RSS Feed for Diện mạo mới của Công ty Than Hạ Long | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 04/05/2024 22:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Diện mạo mới của Công ty Than Hạ Long

 - Là đơn vị sản xuất than hầm lò có quy mô lớn của TKV, Công ty Than Hạ Long đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn. Đồng thời, nỗ lực thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, duy trì ổn định sản xuất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021.
Tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất của Than Hạ Long Tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất của Than Hạ Long

Tổ trưởng tổ sản xuất số 2, Phân xưởng kỹ thuật 2, khu vực Khe Chàm - Nguyễn Văn Hậu vừa giỏi về chuyên môn, vừa tận tụy với công việc, là một trong những tấm gương công nhân lao động giỏi của Công ty Than Hạ Long.

Xây dựng “Mỏ sạch - mỏ an toàn - hiện đại - ít người - năng suất cao":

Chúng tôi đến mặt bằng công nghiệp + 35 khu vực Khe Chàm II-IV vào một ngày mùa Thu, thời tiết dịu mát, những giọt nắng vàng xiên qua những tán cây xanh, những chùm hoa giấy nhiều sắc màu thật đẹp mắt...

Diện mạo mới của Công ty Than Hạ Long
Nhà chờ xe ca tại mặt bằng +35 khu Khe Chàm II-IV.

Theo giới thiệu của anh Trịnh Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng Công ty, khu nhà liên hoàn khang trang tại mặt bằng +35 mới được đưa vào hoạt động gồm: Nhà hành chính sinh hoạt, phòng điều khiển sản xuất, nhà giao ca, nhà tắm giặt sấy, nhà ăn… Đặc biệt, Nhà chờ xe ca cho công nhân trong lúc đợi xe hoặc nghỉ ngơi sau một ca làm việc có những dãy ghế như trong sân bay, căng tin phục vụ nước uống, khu vực nhà chờ được trang trí cây xanh, các chậu hoa, có cả ti vi, wife miễn phí, cột sạc điện thoại. Bên trong hành lang của khu nhà được trồng nhiều cây xanh, phía ngoài khu nhà cũng được quy hoạch đường giao thông, khu vực đỗ xe, khuôn viên cây xanh và hoa…

Cùng với đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong quản lý và sản xuất của dự án Khe Chàm II-IV với công suất 3,5 triệu tấn/năm, nơi đây đã mang diện mạo mới của một mỏ hầm lò theo tiêu chí “Mỏ sạch - mỏ an toàn - mỏ hiện đại - mỏ ít người - mỏ năng suất cao”.

Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Tập đoàn TKV về chương trình “3 hóa” - cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, ngoài việc tăng cường nghiên cứu triển khai ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào trong quá trình quản lý và điều hành sản xuất, Công ty Than Hạ Long là một trong những đơn vị hầm lò đã tích cực đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa (CGH) trong khai thác hầm lò.

Năm 2020, sau gần 3 tháng thi công lắp đặt, ngày 15/8/2020, lò chợ CGH đồng bộ hạng nhẹ công suất 300.000 tấn/năm của Công ty đã hoàn thành, đưa vào hoạt động vào trước tiến độ 15 ngày, đảm bảo an toàn và các yêu cầu kỹ thuật. Đây là một trong những lò chợ CGH đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của TKV được ứng dụng tại Than Hạ Long và là một trong 10 công trình được Tỉnh ủy Quảng Ninh chọn gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Diện mạo mới của Công ty Than Hạ Long
Công nhân Phân xưởng KT7 vận hành thiết bị lò chợ CGH đồng bộ công suất 300.000 tấn/năm.

Tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ I-11.5 khu vực Khe Chàm I, công nhân vận hành hệ thống thiết bị cơ giới hóa lò chợ chỉ cầm chiếc điều khiển từ xa bấm nút. Tiếng máy khấu than chạy, những mũi khoan trên đầu khấu tiến vào gương than rào rào, từng dòng than lấp lánh chảy liên tục vào máng cào để chuyển ra hệ thống băng tải.

Quản đốc Phân xưởng Khai thác 7 Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Lò chợ CGH gồm 80 bộ giàn chống tự hành, 1 máng cào, 1 máy khấu than… công suất thiết kế 300.000 tấn than/năm. Khi đưa vào hoạt động đạt sản lượng bình quân 812 tấn/ngày (tăng 2,1 lần so với công nghệ thủy lực đơn), năng suất lao động đạt bình quân 12,5 tấn/công (tăng 2,9 lần so với công nghệ thủy lực đơn).

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, lò chợ hoạt động ổn định, công nhân hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị. Theo kế hoạch năm 2021, Phân xưởng được Công ty giao khai thác 250.000 tấn than. Mặc dù có những thời điểm khó khăn do điều kiện địa chất thay đổi ảnh hưởng đến tiến độ ra than, song cán bộ, công nhân Phân xưởng quyết tâm vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu, sản lượng được giao”.

Theo Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Sáng, việc đưa lò chợ CGH đồng bộ hạng nhẹ vào sản xuất sẽ tiết giảm được 30% nhân công, nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác. Đây là công trình có bước đột phá về áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác than hầm lò lớn nhất từ trước tới nay của Công ty Than Hạ Long, tạo tiền đề để Công ty áp dụng thêm những lò chợ CGH ở các vỉa khác, thực hiện mục tiêu đến năm 2024 đưa mỏ than Khe Chàm II-IV đạt công suất thiết kế với sản lượng 3,5 triệu tấn than.

Đồng thời, để tiết giảm thời gian đi lại cho công nhân, từ tháng 1/2020, Công ty Than Hạ Long đã đưa hệ thống tời cáp treo chở người với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng vào sử dụng. Hệ thống tời cáp treo có chức năng vận chuyển công nhân từ mặt bằng xuống các vị trí đường lò, giảm thời gian chờ đợi đầu và cuối ca, tăng thời gian làm việc hữu ích trong các ca sản xuất, cải thiện điều kiện đi lại, đảm bảo sức khỏe cho công nhân.

Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”:

Năm 2021, Than Hạ Long được giao sản xuất trên 1,8 triệu tấn than nguyên khai; tiêu thụ trên 1,6 triệu tấn, đào trên 22,6 nghìn mét lò xây dựng cơ bản. Từ đầu năm đến nay, tuy gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với điều kiện địa chất phức tạp, khai thác xuống sâu, áp lực mỏ lớn… song Công ty đã và đang chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Diện mạo mới của Công ty Than Hạ Long
Công nhân thực hiện khai báo y tế phòng, chống dịch trước khi vào ca sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của TKV và tỉnh Quảng Ninh về nâng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 trước tình hình mới, Công ty Than Hạ Long đã và đang kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, chủ động ứng phó với những tình huống có thể ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời, xây dựng các phương án giả định, xử trí các tình huống, phương án bố trí sản xuất phù hợp trong điều kiện nếu bị thiếu hụt lao động do phải cách ly y tế. Công ty cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế phòng, chống dịch; chỉ đạo các phòng, ban, phân xưởng giám sát chặt chẽ y tế và giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ những giải pháp này, đã giúp Công ty kiểm soát tốt tình hình, tránh để dịch bệnh xâm nhập, giữ an toàn sức khỏe cho người lao động.

Diện mạo mới của Công ty Than Hạ Long
Hệ thống máy giặt, sấy quần áo bảo hộ, ủng cho công nhân.

Với những biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cơ giới hóa, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động để họ yên tâm sản xuất, gắn bó với đơn vị đã góp phần quan trọng giúp cho Than Hạ Long hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh. Kết thúc 8 tháng đầu năm 2021, Than Hạ Long sản xuất đạt trên 1,3 triệu tấn than nguyên khai; than tiêu thụ đạt 1,28 triệu tấn, tiền lương bình quân của người lao động đạt 16,1 triệu đồng/người/tháng.

Trong những tháng cuối năm, Than Hạ Long sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của TKV và tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tổ chức điều hành sản xuất linh hoạt; tăng cường quản lý kỹ thuật, an toàn, quản trị chi phí. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, chú trọng áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2021./.

NGUỒN: TKV

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động