Đảm bảo an ninh, an toàn cho bảo dưỡng lọc dầu Dung Quất
21:14 | 29/06/2017
Tổng giám đốc PVN thực địa bảo dưỡng Lọc dầu Dung Quất
Cơ sở nào để Lọc hóa dầu Bình Sơn phát triển bền vững?
Kiểm soát an ninh tại cổng A5
An toàn đến từng người lao động
Phải nói rằng, đợt bảo dưỡng này thật sự có “núi” công việc với 7 gói thầu, bao gồm: Gói 1 (Phân xưởng RFCC của khu vực 2), Gói 2 (Khu vực 1A, 1B và U16/17/21 (NHT, CCR, ISOM, CDU, KTU, LTU, NTU, PRU), Gói 3 (Khu vực A3 + Utility + Offsite 1 + PP), Gói 4 (Thiết bị trao đổi nhiệt (H/E và AFC), Gói 5 (Khu vực Offsite 2, các bể cầu và hệ thống đường ống nước biển), Gói 6 (Bảo dưỡng van tại xưởng) và Gói 7 (SPM). Trong đó, gói thầu số 1 và 2 được coi là phần việc phức tạp nhất, liên quan đến các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó ban An toàn, Sức khỏe, Môi trường và PCCC (HSE) BSR cho biết: Bảo dưỡng nhà máy lọc dầu thường có những mối nguy tiềm ẩn về an toàn trong thời điểm dừng và khởi động nhà máy; số lượng lao động các nhà thầu rất đông; thời gian làm việc ngắn với cường độ cao; thời tiết nắng nóng (đúng dịp nắng nhất năm ở dải đất miền Trung); cộng với mối nguy liên quan đến HSE như làm việc trên cao, làm việc trong không gian hạn chế, thiết bị nặng, tiếp xúc với các nguồn năng lượng điện, khí nén, khí độc CO, H2S, chất tự bốc cháy FeS… Công ty BSR đặt ra mục tiêu của trong đợt BDTT lần 3 là không tai nạn lao động, không sự cố cháy nổ, không sự cố môi trường, không sự cố mất an ninh trật tự.
Song song với chương trình SAO, Ban ATMT cũng đã triển khai quy trình thẻ đánh an toàn (Safety Assessment Card: SAC). Thẻ SAC dùng để đánh giá, ghi nhận sự tuân thủ các nội quy, quy định, quy trình ATSKMT của các nhân sự khi thực hiện công việc trên các công trường. Thẻ SAC gồm 3 loại thẻ ứng với 3 màu khác nhau: Xanh: Thẻ khuyến khích/khen thưởng an toàn; Vàng: Thẻ vi phạm an toàn lỗi nhẹ; Đỏ: Thẻ vi phạm an toàn lỗi nặng.
Trong quá trình kiểm tra, nếu nhận thấy cá nhân hoặc tập thể thực hiện xuất sắc, tuân thủ đầy đủ nội quy, quy định về ATSKMT, cần được ghi nhận, khuyến khích, các Trưởng, phó Ban chức năng, hoặc các Trưởng đoàn đánh giá, giám sát an toàn khu vực thực hiện ghi nhận thẻ SAC an toàn (màu xanh) cho cá nhân, tập thể đó. Các thẻ SAC an toàn này sẽ được giữ lại tại các bộ phận tổng hợp, báo cáo định kỳ và tổ chức trao thưởng an toàn hàng ngày trong đợt triển khai công tác bảo dưỡng tổng thể.
Nếu phát hiện trường hợp vi phạm các quy định, nội quy, quy trình về ATSKMT của Công ty, người phát hiện phải thông báo ngay cho Giám sát an toàn khu vực đó để ngăn chặn kịp thời rủi ro có thể xảy ra và cùng với Giám sát an toàn khu vực ghi nhận lỗi vi phạm đó thông qua các thẻ SAC vi phạm (vàng, đỏ) phù hợp, tùy theo mức độ nặng, nhẹ. Thẻ SAC vi phạm sau khi hoàn thành nội dung sẽ được lưu giữ bởi Giám sát an toàn khu vực.
Sáng 28/6, khi đi kiểm tra công trường, Phó Tổng giám đốc BSR Khương Lê Thành phụ trách an ninh, an toàn Công ty nhận thấy một nhân sự của nhà thầu UBEC đang làm việc tại phân xưởng CCR có những hành vi và việc làm đáp ứng các tiêu chuẩn của thẻ SAC, ông Khương Lê Thành đã “thưởng nóng” ngay tại chỗ cho nhân sự đó. Ông Taeyong Yoo, Trưởng nhóm người Hàn Quốc vô cùng thích thú với phần thưởng này và hứa sẽ phấn đấu có nhiều thẻ xanh SAC từ BSR. Trong 1 tháng BDTT, đã có nhiều nhân sự nhà thầu được nhận phần thưởng từ thẻ SAC. Gần nhất là công nhân Nguyễn Sanh, nhân sự của nhà thầu Hiap Seng đã nhận thưởng một chiếc tivi do đạt nhiều thẻ xanh SAC nhất.
Trong quá trình BDTT, BSR chú trọng đến một số hạng mục liên quan đến công tác môi trường. Tại phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU), các công nhân đang thi công một đầu chờ để năm 2018 sẽ lắp đặt một thiết bị quan trắc môi trường online trên đỉnh của lò đốt 1101. Lò đốt này có nhiệm vụ gia nhiệt cho dầu thô trước khi đưa sang tháp chưng cất của phân xưởng CDU. Được biết, vị trí thi công cách mặt đất tầm 70m, trong đó phải dựng khoảng 55m giàn giáo – đây có thể coi là gián giáo có chiều cao cao nhất trong BDTT lần 3.
Tại phân xưởng NHT, nhiệm vụ rút xúc tác từ tháp R-1201 cũng gặp khó khăn do trong tháp chứa nhiều khí trơ, gây độc cho công nhân nếu không tuân thủ đúng các biện pháp an toàn. Công việc này đã được lãnh đạo BSR quán triệt đến nhà thầu và có biện pháp thi công tối ưu nhất.
Vì an ninh Nhà máy
BDTT lần 3 có sư tham gia của 7 Nhà thầu chính (HIAP SENG, UBEC, PTSC-UBF, PVMR, DMC, PTSC PPS, Vietsovpetro-POTS) và 61 nhà thầu phụ. Đến thời điểm ngày 20/6, có 5.331 nhân sự nhà thầu được đăng ký và cấp thẻ vào Nhà máy; trong đó có 681 nhân sự người nước ngoài.
PTGĐ BSR Khương Lê Thành kiểm tra giấy phép làm việc của nhà thầu Ubec
Để quản lý an ninh, an toàn NMLD Dung Quất trong giai đoạn BDTT, Công ty BSR đã xây dựng phương án, quy trình quản lý an ninh an toàn như: Kế hoạch an ninh, an toàn, PCCC, môi trường; phương án tổng thể an ninh; phương án bảo vệ Nhà máy; quy trình quản lý ra vào cổng; kế hoạch tham gia công tác an ninh của các Đoàn thể Công ty. Bố trí đủ số lượng nhân viên bảo vệ 24/24 giờ theo phương án tại các mục tiêu, trong đó thời gian cao điểm với số lượng 290 nhân sự. Công ty BSR, PVS đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi triển khai bố trí 54 cảnh sát bảo vệ và cơ động thường trực tại Nhà máy để phối hợp kiểm tra và xử lý các vụ việc mất an ninh, an toàn xảy ra. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ Nhà máy và cảnh sát cơ động đã tổ chức tăng cường tuần tra bên trong và ngoài hàng rào Nhà máy để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm, trộm cắp và phá hoại.
Bên cạnh đó, Công an Tỉnh Quảng Ngãi còn bố trí 2 cán bộ và 2 máy dò chất nổ của Phòng PA88 (Phòng chống phản động và Phòng chống khủng bố) triển khai phối hợp dò tìm, phát hiện chất nổ đối với vật tư, thiết bị, phương tiện vào Nhà máy. Phòng PA81 (Phòng An ninh Kinh tế) - Công an tỉnh Quảng Ngãi bố trí 8 chiến sỹ thường trực tại Nhà máy; lực lượng hỗ trợ công tác nghiệp vụ an ninh, nghiệp vụ công an.
Công ty BSR đã cùng Công ty PVS phối hợp với Công an Huyện Bình Sơn, Đồn Công an KKT Dung Quất, Công an địa phương để tuần tra, theo dõi khu vực xung quanh địa bàn Nhà máy lọc dầu nhằm phát hiện và kiểm soát những đối tượng có ý định trộm cắp, phá hoại Nhà máy hoặc những hành vi mất an ninh khác. Ngoài ra, Công ty đang phối hợp với Cục K204 để bố trí Tổ chó nghiệp vụ gồm 2 chó nghiệp vụ đánh hơi chất nổ và 2 huấn luyện viên thường trực tại cổng A1 và A5 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hàng ngày, tại cổng A1, có khoảng hơn 3.000 nhân sự nhà thầu ra vào làm việc, trong đó có hàng trăm nhân sự người nước ngoài. Buổi sáng, từ 5h45- 6h15, nhà thầu tập trung nhân sự ở đây, sau đó xếp hàng lần lượt qua các thủ tục kiểm tra thẻ, kiểm tra thuốc lá, bật lửa, máy ảnh, dụng cụ cá nhân. Đối với nhân sự có mang theo vali đựng dụng cụ làm việc phải được chó nghiệp vụ đánh hơi loại trừ dấu hiệu thuốc nổ, bom mìn… mới tiếp tục được qua cổng. Mỗi nhân sự đều được BSR cấp cho 1 thẻ từ và chỉ vào Nhà máy 1 lần, ra 1 lần/ngày làm việc. Trường hợp có việc đột xuất phải trình báo rõ ràng tại cổng an ninh, có ký xác nhận, bảo lãnh của lãnh đạo nhà thầu đó.
Kết hợp với công tác kiểm soát an ninh, Công ty BSR thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền an ninh cho nhân sự nhà thầu. Tại cổng an ninh A1 và A5, BSR tuyên truyền bằng những khẩu hiệu, banner đi kèm với đó là những audio ngắn nhằm giải thích chính sách an ninh và nội quy an ninh nghiêm ngặt khi ra vào Nhà máy. Hàng tuần, Ban ATMT kết hợp với các đoàn thể BSR phát nước, bánh, khăn lạnh cho nhân sự nhà thầu kết hợp với kiểm soát an ninh và tuyên truyền trực tiếp. Kết quả là đợt BDTT lần 3 chưa ghi nhận một trường hợp mất an ninh nào xảy ra trong và ngoài hành lang bảo vệ NMLD Dung Quất.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM