RSS Feed for Bức tranh tương lai của ngành công nghiệp khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 15:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bức tranh tương lai của ngành công nghiệp khí Việt Nam

 - Với xu hướng chuyển dịch năng lượng từ dầu sang khí, khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng có khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực, giá cạnh tranh và ít phát thải khí nhà kính, tất yếu đây sẽ là nguồn nguyên liệu, năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với vai trò chủ lực trong thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện hiệu quả vai trò của mình, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển an toàn, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như hội nhập quốc tế.
40 năm đánh dấu ngày ra đời ngành công nghiệp dầu khí biển Việt Nam 40 năm đánh dấu ngày ra đời ngành công nghiệp dầu khí biển Việt Nam

Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro được thành lập ngày 19/6/1981, hoạt động trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ Việt Nam và Liên Xô (cũ) về hợp tác tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí trên Thềm lục địa Việt Nam, ký đầu năm 1980, đánh dấu ngày ra đời ngành công nghiệp dầu khí biển của nước ta, một bước tiến rất mới trên đường hiện đại đất nước.

Chuyển đổi số trong công nghiệp dầu khí: Thực trạng và triển vọng tại Việt Nam Chuyển đổi số trong công nghiệp dầu khí: Thực trạng và triển vọng tại Việt Nam

Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. Như vậy, chuyển đổi số đòi hỏi nền tảng quản trị tiên tiến, chuyển đổi quản trị song song với chuyển đổi số. Bài báo dưới đây sẽ phân tích mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí của Deloitte (Deloitte’s Digital Operations Transformation); thực trạng chuyển đổi điều hành số và chuyển đổi số trong quan hệ với khách hàng; các khó khăn thách thức cơ bản trong quá trình chuyển đổi số và đề xuất các giải pháp chuyển đổi số cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.


Quan điểm chủ đạo phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam:

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững tổng thể kinh tế - xã hội quốc gia, việc phát triển nguồn năng lượng bền vững là yêu cầu vô cùng quan trọng. Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW để Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra mục tiêu “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…; Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong đó, quan điểm phát triển chủ đạo đối với ngành ngành công nghiệp khí là: “Phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đồng bộ trong tất cả các khâu”; “ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sạch”; “ưu tiên phát triển điện khí”; “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ điều tiết hệ thống”; “Tiếp tục thu hút đầu tư trong lọc hóa dầu theo hướng chế biến sâu,…”; “Xây dựng chính sách thuế các-bon”,… đã vạch ra hướng đi và tạo hành lang thúc đẩy ngành công nghiệp khí nhanh chóng phát triển thành nguồn năng lượng quan trọng của quốc gia.

Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh tại Quyết định 2233/QĐ-TTg, ngày 28/12/2020, trong đó xác định rõ “Thị trường khí năm 2021 đến 2025 cần được xây dựng và phát triển trên nguyên tắc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước chuyên ngành (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam)”.

Nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò chủ lực được Đảng, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao trong việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, cũng như tiếp tục đóng góp hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển PV GAS được triển khai theo sát các Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí.

Bức tranh PV GAS và ngành công nghiệp khí Việt Nam trong tương lai:

Qua 31 năm hình thành và phát triển, PV GAS đã từng bước xây dựng, đưa vào hoạt động và hiện đang quản lý hệ thống hạ tầng ngành Công nghiệp khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh (gồm 5 hệ thống khí dài trên 1.500 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 10 tỷ m3/năm, 14 kho chứa LPG công suất gần 150 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí rộng khắp trên toàn quốc …) có giá trị tài sản trên 70 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ LPG nội địa.

Trong 31 năm qua, PV GAS đã cung cấp trên 155 tỷ m3 khí khô, gần 20 triệu tấn LPG, khoảng 2 triệu tấn condensate, đạt tổng doanh thu khoảng 915 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 175 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 85 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục sứ mệnh của mình trong thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong thời gian tới, PV GAS định hướng tiếp tục tham gia sâu rộng (đầu tư và kinh doanh) tất cả các khâu của chuỗi giá trị khí/LNG/sản phẩm khí từ thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn trong nước và từng bước vươn ra quốc tế nhằm đảm bảo sự phát triển một cách chủ động, tối ưu và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh khí, các sản phẩm khí.

Với mục tiêu phát triển thành thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao trong ngành công nghiệp khí khu vực và thế giới, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị khí và sản phẩm khí, giữ vai trò chủ lực, dẫn dắt ngành Công nghiệp khí Việt Nam phát triển an toàn, bền vững, hiện đại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hội nhập quốc tế, PV GAS phấn đấu: Tăng trưởng doanh thu bình quân 8 - 9%/năm; chiếm 100% thị phần khí khô; trên 50% thị phần LNG; trên 50% thị phần LPG trong nước; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn điều lệ đạt trên 20%/năm.

Trong đó, về thu gom, vận chuyển khí: PV GAS chủ trương đa dạng hóa nguồn cung; Giữ vững vai trò chủ đạo trong thu gom, tiếp nhận toàn bộ nguồn khí trong nước, tham gia thị trường nước ngoài; Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp khí trên toàn quốc hoàn chỉnh, đồng bộ với kế hoạch phát triển mỏ, nhập khẩu, tiêu thụ khí và LNG; từng bước hình thành hệ thống đường ống khí quốc gia và khu vực; Tham gia đầu tư thượng nguồn trong và ngoài nước để chủ động nguồn khí và nâng cao vị thế của PV GAS.

Về nhập khẩu khí và LNG: PV GAS sẽ nỗ lực giữ vai trò đầu mối đầu tư và nhập khẩu khí, LNG cho các hộ tiêu thụ trên toàn quốc nhằm thực hiện hiệu quả vai trò công cụ quản lý và điều tiết thị trường khí, LNG của Nhà nước; Ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ nhập khẩu, phân phối LNG để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài cho các khách hàng hiện hữu, kích thích sự hình thành, phát triển các khách hàng mới của các ngành, các khu vực theo định hướng phát triển kinh tế xã hội; Phát triển khu vực Thị Vải, Bình Thuận, miền Bắc thành đầu mối/trung tâm LNG cả nước; Phấn đấu nhập khẩu LNG từ năm 2022.

Trong chế biến khí: PV GAS sẽ tăng cường chế biến, chế biến sâu khí nhằm đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị khí, sản phẩm khí; Nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, khí công nghiệp như: Hydro, Nitơ, Ethane, Ethylene, Naphta, Argon, Methanol, PE, PP, các sản phẩm đồng phát (khí nóng, lạnh,…)...

Về kinh doanh khí, LNG và sản phẩm khí: PV GAS định hướng kinh doanh an toàn, hiệu quả nguồn khí trong nước, khí và LNG nhập khẩu, đáp ứng nguồn cung ổn định, lâu dài cho các khách hàng hiện hữu, gia tăng sức cạnh tranh cung cấp khí và LNG cho các hộ tiêu thụ mới (các nhà máy điện, hóa chất, công nghiệp, giao thông vận tải …); Đẩy mạnh phát triển, kinh doanh an toàn, hiệu quả các sản phẩm khí thấp áp, CNG, LNG, LPG, Condensate... của PV GAS, từ nhập khẩu và nguồn LPG bao tiêu từ các nhà máy của Petrovietnam; Nghiên cứu phát triển kinh doanh, tham gia thị trường tiêu thụ các sản phẩm năng lượng khác. Trong cơ cấu tiêu thụ khí và LNG thì điện là trọng tâm với tỷ trọng trên 70%; gần 30% còn lại là cho sản xuất đạm, hóa chất, công nghiệp, dân dụng, giao thông vận tải.

Trong hoạt động dịch vụ khí: PV GAS sẽ tiếp tục phát triển các dịch vụ chuyên ngành khí (chế biến, vận hành, logistic, sản xuất ống và bọc ống, liên kết chuỗi dịch vụ khí, hạ tầng khu công nghiệp,…) với sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu phát triển PV GAS, của ngành công nghiệp khí Việt Nam và sẵn sàng tham gia hoạt động ở nước ngoài khi có cơ hội với mục tiêu 100% thị phần vận chuyển khí đường ống trên toàn quốc và cung cấp tối đa các dịch vụ sản xuất ống và bọc ống cho các dự án trong ngành.

Đó là những mục tiêu đầy thách thức, đồng thời cho thấy bức tranh đầy tiềm năng của ngành công nghiệp khí Việt Nam trong tương lai với định hướng phát triển sâu rộng, đồng bộ, bền vững, vươn tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu đưa nguồn năng lượng xanh, sạch, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực của quốc gia theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động