RSS Feed for Đề nghị nghiên cứu công nghệ Nhật Bản trong kiểm soát lũ thủy điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 16:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề nghị nghiên cứu công nghệ Nhật Bản trong kiểm soát lũ thủy điện

 - Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 11/12/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số: 13171/VPCP-CN gửi các bộ: Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý báo cáo, đề nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) về công nghệ của Nhật Bản trong vận hành hồ chứa, kiểm soát lũ tại các nhà máy thủy điện. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

Trước đó, trên cơ sở kết quả hội thảo quốc tế về "Công nghệ của Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại các nhà máy thủy điện", được tổ chức hồi cuối tháng 10/2017 tại Hà Nội, VEA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thực hiện "thí điểm" để xem xét, cho phép "áp dụng đại trà" công nghệ Nhật Bản trong các dự án thủy điện, thủy lợi của Việt Nam.

Trong văn bản Đề xuất áp dụng công nghệ Nhật Bản trong vận hành thủy điện Việt Nam VEA cho rằng, việc áp dụng công nghệ Nhật Bản tại các nhà máy thủy điện sẽ đem lại lợi ích kinh tế và tăng độ an toàn cho công tác vận hành hồ chứa đơn lẻ, cũng như hệ thống liên hồ ở Việt Nam. Chương trình khi được triển khai trên diện rộng sẽ thu được một lượng thông tin khí tượng, thủy văn lớn trên các hệ thống sông của Việt Nam. Những thông tin này sẽ rất quan trọng cho công tác phòng chống thiên tai, giúp phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai cho Việt Nam. Các giải pháp không chỉ áp dụng cho các nhà máy thủy điện, mà còn có thể triển khai cho hệ thống hồ đập thủy lợi.

Để công nghệ Nhật Bản áp dụng thành công tại Việt Nam, theo VEA cần thực hiện theo các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Thực hiện dự án thí điểm tại một số dự án thủy điện hiện có, tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, chỉ đầu tư mới các thiết bị thật cần thiết. Giải pháp này không thể có độ chính xác cao và độ ổn định ngay như các hệ thống đắt tiền hoàn hảo ở các nước phát triển, nhưng giải quyết được hàng loạt các vấn đề cho thủy điện Việt Nam, có thể bắt đầu bảo đảm an toàn xả lũ trong khi tăng thu nhập do vận hành hiệu quả và tiết kiệm nước, trong khi giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu. Các dự án thí điểm được thực hiện trong năm 2018.

Giai đoạn 2: Áp dụng đại trà cho các dự án thủy điện, thủy lợi tại Việt Nam sau khi có kết quả đánh giá tại các dự án thí điểm; thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020.

Giai đoạn 3: Đầu tư nâng cấp hệ thống vận hành liên hồ tiên tiến, bao gồm những thiết bị, như: trạm đo mưa và mực nước, ra đa thời tiết, thông tin từ vệ tinh nhân tạo, mạng thông tin hữu tuyến và vô tuyến, cùng các thiết bị điều khiển vận hành cửa van, vv… Nhằm nâng cao độ chính xác và độ ổn định trong quá trình vận hành, đạt trình độ tương đương với các nước phát triển.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, VEA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1/ Giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm việc với Tập đoàn Điện lực Kyushu để lựa chọn các nhà máy thủy điện để áp dụng thí điểm Chương trình HNT; các nguyên tắc chia sẻ chi phí và lợi ích trong việc áp dụng chương trình. Tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm để xem xét, cho phép áp dụng đại trà tại các dự án thủy điện, thủy lợi tại Việt Nam.

2/ Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá năng lực dự báo thời tiết của Công ty Weathernews, để xem xét cho phép, hoặc trình cấp có thẩm quyền cho phép Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp với Công ty Weathernews ký hợp đồng với các nhà máy thủy điện để cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết ngắn hạn (trong vòng 48 giờ với tần suất dự báo hàng giờ được cập nhật 6 tiếng một lần); dự báo trung hạn (dự báo mưa ngày cho 15 ngày tới).

3/ Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về hỗ trợ vốn thực hiện dự án đầu tư hệ thống vận hành liên hồ tiên tiến; bao gồm đầu tư hệ thống quan trắc (trạm đo mưa và mực nước, ra đa thời tiết,…); hệ thống hạ tầng kỹ thuật (mạng thông tin hữu tuyến và vô tuyến,…) và các thiết bị điều khiển vận hành cần thiết khác. Tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động