khó khăn, gấp rút khởi công dự án ĐZ 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong Dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong là dự án trọng điểm của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong năm 2021, tuy nhiên, dự án hiện nay vẫn chưa thể khởi công. Ông Bùi Văn Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNNPT đã có cuộc trao đổi với Phóng viên xung quanh các vấn đề: Quy mô, tầm quang trọng của dự án, các vướng mắc, kiến nghị và giải pháp của Chủ đầu tư để gấp rút khởi công dự án. |
Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc CPMB trả lời báo chí. |
Việc kéo dây dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu tiến độ của dự án, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Tính đến thời điểm này, dự án đã bàn giao 304/304 vị trí móng (đạt 100%), phần hành lang tuyến bàn giao 256/304 khoảng cột (đạt 84,2%) và đã dựng cột được trên 176 vị trí. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai kéo dây thi công dự án. Công tác kéo dây là cung đoạn cuối cùng của dự án đường dây truyền tải. Để triển khai được đến hạng mục công việc này là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là công tác điều hành dự án của EVNNPT/CPMB, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hiện nay, thời tiết khu vực đang trong mùa khô nên bắt đầu triển khai công tác kéo dây là phù hợp và thuận lợi nhất. Tiến độ kéo dây đang phù hợp với kế hoạch điều hành của EVNNPT nhưng chưa đạt được kỳ vọng mục tiêu tiến độ do CPMB đề ra do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình chiến sự Nga - Ukraine và chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc.
Việc bắt đầu kéo dây dự án đang phù hợp với kế hoạch, là động lực để các đơn vị thi công trên công trường tăng tốc về đích. Những đơn vị có tiến độ chậm hơn kế hoạch điều hành cần nỗ lực, cố gắng hơn để bám sát kế hoạch đề ra trong thời gian ngắn nhất.
Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các bộ, ngành, UBND địa phương và các đơn vị thi công dự án này?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Với tính chất cấp bách của dự án, các bộ, ngành, UBND các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, các sở, ngành và chính quyền địa phương cấp xã đã quan tâm chỉ đạo giải quyết các thủ tục liên quan ngay từ giai đoạn triển khai dự án.
Đối với công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, UBND các tỉnh đã đẩy nhanh hoàn thành thủ tục hồ sơ xin chủ trương trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh. 7 bộ, ngành cũng gấp rút thẩm tra, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong vòng 90 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ban hành các quyết định liên quan để chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho dự án, tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thuận lợi.
Đối với công tác BTGPMB, nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án trong việc giải tỏa công suất của NMNĐ BOT Vân Phong 1 và giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo của trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có nhiều cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ các vướng mắc khó khăn khi thực hiện, cũng như thúc đẩy công tác BTGPMB nhằm bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Nhiều chủ trương chính sách liên quan đến công tác BTGPMB được các tỉnh xem xét đưa ra thảo luận và tháo gỡ kịp thời như: Mức hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang, hỗ trợ các vị trí qua hồ nuôi trồng thủy sản, nhà nuôi yến, nhà máy gạch không nung… Chính vì vậy, UBND các huyện, thị xã có cơ sở để đẩy nhanh công tác phê duyệt chi trả tiền bàn giao mặt bằng.
Với tiến độ GPMB của dự án, UBND các huyện đã tổ chức các đoàn công tác sớm triển khai công tác kê kiểm ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, với phương châm vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo các thủ tục bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định tiến độ UBND tỉnh giao. Song song với quá trình lập thủ tục hồ sơ phương án bồi thường và do tính cấp bách của dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương áp giá sơ bộ giá trị đền bù của các hộ dân để cùng phối hợp với UBND xã, CPMB, đơn vị thi công làm việc, vận động các hộ dân nhận tiền tạm ứng để bàn giao mặt bằng thi công. Sau khi phương án bồi thường được phê duyệt thì sẽ chi trả tiền cho các hộ dân theo đúng quy định.
Trong giai đoạn thi công nước rút hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ với CPMB và các nhà thầu giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác kéo, rải, căng dây.
Các đơn vị thi công đã nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án ngay từ giai đoạn tham dự thầu. Ngay sau khi được trao thầu (năm 2021), các đơn vị thi công đã huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện mặc dù giai đoạn đó cả nước đang gồng mình chống chọi với làn sóng đại dịch COVID-19. Các đơn vị thi công cũng đã chủ động đặt mua nguyên vật liệu phục vụ thi công (đặt biệt là thép xây dựng) ngay cả khi chưa kịp nhận chi phí tạm ứng hợp đồng, chính vì vậy đã tránh được rủi ro biến động giá liên tục tăng từ cuối năm 2021 đến nay.
Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân bắt đầu triển khai kéo dây. |
Nếu phải “điểm mặt” những khó khăn trong quá trình thi công dự án thì đó là gì, liệu dự án có thể hoàn thành đóng điện trước ngày 26/12/2022 không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Tiến độ thi công dự án đang bám sát tiến độ đề ra và toàn công trường đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến thời điểm này tiến độ của dự án rất khả quan. Chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng các dự án sẽ hoàn thành đóng điện trước ngày 26/12/2022.
Mặc dù đã đạt được khối lượng thi công rất lớn như hiện nay, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tiến độ của các dự án. CPMB luôn kiểm soát, đánh giá và quản trị các rủi ro trong quá trình thực hiện, cụ thể như sau:
Thời tiết dị thường của năm 2022 là điều đáng lo ngại nhất. Theo dự báo từ khoảng tháng 10 - 11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Để khắc phục khó khăn này, CPMB đã yêu cầu các đơn vị thi công tranh thủ vận chuyển, tập kết toàn bộ vật tư lên công trường ngay từ bây giờ, tăng cường nhân vật lực để triển khai đồng loạt các hạng mục công việc với mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác kéo dây (trong tháng 9/2022) đối với các khoảng néo trên địa hình đồi núi hiểm trở và khó đi lại trong điều kiện thời tiết mùa mưa, các khoảng néo còn lại hoàn thành cơ bản (trong tháng 10/2022).
Về tình hình chiến sự Nga - Ukraina và chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung cấp vật tư thiết bị, CPMB đã phối hợp chặc chẽ với các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị kiểm soát hàng ngày kế hoạch thực hiện của nhà sản xuất cũng như kế hoạch vận chuyển quốc tế, nếu có gói thầu bị chậm tiến độ thì sẽ kêu gọi và yêu cầu nhà thầu thực hiện phân kỳ giao hàng, tăng cường vận chuyển hàng bằng đường hàng không để rút ngắn thời gian giao hàng với mục tiêu không để các đơn vị thi công chờ việc do chậm cung cấp vật tư thiết bị.
Ngoài ra, đường dây có nhiều đoạn giao chéo với đường dây giải tỏa công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo; hiện nay, đang trong thời điểm nắng nóng kéo dài nên việc cắt điện phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn. CPMB đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng phương án thi công tối ưu nhất với mục tiêu giảm thiểu thời gian cắt điện và hạn chế thấp nhất việc giảm sản lượng của các nhà máy năng lượng tái tạo.
Thưa ông, thực tế tiến độ thi công của dự án hiện nay gần như không có thời gian dự phòng, vậy để hoàn thành dự án vào tháng 12/2022, CPMB có đề xuất, kiến nghị gì với các cấp, các ngành, địa phương?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Với khối lượng công việc còn lại rất lớn, CPMB kiến nghị UBND các huyện, thị xã sớm hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường còn lại để có cơ sở chi trả tiền cho các hộ dân tại các vị trí móng và hành lang tuyến để thi công kéo dây. Thành lập các tổ công tác tại từng địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công. Trường hợp chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về công tác BTGPMB nhưng các tổ chức, hộ dân vẫn cố tình cản trở và không thực hiện việc bàn giao mặt bằng theo quy định, UBND huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp với CPMB lập phương án và tổ chức lực lượng bảo vệ, hỗ trợ an ninh trật tự để đơn vị thi công triển khai công việc, nhất là trong giai đoạn gấp rút hiện nay.
CPMB kiến nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương tham mưu các chính sách về GPMB phát sinh trong quá trình thực hiện, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc.
CPMB mong muốn UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận tiếp tục quan tâm theo dõi đôn đốc, chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung giải quyết các thủ tục còn lại, có biện pháp cương quyết đối với các hộ dân không chấp hành phương án bồi thường, cố tình chống đối, nhằm đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Xin cảm ơn ông!
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)