RSS Feed for Bộ Tài chính phản hồi về kiến nghị ưu đãi thuế của PVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bộ Tài chính phản hồi về kiến nghị ưu đãi thuế của PVN

 - Bộ Tài chính đã phản hồi chính thức về những kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu áp dụng cho xăng dầu Dung Quất.

Kiến nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu Dung Quất
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước nguy cơ "an toàn tồn kho"

Cụ thể, về kiến nghị tác động của việc thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu theo ATIGA đối với các sản phẩm dầu diezen, dầu hoả, dầu madut và nhiên liệu bay của Công ty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (BSR) sản xuất, Bộ Tài chính đề nghị PVN thực hiện theo quy định hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, tới đây cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến biến động của giá dầu thô để lựa chọn thời điểm điều chỉnh phù hợp theo nguyên tắc thực hiện theo đúng Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Bộ Tài chính cho rằng, về kiến nghị lấy biểu thuế nhập khẩu áp dụng cho Công ty Bình Sơn từ năm 2016 là Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

"Hiện tại Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong và ngoài khu vực. Mỗi FTA sẽ có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với từng sản phẩm lọc dầu, hoá dầu khác nhau nên việc lấy mức thuế nhập khẩu làm cơ sở bao tiêu sản phẩm theo một biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là không hợp lý. Mặt khác, hiện nay trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu làm cơ sở cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi", Bộ Tài chính lý giải.

Về kiến nghị điều chỉnh tăng mức giá trị ưu đãi đối với sản phẩm xăng để đảm bảo tính hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và đảm bảo mục tiêu ban đầu của cơ chế tài chính của BSR do Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định 952 và Quyết định 138 về cơ chế tài chính đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Cụ thể: mức giá trị ưu đãi là 3% áp dụng đối với sản phẩm hoá dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng, dầu.

Do đó, Bộ Tài chính kết luận: Việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp. Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện theo đúng quy định.

Không còn chỗ chứa dầu

Trước thực trạng lượng hàng tồn kho đã tăng cao tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thậm chí có nguy cơ vượt quá sức chứa tối đa của nhà máy, nguyên nhân là do khách hàng có thể bỏ hàng, hoặc đẩy lùi lịch lấy hàng sang năm 2016, PVN đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xin xem xét điều chỉnh mức giảm thuế nhập khẩu để đảm bảo hàng của Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất được tiêu thụ vào thời điểm cuối năm 2015 không bị ứ đọng.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nếu thuế nhập khẩu không được điều chỉnh giảm thì việc tiêu thụ dầu DO của BSR sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều khả năng khách hàng sẽ từ chối, hoặc hạn chế mua hàng spot đối với dầu DO trong tháng 12/2015 do chênh lệch thuế nhập khẩu của dầu DO Dung Quất so với hàng nhập khẩu Form D tăng lên mức 10% kể từ đầu năm 2016.

Dự kiến tháng 12/2015, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 620.000 - 630.000 m3 xăng dầu. Với khối lượng term khách hàng cam kết tiêu thụ hàng tháng khoảng 520.000 m3 thì còn dư một lượng hàng khoảng 100.000 - 110.000 m3 xăng dầu để bán spot.

Theo PVN, nếu thuế nhập khẩu không được Bộ Tài chính cho điều chỉnh giảm, nửa cuối tháng 12 khách hàng không lấy hàng theo lịch và đẩy lùi sang đầu 2016, thì lượng hàng tồn kho dự kiến khoảng 190.000 m3, trong khi sức chứa tối đa của nhà máy là 150.000 m3 cho DO.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác như sản phẩm PP Dung Quất cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập ngoại có ưu đãi thuế. Hàng tồn kho của các nhà phân phối sản phẩm PP trong nước cũng bị đẩy lên rất cao do không tiêu thụ được.

Lượng hàng tồn kho sản phẩm PP của BSR trong tháng 8/2015 đã lên tới 80% và có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tồn kho của nhà máy PP Dung Quất.

Do đó, PVN đề nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng DO giảm vè mức 7%, mặt hàng PP giảm về mức 0% cho những tháng cuối năm 2015.

Mặt khác, PVN cũng đề nghị kể từ năm 2016, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh theo hướng biểu thuế áp dụng cho BSR là biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, điều chỉnh tăng mức giá trị ưu đãi đối với sản phẩm xăng để đảm bảo tính hiệu quả của dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất và đảm bảo mục tiêu ban đầu của cơ chế tài chính của BSR.

Hiện nay, theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm lọc hóa dầu của Việt Nam phải cắt giảm để thực hiện các cam kết trong các Hiệp định FTA, mức thuế suất thuế nhập khẩu cho sản phẩm của BSR hiện vẫn còn chênh lệch do với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt Form D/E quy định trong các FTA.

NangluongVietnam.vn

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động