RSS Feed for "Câu hỏi khó" của Chủ tịch TKV Trần Xuân Hòa | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 00:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Câu hỏi khó" của Chủ tịch TKV Trần Xuân Hòa

 - “Phần lớn các anh ở đây đều đả phá doanh nghiệp nhà nước thế này thế này nọ. Nhưng thử hỏi rằng, liệu có ai không một lần nhờ xin cho con cháu vào doanh nghiệp nhà nước?”, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013.

>> Vinacomin vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ than
>> Cần có biện pháp tháo gỡ để giảm tồn kho cho ngành Than

 

Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa nói: Gần như Việt Nam có một chính phủ trung ương và 63 chính phủ địa phương. Khi cùng một chính sách nhưng có khi mỗi nơi mỗi khác, luật lệ do địa phương tự ban hành khiến Thủ tướng cũng phải ngạc nhiên... Ảnh: Việt Hưng

NGUYỄN LÊ

Hơi sững sờ, đó là cảm giác của khá nhiều người khi nghe câu hỏi mà không hẳn là câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa ở một diễn đàn lớn về kinh tế vĩ mô cuối tháng 9 vừa qua.

Có lẽ, câu nói trên không chỉ nhất thời bật ra trong một hoàn cảnh cụ thể, khi có những “sức ép” cụ thể.

Là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, ông Hòa là một trong số không nhiều sếp to nhất của tập đoàn kinh tế nhà nước trực tiếp nghe và cảm nhận ý kiến nhiều chiều, song phần nhiều đều có ý phê phán của cả đại biểu cùng cử tri về hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Sự tích tụ thông tin theo chiều hướng không mấy vui vẻ này càng tăng lên khi Chủ tịch TKV còn là thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan tổ chức nhiều diễn đàn kinh tế mà trong đó doanh nghiệp nhà nước luôn là điểm nóng ở nhiều phiên thảo luận.

Vào tháng 4/2012, khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang được khởi động cũng là lúc phiên thảo luận về doanh nghiệp nhà nước tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân nóng rực với những đúc kết khá “đanh thép”.

Hết “lời ăn lỗ dân chịu” lại đến “hư không sợ bị đòn” và nhiếu ý kiến thống nhất là doanh nghiệp nhà nước không thể là chủ đạo của nền kinh tế.

Khi ấy, vị Chủ tịch TKV còn rào đón, “phát biểu nhưng hơi lo lắng với cương vị bệnh nhân và tội đồ, có gì không phải mong xá tội” khi cầm micro trước hàng trăm chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội.

Và, ông Hòa cũng tỏ rõ thái độ ngạc nhiên khi thấy nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có lợi thế trong việc tiếp cận tài nguyên, đất đai, tín dụng… trong khi thực tế theo ông hoàn toàn không phải như vậy.

Tháng 5/2013, khi tiến độ chậm chạp của tái cơ cấu nền kinh tế thêm một lần được đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế chuẩn bị thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ trình Quốc hội, ông Hòa lại góp tiếng nói từ thực tế của chính TKV.

Đó là, nếu tiến hành tái cơ cấu thì chỉ riêng TKV đã dôi dư 40 - 50 nghìn người, và nguồn lực để chuyển công việc cho họ, một mình tập đoàn này không lo được.

Gặp lại hầu hết các tên tuổi quen thuộc ở Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa qua, Chủ tịch Trần Xuân Hòa bộc bạch, ông không định phát biểu mà muốn lắng nghe các nhà học giả để học cách tái cơ cấu TKV. Nhưng, càng nghe thì càng thấy buồn.

Buồn vì một dân tộc trí tuệ có lẽ không thua bất kỳ dân tộc nào trên thế giới như Việt Nam lại đang “một mình nghẽn mạch” như nhận xét của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên. 

Vì doanh nghiệp nhà nước vẫn được phán xử như những tội đồ của nền kinh tế. 

Vì tái cơ cấu đã được nói rất nhiều, nhưng làm thế nào thì doanh nghiệp vẫn đang phải tự thân mày mò.

Là doanh nhân - đại biểu, hẳn ông Hòa có lợi thế hơn nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp khác, ít nhất là trong tiếp cận chính sách. Thế nhưng ông vẫn phải thốt lên rằng gần như Việt Nam có một chính phủ trung ương và 63 chính phủ địa phương. Khi cùng một chính sách nhưng có khi mỗi nơi mỗi khác, luật lệ do địa phương tự ban hành khiến Thủ tướng cũng phải ngạc nhiên.

Buồn nhất, có lẽ là nhiều vị rất hăng hái đả phá doanh nghiệp nhà nước nhưng nếu không trực tiếp quen thân thì cũng nhờ cấp trên hết viết thư lại gọi điện để xin một suất cho con cháu vào chính cái khu vực đang bị đả phá đó.

“Như vậy rõ ràng doanh nghiệp nhà nước, người ta cũng có ưu việt của người ta chứ”, câu kết của ông Hòa khiến nhiều tiếng cười ồ lên, nhưng đâu đó xen lẫn cả sự thẹn thùng.

Cũng nghĩ ông Hòa buột miệng nói vậy thôi, chứ không lấy đó làm điều. Nhưng giờ giải lao, lan man với ông về doanh nghiệp nhà nước, ông lại nhắc cái thực tế chê vẫn chê, mà xin vẫn xin đó.

Không ngại ngần nhắc đến “điển hình” Vinashin, song ông Hòa cho rằng nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ ở đây, chính là việc quyền lực bị thâu tóm vào tay cá nhân. 

Một cách nhìn công bằng về doanh nghiệp nhà nước, theo ông Hòa, có lẽ là thiết thực hơn tổ chức một Ngày Doanh nhân rầm rộ nặng về hình thức. 

Bởi, ông Hòa, bất cứ nền kinh tế nào cũng phải duy trì lực lượng doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng. Và để đất đai, tài nguyên khoáng sản không rơi vào tay cá nhân hay lợi ích nhóm nào thì rất cần đến doanh nghiệp nhà nước, còn cung cách làm ăn thế nào, thì đó lại là vấn đề khác.

Nguồn: Vneconomy

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Trước thời khắc khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những câu nói bất hủ của Tướng Giáp trên truyền hình Mỹ
Tàu chiến Nga sẽ thường xuyên cập cảng Cam Ranh
Vì "Trung Hoa vĩ đại", Bắc Kinh cần đến Moscow
"Giấc mơ Trung Hoa": Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động