RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 11:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]

 - Hiện nay, việc xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã, đang gây nên những thách thức không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu và cơ chế khuyến khích sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nước ngọt (trồng lúa) sang nuôi trồng thủy sản nước mặn (nuôi tôm) đã được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích thực hiện. Nhưng để ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển, trước hết cần phải có nguồn điện năng ổn định và tiếp đến là giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp nuôi tôm... Để tìm lời giải cho bài toán này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam thực hiện chuyên đề: "Điện cho phát triển thủy sản khu vực ĐBSCL - hiện trạng và giải pháp".

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam


KỲ 1: TỔNG QUAN NGÀNH NUÔI TÔM VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ SỬ DỤNG ĐIỆN


THS. NGUYỄN ANH TUẤN; THS. HOÀNG DƯƠNG MINH

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam đã xác định nâng cao giá trị sản xuất theo hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, tăng suất sinh lợi trên một đơn vị diện tích canh tác.

Theo hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) ngày 17/1/2018, kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là các ngành chủ lực tôm và cá tra. Sản lượng tôm ước đạt gần 690 ngàn tấn, tăng 4,8% so với năm 2016; sản lượng cá tra ước đạt 1,25 triệu tấn, tăng 5,3% so với 2016. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 của ngành thủy sản đạt trên 8,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch tôm xuất khẩu đạt gần 3,855 tỷ USD và cá tra gần 1,79 tỷ USD.

Như vậy kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam chiếm tới 46,3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm tăng trên 1,8 lần từ năm 2010 đến 2017. Ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng đang phát triển theo xu hướng xoay trục ngành nghề trong nông nghiệp: thủy sản - trái cây - lúa gạo, đem lại hiệu quả kinh tế và sinh kế quan trọng cho người dân các vùng ven biển, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bên cạnh những kết quả khả quan, các cơ hội vươn lên vị trí hàng đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam cũng đứng trước những thách thức, bất cập không nhỏ về: nhu cầu và giá cả thị trường thế giới luôn thất thường; các rào cản thuế và yêu cầu chất lượng; nguy cơ lây lan dịch bệnh con tôm giống; chi phí đầu vào tăng; công nghệ áp dụng còn lạc hậu; phát triển vùng nuôi không theo quy hoạch; tình trạng xâm mặn vùng nuôi tôm; hạ tầng cung cấp điện một số nơi chưa đồng bộ với tốc độ mở rộng diện tích nuôi, đặc biệt khu vực không thuộc vùng quy hoạch và việc sử dụng điện chưa hiệu quả, lãng phí, vv...

Đến năm 2017 diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước là trên 722 ngàn ha. Trong 30 tỉnh có ngành nuôi tôm, ĐBSCL là vùng tập trung nuôi tôm lớn nhất cả nước, chiếm 83% sản lượng và 92% diện tích nuôi tôm, trong đó các tỉnh có diện tích đứng đầu là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Theo kế hoạch, đến năm 2018 diện tích nuôi tôm sẽ tăng không nhiều, lên 725 ngàn ha, nhưng sản lượng tôm nước lợ phấn đấu đạt 720 ngàn tấn (tăng 13,1% so với 2017).

Phương pháp nuôi tôm, trong quá trình phát triển cũng đi từ nuôi quảng canh (nuôi tự nhiên) sang nuôi quảng canh cải tiến: mô hình tôm - cua - cá; mô hình tôm - lúa; mô hình tôm - rừng. Hiện nay mô hình đang phát triển mạnh là nuôi tôm bán thâm canh (bán công nghiệp), chiếm khoảng 65% so với mô hình nuôi công nghiệp và là mô hình có sử dụng nhiều điện để vận hành giàn quạt nước tạo ô xy trong nuôi tôm (tại ao nuôi bố trí nhiều giàn quạt 4 đến 8 tầng cánh, vận hành từ 20-24h hàng ngày để tạo ô xy trong ao và đẩy thức ăn, nhằm cho tôm lớn nhanh, khỏe và tăng tỷ lệ tôm trưởng thành (minh họa trong hình 1).

Thông thường mỗi năm nuôi được 2 vụ tôm trên mỗi ao (4 tháng/vụ, thời gian còn lại để ngâm ao, khử bẩn, tái tạo nước cho vụ kế tiếp). Để tăng sản lượng tôm, tận dụng diện tích sẵn có, mô hình nuôi tôm thâm canh (công nghiệp) đã được học tập từ nước ngoài, áp dụng trong một số hộ, doanh nghiệp ở ĐBSCL. Đây là hình thức nuôi có sự đầu tư và công nghệ quản lý cao: Diện tích ao nuôi từ 0,2 - 0,5 ha, cần phải đầu tư về cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện. Nước trước khi nuôi phải khử trùng để diệt mầm bệnh và diệt tạp. Mật độ nuôi cao (30 - 40 con/m2 đối với tôm sú và từ 100 - 200 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng). Sản lượng trung bình của mô hình này là từ 3-6 tấn/ha đối với tôm sú và từ 8 - 15 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng. Có hai mô hình nuôi tôm công nghiệp điển hình đã được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) nêu trong hội nghị báo cáo "Sơ kết tiết kiệm điện trong nuôi tôm", tháng 8/2017:

Thứ nhất: Mô hình nuôi tôm khép kín công nghệ cao (du nhập từ Thái Lan): Mô hình dùng tấm bạt trải lót đáy ao trước khi cho nước vào, diện tích mỗi ao chỉ từ 500m2 đến 1.200m2. Bên trên làm mái vòm để đảm bảo nhiệt độ trong nước ở mức ổn định. Vì diện tích ao nhỏ nên chỉ cần dùng từ 2 đến 4 giàn quạt tạo ô xy tùy theo diện tích ao. Cách này làm giảm số lượng giàn quạt, do đó giảm chi phí đầu tư động cơ, quạt và nhất là giảm tiêu thụ điện. Nhưng chi phí đầu tư loại hình này cũng khá cao (bình quân một nhà vòm có 18 ao diện tích 500m2 cần đầu tư khoảng 7 tỷ đồng). Năng suất của mô hình này đạt từ 100 - 120 tấn/ha/năm, gấp khoảng 15 lần năng suất nuôi tôm công nghiệp thông thường.

Hình 1. Mô hình nuôi tôm khép kín công nghệ cao tại Bạc Liêu

 

DSC_2401

 

 


Thứ hai: Mô hình nuôi tôm dùng quạt kết hợp sục khí tầng đáy: sử dụng một ao cải tạo có lót bạt trên đáy ao trước khi cho nước vào, diện tích ao chỉ khoảng 200 - 300 m2 (ở đây dùng ao hình tròn gọi là ao ương). Ao được dùng nuôi tôm giống trong khoảng 30 - 40 ngày trước khi chuyển tôm qua ao nuôi thường cho đến khi thu hoạch (ao thường có diện tích từ 800 - 1.200 m2). Mô hình ao ương sử dụng hai giàn quạt đặt thẳng hàng nhưng quay ngược chiều nhau nhằm tạo luồng nước đẩy thức ăn cho tôm. Ô xy được cung cấp bằng các ống nhỏ phân nhánh trải đều theo giàn quạt và phân bổ đến các vị trí thích hợp trong ao, đầu ra tạo khí ô xy được thả xuống gần đáy ao. Hệ thống sục khí dùng động cơ điện (công suất 3 kW) hút không khí qua một cái ống và được xử lý thông qua bồn nước trước khi đưa vào ao.

Hình 2. Mô hình nuôi tôm kết hợp quạt và sục oxy tầng đáy tại Cà Mau

 

DSC_2361

 

 


Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu được coi là những vùng có nhiều hộ, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp. Nuôi tôm công nghiệp đã và đang là hình thức gia tăng sản lượng tôm nuôi, trong khi giảm áp lực mở rộng diện tích nuôi.

Ở các nước có nghề nuôi tôm phát triển ổn định như: Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ... việc quy hoạch, quản lý nghề nuôi tôm đã vào ổn định. Quy hoạch vùng nuôi tôm gắn với vấn đề nguồn điện, nguồn nước cung cấp, vấn đề kỹ thuật nuôi, dịch vụ hậu cần và xử lý chất thải phát sinh được xem xét cặn kẽ nên tác động của nghề nuôi đến môi trường không quá lớn, do vậy nghề nuôi tôm luôn phát triển tương đối bền vững. Còn tại Việt Nam cũng như ở ĐBSCL, nghề nuôi tôm nước lợ vẫn còn nhiều khó khăn do sự phát triển nhanh của các hộ nuôi tôm - nhất là các vùng nuôi tôm tự phát, không nằm trong quy hoạch, dẫn đến các bất cập về khả năng cấp điện và chất lượng điện, ô nhiễm môi trường,...

Trước đây, khi hạ tầng lưới điện còn thiếu, nhiều hộ lẻ và doanh nghiệp nuôi tôm phải dùng máy nổ diesel để vận hành giàn quạt sục ô xy. Hiện nay lưới điện đã được EVNSPC đầu tư mạnh, hầu hết các vùng nuôi tôm đã có điện, sử dụng động cơ điện cho công nghệ nuôi tôm, làm giảm tới một nửa chi phí vận hành quạt sục. Nhưng áp lực đầu tư lại đè nặng lên EVNSPC và các đơn vị thành viên vì phải đảm bảo cung cấp điện cho các vùng, các hộ nuôi tôm trên 10 tỉnh (gồm 8 tỉnh ĐBSCL là Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng; 2 tỉnh miền Đông: Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu).

Để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, qua các đợt làm việc và phối hợp UBND các tỉnh, thành phố, EVNSPC đã nỗ lực cân đối và thu xếp nguồn vốn thực hiện trong 2015 và 2016 để ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.

Với kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện cho khu vực nuôi tôm giai đoạn 2017-2020 tại 6 tỉnh ven biển (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) trong khu vực BSCL, EVNSPC đã ước tính nhu cầu lên tới hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 1.645 km đường dây trung áp, trên 3.000 km đường dây hạ áp và trên 4.700 trạm biến áp.

Trong năm 2017, EVNSPC đã đầu tư trên 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có để thực hiện đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm, với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh, nhưng con số này vẫn không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân nuôi tôm.

Nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và hộ dân nuôi tôm về sử dụng điện hiệu quả, tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhất để phổ biến, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đang thực hiện chuyên đề: "Điện cho nuôi trồng thủy sản khu vực ĐBSCL - hiện trạng và giải pháp". Trong tháng 8/2018, các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có chuyến khảo sát thực tế tại các vùng nuôi tôm thuộc 8 tỉnh ĐBSCL. Tổng hợp các vấn đề cung cấp, sử dụng điện cho nuôi tôm tại khu vực khảo sát được tóm tắt như sau:

Một là: Mặc dù ngành thủy sản và các tỉnh đã có quy hoạch phát triển nuôi tôm giai đoạn đến 2020 và 2030, nhưng thực tế nhiều hộ đang tự phát sản xuất không theo vùng quy hoạch, sử dụng điện sinh hoạt, điện một pha để kết hợp cấp điện ao nuôi tôm, dẫn đến quá tải lưới điện, chất lượng điện không đáp ứng, gây khó khăn cho công tác cung cấp điện đầy đủ, an toàn, ổn định.

Hai là: Công nghệ cơ khí và phương pháp sử dụng điện trong các giàn quạt sục ô xy còn lạc hậu, lãng phí điện: sử dụng gối đỡ trục quạt nước loại ma sát trượt; đặt động cơ không đồng trục với giàn quạt; bộ phận truyền động dùng dây curoa gây hiệu suất thấp; sử dụng động cơ không rõ nguồn gốc - hiệu suất thấp, quấn lại; sử dụng điện một pha,...

Ba là: Sử dụng điện kém an toàn: dùng cột đỡ dây không đúng tiêu chuẩn an toàn; không dùng giá sắt và sứ cách điện, không đấu chạm đất thiết bị điện để chống giật với người sử dụng...

Gần đây, các cấp quản lý và ngành điện thấy được những bất cập nói trên. Qua khảo sát đánh giá tại 3 tỉnh có sản lượng lớn nhất trong khu vực là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, có tới 68 - 75% hộ nuôi tôm vẫn sử dụng các biện pháp hiệu suất thấp, chưa tiết kiệm trong sử dụng điện.

Trong năm 2017, EVNSPC đã triển khai Đề án: "Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018". Giai đoạn 1 của Đề án triển khai thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ tháng 12/2016 đến tháng 7/2017. Giải pháp tiết kiệm điện được lựa chọn áp dụng là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và giàn quạt tạo ô xy nuôi tôm để tiết kiệm điện. EVNSPC đã phân phát gối đỡ trục cho 161 hộ thí điểm với 1.386/1.807 giàn quạt tại đây. Theo kết quả thực nghiệm sau 1 vụ tôm, sử dụng gối đỡ con lăn và kết hợp cả đồng bộ trục động cơ và trục quạt thì tiết kiệm được tới trên 1/3 lượng điện tiêu thụ.

Giai đoạn tiếp theo được dự kiến sẽ nhân rộng kết quả áp dụng trong giai đoạn 1 ra toàn vùng, đồng thời triển khai mới Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu suất thiết bị điện cho các hộ nuôi tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng giai đoạn 2017-2018" - trong đó tập trung vào vận động sử dụng các loại động cơ hiệu suất cao thay thế động cơ cũ. Ước tính sẽ tiết kiệm được thêm 8 - 10% tiêu thụ điện.

Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nuôi tôm. Khi chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, ngày 6/2/2017, Thủ tướng đã đặt mục tiêu chậm nhất vào năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành như sau:

Thứ nhất: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia; xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung cho phát triển ngành tôm Việt Nam; Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào phát triển ngành tôm.

Thứ hai: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục thực hiện việc bảo hiểm đối với sản xuất thủy sản.

Thứ ba: Bổ sung "tôm giống" vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá, hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá (theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá).

Thứ tư: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp, hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.

Thứ năm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm.

Thứ sáu: Bộ Công Thương, Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát lưu thông con giống, vật tư hóa chất, thuốc thú y, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất... trong ngành sản xuất tôm. Đặc biệt, trước mắt triển khai có kết quả Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Thứ bảy: Về các vụ kiện bán phá giá, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam chân chính, và khẳng định: "Khi cần thiết, chúng ta không ngần ngại sử dụng các tham vấn pháp lý tốt nhất, những chuyên gia, luật sư giỏi nhất trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta".

Ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/QĐ-TTg về "Kế hoạch hành động Quốc gia (KHHĐQG) phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025". Theo KHHĐQG, mục tiêu nuôi tôm đến năm 2020 đạt sản lượng 832 ngàn tấn (800 ngàn tấn tôm nước lợ), kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD (trong đó tôm nước lợ đạt 4,5 tỷ USD, tăng bình quân 10,79% /năm); đến năm 2025 sản lượng 1.153 ngàn tấn (1.100 ngàn tấn tôm nước lợ), kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD (trong đó tôm nước lợ đạt 8,4 tỷ USD, tăng bình quân 12,7% /năm). Trong KHHĐQG phát triển ngành tôm cũng đề ra 8 đề án, chương trình chính để thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

1/ Đề án tổng thể phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2030, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

2/ Chương trình đầu tư hạ tầng điện 3 pha cho các vùng sản xuất nuôi tập trung, do EVN chủ trì.

3/ Đề án: "Nâng cao hiệu quả và phát triển bến vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến 2030", và Đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu, do UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì.

4/ Đề án phát triển sản phẩm tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia; Đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh và Đề án phát triển nuôi, xuất khẩu tôm hùm, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

5/ Đề án xúc tiến thương mại và đấu tranh với rào cản thương mại về sản phẩm tôm Việt Nam, do Bộ Công Thương chủ trì.

Để thực hiện KHHĐQG và các chỉ đạo của Chính phủ, EVN nói chung, EVNSPC và các công ty thành viên tại các tỉnh ĐBSCL nói riêng cần rất nhiều nỗ lực về huy động nguồn vốn, về triển khai các chương trình hỗ trợ các hộ nuôi tôm trong thời gian tới, đồng thời nghiên cứu các giải pháp về tích hợp nuôi tôm với các hệ thống nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời.

Mặt khác, các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm cũng cần thiết hỗ trợ lại ngành Điện trong việc sản xuất nuôi tôm bám theo vùng quy hoạch, phổ biến, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sử dụng điện an toàn, áp dụng cải tiến công nghệ, thực hành sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi ích.

(Đón đọc kỳ tới...)

Trong bài có sử dụng các thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và EVNSPC...

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động