RSS Feed for Các giải pháp ngăn chặn sự cố máy biến áp 110kV | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 18:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các giải pháp ngăn chặn sự cố máy biến áp 110kV

 - Máy biến áp lực là thiết bị quan trọng nhất trong trạm biến áp 110kV. Do đó, các sự cố MBA 110kV xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng. Trong thời gian từ năm 2003 đến 4/2012, trên địa bàn quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Nam đã xảy ra 28 sự cố hư hỏng MBA, trong đó: 14 MBA 63MVA (50 %), 10 MBA 40MVA (35,7 %), 03 MBA 25MVA (10,7 %), 01 MBA 16MVA (3,6 %).

Tổng công ty Điện lực miền Nam đã nghiên cứu, phân tích nguyên nhân và triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn sự cố máy biến áp 110kV như sau:

Nâng cao chất lượng MBA, đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch như cam kết: đưa yêu cầu bắt buộc thử nghiệm điển hình hạng mục dòng chịu đựng ngắn mạch trong các hồ sơ mời thầu mua sắm MBA 110kV hoặc tăng thời hạn bảo hành trong trường hợp hư hỏng do sự cố ngắn mạch ngoài phát tuyến 22kV. Lộ trình thực hiện đối với yêu cầu thử nghiệm điển hình trong năm 2013.

Giải pháp giảm thiểu sự cố ngoài lưới điện 22kV:

1. Sự cố lưới điện 22kV của khách hàng: Các Công ty Điện lực (CTĐL) phải đăng ký kế hoạch chi tiết, yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm TT32 về công tác thí nghiệm định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng lưới điện hàng năm; xem xét các biên bản thí nghiệm do khách hàng cung cấp để có kiến nghị cần thiết (nếu có). Từ năm 2012, Tổng công ty sẽ chỉ tính loại trừ sự cố khách hàng cho đơn vị theo khối lượng đăng ký phù hợp. Ngoài ra, các CTĐL phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong công tác phê duyệt thiết kế, nghiệm thu đóng điện các công trình lưới điện khách hàng.

2. Các CTĐL chú trọng tăng cường chất lượng trong công tác thí nghiệm định kỳ, kiểm tra lưới điện, xử lý sau sự cố để hạn chế tối đa sự cố phát tuyến 22kV. Tuyệt đối không thao tác đóng lại bằng tay các máy cắt phát tuyến khi chưa kiểm tra lưới điện nhằm đảm bảo đã loại trừ sự cố.

Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp để ngăn chặn sự cố lưới điện trung áp, nhất là các đoạn đầu phát tuyến của trạm 110kV, tuyến trung thế nhiều mạch để hạn chế sự cố ngắn mạch ngoài lưới 22kV dồn về TBA 110kV. Ngoài ra, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi huấn cho cán bộ, công nhân làm công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành (QLVH) lưới điện.

3. Công ty Lưới điện cao thế miền Nam (LĐCTMN) và các CTĐL tiếp tục theo dõi và phân tích đánh giá hiệu quả việc triển khai các giải pháp về cài đặt rơle của các phát tuyến 22kV như: khóa chức năng 79, cắt 0s khi dòng ngắn mạch >9kA,…(Công ty LĐCTMN đã triển khai thực hiện cho 23 trạm), từ đó có báo cáo, đề xuất phương án áp dụng thống nhất).

4. Để giảm sự cố, các CTĐL cần tăng cường quản lý và giao chỉ tiêu suất sự cố cho các Điện lực; cần lưu ý việc tính cả số lần tác động của Recloser. Tổng công ty sẽ thực hiện kiểm tra kết hợp qua các lần kiểm tra công tác quản lý kỹ thuật, tổn thất điện năng.

5. Chất lượng vật tư, thiết bị (VTTB) lưới điện: Các CTĐL phải thống kê, đánh giá chất lượng VTTB vận hành trên lưới điện nhằm loại bỏ các VTTB có chất lượng kém trong công tác mua sắm (hư hỏng hàng loạt sau thời gian ngắn sử dụng). Đối với các trường hợp VTTB có chất lượng kém, yêu cầu các đơn vị báo cáo kịp thời để thông báo rộng rãi và phổ biến không sử dụng trong toàn Tổng công ty.

Ứng dụng lắp đặt thiết bị để hạn chế dòng ngắn mạch phía 22kV như: lắp thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch (FCL-FAULT CURRENT LIMITER) tại trước lộ MC tổng 22kV, hoặc tại phân đoạn TC22kV; hoặc lắp kháng điện; lắp thiết bị tự động hạn chế dòng ngắn mạch kiểu máy biến áp; lắp điện trở tại trung tính phía 22kV của MBA 110kV. Công ty LĐCTMN tính toán kinh tế kỹ thuật nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu để thực hiện; triển khai thí điểm tại một số TBA 110kV tại Bình Dương trong năm 2012.

Công tác quản lý vận hành TBA 110kV:

1. Tổ chức biên soạn và ban hành các quy định trong công tác quản lý vận hành: Quy định nội dung công tác kiểm tra sau sự cố đối với MBA; Quy định công tác thí nghiệm định kỳ lưới điện 110kV; Quy định công tác lấy mẫu dầu và phân tích khí hòa tan trong dầu; Quy định công tác thi công, kiểm tra, giám sát, thí nghiệm đối với cáp ngầm trung áp.

2.Tăng cường chất lượng công tác QLVH nhằm hạn chế các sự cố từ thiết bị của TBA gây ảnh hưởng đến tuổi thọ MBA, cụ thể gồm sự cố của: TU, TI 22kV, sự cố phóng đầu cáp ngầm, sự cố do rắn/chuột bò…

3. Phân tích, chẩn đoán nguy cơ sự cố MBA thông qua các biện pháp: phân tích phóng điện cục bộ, phân tích hàm lượng khí hòa tan,…từ đó đề ra các biện pháp theo dõi, xử lý. Để thực hiện được công tác này, cần trang bị trong năm 2012 các thiết bị sau: Thiết bị đo phóng điện cục bộ, thiết bị đo trực tuyến (online) hàm lượng khí hòa tan trong dầu MBA.

4. Thực hiện theo dõi và tính toán dòng điện ngắn mạch tích lũy từ các sự cố phát tuyến 22kV của MBA 110kV: {(kA)2}. Từ đó đối chiếu kết quả tính toán của các MBA đang vận hành với các MBA đã bị sự cố trong quá khứ để kịp thời có các biện pháp theo dõi, kiểm tra, xử lý kịp thời. Ngoài ra, định kỳ 2 tuần/lần, các CTĐL cần cung cấp cho EVNSPC các giá trị dòng ngắn mạch sự cố từ các phát tuyến 22kV do Recloser ghi nhận được để cập nhật bổ sung vào các tính toán dòng ngắn mạch tích lũy, do sự cố ghi nhận từ các rơle và MC phát tuyến không phản ánh đầy đủ sự cố ngoài lưới trung thế.

5. EVNSPC và Ban Kỹ thuật sản xuất phối hợp ghi nhận các hư hỏng thực tế của MBA khi mở máy sửa chữa tại nhà sản xuất để phân tích, rút kinh nghiệm, làm cơ sở để chẩn đoán nguyên nhân hư hỏng MBA.

6. Mua sắm bổ sung MBA 110kV để dự phòng xử lý sự cố MBA hoặc để thay thế nhằm cách ly MBA ra khỏi vận hành để kiểm tra khắc phục khiếm khuyết (đối với các MBA có hiện tượng phóng điện, quá nhiệt mối nối,…). Để phục vụ công tác này, cần có sẵn 02 MBA 40MVA & 02 MBA 63MVA dự phòng.

Hiện nay, EVNSPC và các các đơn vị đang khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu sự cố hư hỏng MBA lực của các trạm 110kV.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động