RSS Feed for 84 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 23:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

84 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than

 - Ngày 12/11/2020, công nhân viên chức và lao động ngành Than - Khoáng sản kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống vẻ vang của đội ngũ những người thợ mỏ - ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2020). Đây là ngày hội lớn, ngày kỷ niệm lịch sử đáng ghi nhớ nhất đối với tất cả các thế hệ công nhân ngành Than Việt Nam.


Tình thần "Kỷ luật và đồng tâm" luôn được các thế hệ thợ mỏ gìn giữ và phát huy.

Gần một thế kỷ và là gạch nối giữa hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ đã đi qua, lịch sử đã chứng kiến biết bao sự đổi thay trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cùng với nhân dân cả nước, công nhân ngành Than dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh với tinh thần ''Kỷ luật và đồng tâm'' đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh lập nên nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nước Việt Nam độc lập đổi mới, tiến lên giàu mạnh. Nhân ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than 12/11, trên 96 nghìn công nhân cán bộ ngành Than - Khoáng sản cùng nhau ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của những người thợ mỏ năm xưa để càng hiểu thêm và tự hào về chặng đường phát triển hào hùng ấy. 

Cách đây 84 năm, ngày 12/11/1936, hơn 3 vạn thợ mỏ vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh đã dũng cảm đứng lên làm cuộc tổng bãi công yêu cầu chủ mỏ phải tăng lương, chống đánh đập, ngược đãi công nhân, cải thiện điều kiện lao động. Nhờ tinh thần đấu tranh quả cảm, đoàn kết và ý thức kỷ luật cao, bất chấp các thủ đoạn lừa phỉnh dụ dỗ và đàn áp dã man của bọn chủ mỏ, bọn thống trị thực dân Pháp và tay sai, cuối cùng bọn chủ mỏ phải chấp nhận mọi yêu sách của công nhân. Cuộc tổng bãi công đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Cán bộ công nhân ngành Than tự hào về đội ngũ công nhân mỏ là một tổ chức vô sản ra đời sớm nhất ở nước ta, từ khi chủ nghĩa thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột lao động và vơ vét tài nguyên của Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 19 các mỏ khoáng chất đã ra đời, trong đó có Công ty than Bắc kỳ được thành lập năm 1888 là tập đoàn tư sản lớn nhất của thực dân Pháp. Và cũng từ đây, vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Đội ngũ công nhân mỏ cũng được hình thành và dần dần trở thành lực lượng công nhân công nghiệp trong giai cấp công nhân Việt Nam.

Công nhân mỏ xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ  ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị địa chủ phong kiến và bọn cường hào gian ác áp bức bóc lột phải ra mỏ làm phu kiếm sống. Một số khác là anh em thợ thủ công bị thất nghiệp phiêu bạt ra đất mỏ làm ăn. Những người thợ mỏ mang trong lòng nỗi nhục của người dân mất nước phải làm nô lệ và mối căm thù bọn tay sai phong kiến nên ý thức phản kháng luôn luôn sục sôi trong trái tim họ, khi có thời cơ và có hạt nhân lãnh đạo, họ sẵn sàng vùng lên đấu tranh.

Công việc khai thác mỏ lúc bấy giờ hoàn toàn là thủ công hết sức nặng nhọc vất vả. Mỗi ngày thợ phải làm từ 10 đến 12 giờ tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập bớt xén. Điều kiện ăn ở sinh sống rất lầm than. Họ không có con đường nào khác là phải đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương cải thiện điều kiện làm việc.

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, công nhân cả nước đã có nhiều hoạt động đấu tranh chống giới chủ, bọn cầm quyền thực dân Pháp và tay sai. Trong ngành mỏ, ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, công nhân mỏ cũng có nhiều cuộc phản kháng sự áp bức bóc lột của bọn chủ mỏ. Cho đến những năm 30 của thế kỷ  XX sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại các vùng mỏ nhiều chi bộ Đảng cộng sản được bí mật thành lập, thu hút những người thợ mỏ giác ngộ, có tinh thần đấu tranh, những người tiên tiến nhất trong đội ngũ công nhân tham gia. Thời kỳ này, phong trào vô sản hoá của Đảng đã đưa nhiều đảng viên về vùng mỏ làm công nhân, sống gần gũi với thợ mỏ để tuyên truyền vận động giác ngộ họ, cùng họ tổ chức những cuộc đấu tranh. Trước mắt là cuộc đấu tranh có tính chất kinh tế, đòi quyền lợi và tập dượt để phát triển thành cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ thống trị cuả bọn thực dân Pháp, trong đó cuộc tổng bãi công vang dội của hơn 3 vạn thợ mỏ từ chiều ngày 12/11/1936 đã đánh dấu chặng đường trưởng thành của phong trào đấu tranh của công nhân mỏ.

Cuộc tổng bãi công được mở đầu tại vùng Cẩm phả. Đây là một trung tâm khai thác lớn của Công ty than Bắc kỳ, nơi tập trung đông công nhân nhất và cũng là nơi diễn ra nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa thợ và bọn chủ mỏ. Cuộc tổng bãi công nổ ra tại đây có tác động mạnh mẽ toàn khu mỏ và lan rộng như một đám cháy lớn. Sau gần 10 ngày đấu tranh quyết liệt bất chấp mọi thủ  đoạn lừa bịp và đàn áp dã man của địch. Cuộc bãi công đã thắng lợi vào 3 giờ chiều ngày 20/11/1936. Bọn chủ mỏ và cả bọn thống trị Pháp ra thông báo chấp nhận tất cả mọi yêu sách của cuộc bãi công.

Sau khi công nhân Cẩm Phả kết thúc cuộc bãi công thì ngày 22/11 đến ngày 24/11 tại các mỏ Mông Dương, Hòn Gai, Cửa Ông, Bãi Cháy... Công nhân mỏ cùng lần lượt nghỉ việc để hưởng ứng. Một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc tổng bãi công lần này là mối quan hệ anh em gắn bó giữa những người thợ điện nhà máy điện Cọc 5 và công nhân mỏ vùng Hòn Gai - Cẩm Phả. Bất chấp sự ngăn cản của địch, công nhân nhà máy điện vẫn đòi nghỉ việc để hưởng ứng cuộc bãi công.

Trước ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của công nhân mỏ nên sáng ngày 28/11/1936 công nhân mỏ vùng Hòn Gai, Mông Dương, Cửa Ông đã cùng giành được thắng lợi. Cuộc tổng bãi công đã toàn thắng trên một địa bàn rộng thu hút hơn 3 vạn người tham gia kéo dài gần 17 ngày căng thẳng, quyết liệt thể hiện ý chí sắt đá của những người thợ mỏ  Than Việt Nam.

Thắng lợi vang dội của cuộc tổng bãi công đã làm rung chuyển hệ thống cai trị của bọn thực dân xâm lược và tay sai, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân cả nước trong thời kỳ 1936- 1945. Đây là cái mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ công nhân ngành Than về ý thức chính trị, trình độ giác ngộ và đấu tranh giai cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

84 năm đã đi qua nhưng chiến thắng của thế hệ những người thợ mỏ năm 1936 mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử và truyền thống của ngành Than Việt Nam. Sự kiện đó như một chương mở đầu bản anh hùng ca của những người thợ mỏ được viết bằng xương máu, bằng tâm lực của các thế hệ thợ mỏ Việt Nam.

Để ghi lại mốc son lịch sử, ngày 4/11/1982 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có quyết định số 292- CT chính thức công nhận ngày 12/11 hàng năm là Ngày Hội Truyền thống của Ngành Than trong cả nước. 

Sau ngày cách mạng thắng lợi, công nhân cán bộ ngành Than đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để khai thác và cung cấp cho đất nước hàng trăm triệu tấn than làm giầu cho Tổ quốc. Thế hệ thợ mỏ hôm nay luôn tự hào về truyền thống công nhân vùng Mỏ, tự hào về các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng hy sinh cho cách mạng, cho Tổ quốc tạo nên một thành quả vô giá, được gìn giữ và phát huy cho đến hôm nay và mai sau...

NGUYỄN QUANG TÌNH

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động