RSS Feed for Bàn tính khả thi, giải pháp cấp bách cho điện gió ngoài khơi Việt Nam (phản biện tháng 9/2024) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 15/11/2024 20:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn tính khả thi, giải pháp cấp bách cho điện gió ngoài khơi Việt Nam (phản biện tháng 9/2024)

 - Sau Orsted (Đan Mạch), Equinor (Na Uy) đã xác nhận hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Thông tin Equinor đóng cửa Văn phòng đại diện tại Hà Nội đã gây ra nhiều suy nghĩ về tính khả thi của điện gió ngoài khơi của chúng ta. Từ sự kiện này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài bình luận, kèm theo giải pháp tháo gỡ các bế tắc trong hoạt động đầu tư điện gió của nước ta hiện nay.
Đánh giá mức độ sẵn sàng, nhận diện thách thức trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam Đánh giá mức độ sẵn sàng, nhận diện thách thức trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam

Bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu các Chỉ số chuyển dịch năng lượng (ETI) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, cùng với các phân tích, nhận định mức độ sẵn sàng cho chuyển dịch năng lượng của Việt Nam dưới góc nhìn chiến lược. Sau đó là một số nhận định về thách thức trong chuyển dịch năng lượng dưới góc độ quy hoạch phát triển.

Việt Nam trên con đường giảm lượng phát thải khí nhà kính cần xây dựng công suất lớn điện từ năng lượng tái tạo. Trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu phải có 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 cho nhu cầu phụ tải trong nước (tổng tiềm năng 600.000 MW), đồng thời phát triển mạnh điện gió ngoài khơi cho sản xuất năng lượng mới với quy mô 15.000 MW đến năm 2035 và 240.000 MW đến năm 2050. Công suất đặt 6.000 MW nêu trên được chia cho các vùng như sau:

TT

Tên vùng

Công suất tăng thêm 2023-2030 (MW)

1

Bắc Bộ

2.500

2

Bắc Trung Bộ

0

3

Trung Trung Bộ

500

4

Tây Nguyên

0

5

Nam Trung Bộ

2.000

6

Nam Bộ

1.000

Tổng công suất

6.000

Trích Phụ lục 2, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Trong đó, Nam Trung bộ là khu vực có tiềm năng gió cao nhất của cả nước được quy hoạch phát triển 2.000 MW điện gió ngoài khơi từ nay đến 2030 và sau đó tiếp tục trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của cả nước. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã tìm hiểu và bày tỏ quan tâm phát triển dự án điện gió ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Nghị quyết số 139/2024/QH15 của Quốc hội Việt Nam về Quy hoạch không gian biển quốc gia (thời kỳ 2021-2030) đã được thông qua ngày 28/6/2024. Nghị quyết mới mang tính khung, tổng thể, cần phải có bản Quy hoạch cụ thể hơn cho khu vực có thể khai thác điện gió ngoài khơi.

Cho đến nay, mới chỉ có Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được phép khảo sát vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu cho dự án điện gió ngoài khơi nhằm mục đích xuất khẩu điện sang Singapore. Dù chậm, việc này cho thấy các công ty Việt Nam có thể tham gia các khâu trong chuỗi giá trị điện gió.

Bên cạnh đó, việc Tập đoàn General Electric - GE (Hoa Kỳ) thành lập Công ty GE Hải Phòng từ năm 2008 với năng lực sản xuất cung cấp tua bin điện gió (hiện tại chủ yếu là xuất khẩu) chiếm 80% công suất mà GE cung cấp trên toàn cầu (bắt đầu từ năm 2010). Với doanh thu trên 3,2 tỷ USD/năm của GE Hải Phòng đã cho thấy tiềm năng các công ty FDI tại Việt Nam có thể tích cực tham gia những khâu sản xuất trọng yếu trong chuỗi giá trị điện gió.

Nhưng vì sao Orsted và Equinor vẫn rời khỏi thị trường điện gió Việt Nam?

Theo chia sẻ của Equinor tại Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Ba) do Ủy ban Khoa học Công nghệ, Môi trường của Quốc hội và Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa tổ mới đây, thì một dự án điện gió ngoài khơi thường mất 7-10 năm để phát triển (kể từ khi được phép khảo sát khu vực biển). Với điều kiện cơ chế giá tại thời điểm hiện tại đủ để tính được doanh thu trong tương lai; những năm tiếp theo, Chính phủ khi mời đầu tư phải đảm bảo giá điện tăng ít nhất theo chỉ số lạm phát và cơ chế giá đó phải đảm bảo khả năng vay vốn ngân hàng của nhà đầu tư trong hợp đồng mua bán điện.

Điều kiện khác mà nhà đầu tư cần là phải cam kết được với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về điểm đấu nối trên bờ. Việc đấu nối ngoài khơi sẽ do nhà đầu tư đảm nhiệm, điểm kết nối trên bờ và hạ tầng lưới điện tiếp nhận công suất điện gió sẽ do EVN đảm bảo theo đúng tiến độ dự án.

Đấy là chưa tính đến nghiên cứu mới đây của các tư vấn và nhà đầu tư lớn về điện gió ngoài khơi: Nếu tính tầm nhìn lâu dài, nhằm tăng hiệu quả, phải xem xét việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp kiểu “trung tâm - hub” có quy mô lớn từ ngoài khơi. Các nguồn điện gió ngoài khơi sẽ đấu các đường nhánh vào trạm “hub” này, từ đó sẽ xây trục đường dây truyền tải vào trong bờ, nhằm giảm số lượng các đường truyền tải từ ngoài khơi vào bờ. Mỗi dự án là một hệ truyền tải riêng (one by one) thành một hệ truyền tải chung cho nhiều dự án (one by many).

Với phương án nghiên cứu này, các nhà đầu tư sẽ đảm nhận các đường đấu nối nhánh vào trạm “hub”, còn EVN sẽ phải đảm nhận trạm biếp áp truyền tải “hub” và đường trục truyền tải vào bờ theo tiến độ đầu tư của các cụm điện gió ngoài khơi.

Bối cảnh quốc tế đang thay đổi:

Sau một thời gian giảm giá liên tục, từ ba năm gần đây, điện gió ngoài khơi đã chấm dứt xu hướng giảm giá, bước vào thời kỳ tăng giá nhẹ do nhu cầu lắp đặt cao, nhưng cơ sở chế tạo, thiết bị lắp đặt lại chỉ có hạn. Do đó, Orsted đã phải hủy hai dự án trúng thầu ở Hoa Kỳ là Ocean Wind 1 và 2 do giá bỏ thầu đã không còn thích hợp, lãi suất ngân hàng lên cao, cũng như khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng không cho phép công ty giữ được giá như đã trúng thầu.

Tốc độ tăng trưởng điện gió ngoài khơi trên thế giới có giảm sau bùng nổ (chủ yếu nhờ công suất mới ở Trung Quốc) vào năm 2021 vẫn giữ được xu thế tăng dài hạn.

Equinor đóng cửa VP ở Hà Nội - Bàn về tính khả thi, cấp bách của điện gió ngoài khơi Việt Nam
Tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi trên thế giới. (Nguồn GWEC).

Riêng ở Việt Nam, sau Orsted dừng vào năm 2023, nay đến Equinor từ bỏ kế hoạch đầu tư vào điện gió tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.

Hay nói một cách khác, cả một thời gian khá dài đối mặt với một loại hình dự án mới là điện gió ngoài khơi, chúng ta vẫn chưa tìm ra được một chính sách, cơ chế rõ ràng, thống nhất, nhất là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giá và mua bán điện… đã phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư có tên tuổi.

Các vướng mắc và giải pháp đột phá, cấp bách hiện nay:

Việt Nam hiện chưa có các quy định về khảo sát khu vực biển để triển khai đầu tư các dự án loại này, trong khi Quy hoạch không gian biển quốc gia chỉ mới được thông qua tháng 7/2024, còn phải đợi lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia (thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050). Các dự án điện gió ngoài khơi cụ thể cũng chưa được nêu trong Danh mục các dự án quan trọng ưu tiên đầu tư của ngành điện.

Một số vướng mắc trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi vẫn tồn tại dai dẳng: Chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. (Những vấn đề này cần giải quyết pháp lý quy định về điện gió ngoài khơi vào trong Luật Điện lực (sửa đổi); bổ sung vào Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo các quy định về không gian biển, về kỹ thuật cho điện gió, hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, xã hội và quy định về cấp phép khảo sát cho tổ chức trong nước, nước ngoài với các nguồn vốn ngoài ngân sách).

Đến thời điểm này, nếu cứ chờ các quy định về điện gió ngoài khơi thì chắc chắn mục tiêu 6.000 MW điện gió ngoài khơi sẽ không đạt được vào năm 2030. Vì vậy, cần có những giải pháp mang tính đột phá, thử nghiệm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm xây dựng cơ chế cho điện gió ngoài khơi. Một số các giải pháp về cơ chế thí điểm được đề xuất như sau:

1. Cam kết về giá mua điện và lộ trình tăng giá đảm bảo cho doanh thu của nhà đầu tư, dù việc này có thể dẫn tới tăng giá điện bán lẻ chút ít. Cho phép đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện theo các cam kết này làm cơ sở cho việc huy động vốn vay của dự án.

2. Chọn sơ bộ một vài chủ đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước, hoặc liên doanh với nhà đầu tư quốc tế, dựa trên năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng, vận hành các dự án điện gió; sở hữu công nghệ điện gió ngoài khơi đã được xác nhận và công nhận rộng rãi. Sau đó cùng nhà đầu tư thử nghiệm cơ chế thí điểm cho dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam. Song song với việc triển khai dự án thí điểm là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đấu thầu sau này.

3. Nhà đầu tư được chọn phải được giao khu vực biển để khảo sát và độc quyền phát triển điện gió tại đó (với quy mô ban đầu không dưới 1.000 MW) và không gian để tiếp tục mở rộng quy mô công suất. (Theo kinh nghiệm quốc tế, quy mô dự án điện gió ngoài khơi phải từ 1.000 MW trở lên mới có thể có giá điện cạnh tranh). Mặt khác, cần quy định rõ cấp có thẩm quyền được giao khu vực biển, cho phép khảo sát và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, xã hội v.v…

4. Mở rộng các quy định cho các công ty Việt Nam tham gia cùng đối tác quốc tế trong chuỗi giá trị điện gió để xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó chú trọng ưu tiên 3 yếu tố: Chuỗi cung ứng, vận tải và hậu cần logistic, thuế ưu đãi.

5. Ban hành quy định các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

6. Nới các quy định về xuất khẩu điện gió ra nước ngoài nhằm tạo ra cạnh tranh giữa dự án bán điện trong nước và dự án bán điện ra nước ngoài.

Trong thời gian còn thiếu nhiều quy định pháp luật, cấp thẩm quyền nên xem xét ban hành ban hành cơ chế đặc thù, thí điểm để thực hiện ngay dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, làm cơ sở cho triển khai các dự án tiếp theo.

Với tiềm năng điện gió ngoài khơi “khổng lồ”, tới gần 600.000 MW, Việt Nam đã có hai yếu tố “thiên thời” và “địa lợi”. Thật lãng phí, nếu chúng ta không làm được yếu tố quan trọng thứ ba./.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động