Các đơn vị sản xuất than đang gặp nhiều khó khăn
14:34 | 19/09/2019
TKV đưa vào khai thác các vỉa có trữ lượng thấp
Tỷ lệ chống lò bằng vì neo của TKV tăng 11% so với cùng kỳ
TKV chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Ban Kế hoạch, Tập đoàn và lãnh đạo các Công ty than Khe Chàm, Thống Nhất, Hạ Long và Cọc Sáu, hiện nay các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch sản lượng được giao và cân đối tài chính…
Theo đó, Công ty than Khe Chàm khó khăn do địa chất phức tạp, lò bị nén, điều kiện làm việc khó khăn. Thực hiện chỉ đạo và hỗ trợ của Tập đoàn, Công ty tập trung củng cố, chống xén lò; 8 tháng năm 2019 thực hiện 720m lò xén, than nguyên khai sản xuất trên 700 ngàn tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm. Các tháng còn lại, Công ty đào lò chuẩn bị và từ tháng 9 tập trung cho khai thác để bù sản lượng.
Bên cạnh đó, than Khe Chàm gặp khó khăn về lao động, thiếu thợ lò khi tăng sản lượng theo kế hoạch năm 2020 là 1,5 triệu tấn và 2021 là 1,8 triệu tấn.
Các khó khăn đề nghị Tập đoàn tháo gỡ là thiếu thợ lò, về các chi phí phát sinh; để chuẩn bị cho kế hoạch 2020, Công ty cần tập trung đào lò nhưng điều kiện thi công rất khó khăn do vậy đề nghị Tập đoàn có cơ chế hỗ trợ Công ty Xây lắp mỏ để đẩy mạnh đào lò cho Công ty…
Công ty than Thống Nhất khó khăn do chuyển diện sản xuất nhiều; vỉa dốc, gặp nước nhiều, thiếu thợ lò… Từ tháng 7/2019, kết thúc khai thác khu Yên Ngựa và mở vỉa khu Lộ Trí xuống phân tầng khai thác phía dưới. Công ty đã đẩy mạnh đào lò, thuê 4 đơn vị đào lò; dự kiến 2019 than nguyên khai sản xuất 1,750 triệu tấn, 2020 là 1,92 triệu tấn…
Công ty CP than Cọc Sáu khó khăn do khai thác xuống sâu đến mức -265m; các tầng khai thác từ -250 trở xuống các thiết bị lớn khó phát huy, khó khăn trong thoát nước, làm đường, cung độ vận chuyển lớn, chất lượng than xấu; than nguyên khai sản xuất 8 tháng 1,050 triệu tấn, bằng 57% KHN…
Công ty than Hạ Long khó khăn do sự cố nước phải điều chỉnh lại diện sản xuất 3 phân xưởng…, Công ty đề nghị Tập đoàn điều chỉnh về sản lượng, chất lượng than…
Các Ban chuyên môn Tập đoàn và lãnh đạo Tập đoàn đã tham gia về công tác điều hành sản xuất, công tác kỹ thuật công nghệ, vận tải lò…
Các đơn vị hầm lò do khó khăn nên kế hoạch 8 tháng đạt thấp, sản lượng giảm trên 700.000 tấn than hầm lò nên cần phải cố gắng cao nhất về sản lượng.
Công ty than Cọc Sáu là đơn vị lộ thiên khó khăn nhất cần có phương án xuống moong nhanh, đẩy mạnh sản xuất trong quý IV/2019…
Ban Sản xuất than cho biết, do nhu cầu than tăng nên Tập đoàn đã phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất than, quý III/2019 dự kiến sản xuất đạt 8,3 triệu tấn/8 triệu kế hoạch, các đơn vị khó khăn sẽ hụt sản lượng, ảnh hưởng đến sản lượng chung của cả Tập đoàn nên cần tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.
Các đơn vị cần cân đối lao động và tiền lương, các khâu sản xuất có thể thuê ngoài để đẩy nhanh tiến độ, tăng cường đào lò, chống xén, giải quyết khâu vận tải…
Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải chia sẻ các khó khăn với các đơn vị, động viên CB, CNLĐ các đơn vị nêu cao truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, chủ động tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất. Tập đoàn đã có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và tiếp tục xem xét tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trên cơ sở thực tế và các quy định.
Về điều chỉnh sản lượng, các chỉ tiêu chất lượng, chi phí, giá thành, tiền lương, lợi nhuận, một số cơ chế điều hành…, Tổng Giám đốc Tập đoàn giao cho các Ban chuyên môn và các Phó TGĐ phụ trách rà soát kỹ lưỡng, lưu ý chỉ tiêu chất lượng báo cáo Tổng Giám đốc và HĐTV Tập đoàn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn nhắc lại, quan trọng nhất vẫn là các đơn vị cần chủ động, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, bám sát hiện trường sản xuất để tháo gỡ kịp thời, tập trung cao độ cho sản xuất, thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án phát triển mỏ, giải quyết vấn đề vận tải, đi lại trong lò.
Đồng thời, cùng với đẩy mạnh công tác tuyển dụng, các đơn vị cần giữ chân người lao động bằng việc cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập và chế độ đãi ngộ./.
VIỆT TRUNG