RSS Feed for TKV hướng tới mục tiêu sản xuất xanh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 17:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

TKV hướng tới mục tiêu sản xuất xanh

 - Khai thác khoáng sản là ngành sản xuất tác động lớn đến môi trường. Do vậy, từ khi thành lập đến nay, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.

TKV bước vào thực hiện kế hoạch 2017 với khí thế mới
"TKV phải là DN chủ lực về nhiên liệu than cho nền kinh tế"
Phê duyệt kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của TKV

Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình môi trường, TKV đã lập Quỹ Môi trường tập trung bằng 1,0 - 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,5% chi phí sản xuất cho bảo vệ môi trường thường xuyên. Tổng chi phí trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường của TKV hiện nay trên 1.000 tỷ đồng/năm, chưa kể chi phí đầu tư đổi mới công nghệ kết hợp bảo vệ môi trường.

TKV đã ban hành các cơ chế nội bộ, tổ chức hệ thống chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ môi trường chuyên trách thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; thành lập các đơn vị tư vấn, thi công chuyên ngành môi trường làm lực lượng nòng cốt thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn; thường xuyên mở các lớp tập huấn về môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác môi trường; hợp tác với nước ngoài (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản) nghiên cứu công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

 

Mặc dù có nhiều khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên, TKV đã chủ động quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng di dời, tháo dỡ các nhà máy (cơ khí Hòn Gai, cơ khí Cẩm Phả, tuyển than Hòn Gai), kho tàng (kho than, kho vật tư tại thành phố Hạ Long), bến cảng (Hòn Gai, Cột 5, các cảng lẻ ven bờ từ Mạo Khê đến Cẩm Phả), đường sắt (Hà Lầm - Hòn Gai, Cột 8 - Hòn Gai, Khe Sim - Ga cầu 4...) tạo điều kiện mở rộng và phát triển các đô thị, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan các đô thị và khu dân cư.

Chú trọng công tác cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, đến hết năm 2016, TKV đã cải tạo phục hồi môi trường được trên 900 ha bãi thải (Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong - Hà Tu, Vỉa 7-8 Hà Tu, Chính Bắc Núi Béo, Ngã Hai Quang Hanh...). Từ đó, tiếp tục cải tạo phục hồi môi trường các khu vực khác nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan chung, nhất là các khu vực nhìn được từ quốc lộ 18A, 18B. Đối với các bãi thải đang hoạt động, thực hiện đổ thải tầng thấp theo đúng thiết kế để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở bãi thải, giảm phát sinh bụi, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường sau này.

Với việc ngăn ngừa đất đá trôi lấp, nạo vét sông suối thoát nước, TKV đã xây dựng 15 đập ngăn đất đá chân các bãi thải để chống trôi lấp đất đá, đảm bảo an toàn cho dân cư và môi trường (đập Khe Rè, Lao Cáp, suối 9.8, suối H10, Vũ Môn bãi thải Đông Cao Sơn; đập Cái Đá, Giáp Khẩu bãi thải Chính Bắc Núi Béo; đập số 1, 2 bãi thải Vỉa 7 - 8 Hà Tu; đập số 1, 2 bãi thải Ngã Hai Quang Hanh...); đang tiếp tục xây dựng các đập chắn đất đá khác theo sự phát triển của các bãi thải. Bên cạnh đó, Tập đoàn thường xuyên cải tạo, nạo vét hệ thống sông suối thoát nước ngăn ngừa đất đá tràn lấp, gây ngập lụt các khu dân cư và vùng hạ lưu.

Đến hết năm 2016, 50 trạm xử lý nước thải mỏ và khoáng sản đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, công suất xử lý trên 100 triệu m3/năm. Cơ bản nước thải mỏ được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, được tái sử dụng tối đa cho sản xuất, sinh hoạt. Các nhà máy tuyển than và khoáng sản, luyện kim, nhiệt điện, xi măng được đầu tư dây chuyền xử lý nước thải đồng bộ cùng dây chuyền công nghệ, cơ bản sử dụng tuần hoàn trong nhà máy không thải ra môi trường.

Song song đó, TKV đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại công nghiệp tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh với công suất 3000 tấn/năm, chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất của các đơn vị tại Quảng Ninh hiện được thu gom, xử lý tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, được thu hồi tối đa phục vụ cho sản xuất và cung cấp cho các ngành khác. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đơn vị hiện được thu gom và thuê các công ty vệ sinh môi trường tại địa phương xử lý. Chất thải rắn sản xuất thông thường được thu gom, đổ thải đúng quy hoạch, thiết kế.

Các đơn vị trong Tập đoàn đã đầu tư trên 90 hệ thống phun sương dập bụi, lắp đặt lưới chắn bụi, kiên cố hóa các khu vực sàng tuyển, kho bãi; xây dựng 2 trạm rửa xe ô tô (Núi Béo, Cọc Sáu), 3 trạm rửa toa xe (Tuyển than Cửa Ông, Tuyển than Nam Cầu Trắng); thực hiện tưới nước chống bụi, phủ bạt trên các phương tiện vận chuyển và kho đống, hạn chế phát sinh bụi, ồn, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan. Các nhà máy chế biến khoáng sản, nhiệt điện, xi măng được đầu tư dây chuyền xử lý khí thải đồng bộ cùng dây chuyền công nghệ, được kiểm soát tự động, đảm bảo tiêu chuẩn khí thải trước khi xả ra môi trường.

Đổi mới công nghệ

Những năm vừa qua, TKV đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hoá, thủy lực hóa trong khai thác các mỏ than hầm lò, nhờ đó giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45 - 50 m3/1000 tấn than xuống 14,1 m3/1000 tấn; giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 45 - 50% xuống 24,2%; đầu tư đổi mới thiết bị khai thác lộ thiên hiện đại, công suất lớn (máy xúc dung tích 10 m3, ô tô trọng tải 100 tấn, ô tô chạy điện, băng tải đá...) tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 15 - 18% xuống 5,3%; đầu tư thiết bị lọc ép bùn công suất lớn nhà máy tuyển tăng tỷ lệ thu hồi khoáng sản, sử dụng nước tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường; đầu tư băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng, hạn chế phát sinh bụi, ồn, khí thải. Đầu tư hệ thống khởi động mềm cho các thiết bị để tiết kiệm điện; tận thu các loại than và khoáng sản chất lượng thấp, đầu tư các trạm tuyển nâng cấp chất lượng, xây dựng các nhà máy điện sử dụng than chất lượng thấp để tận dụng và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên.

Để giảm thiểu bụi, ồn ảnh hưởng đến môi trường, dân cư, TKV đã đầu tư xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dụng có tổng chiều dài trên 130 km. Vì vậy, từ năm 2008, toàn Tập đoàn đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; từ năm 2013 chỉ vận chuyển than ra cảng bằng ô tô vào ban ngày.

TKV đã đầu tư hiện đại hóa các cảng xuất than (Cửa Ông, KM6, Làng Khánh, Bến Cân...) kết hợp với đầu tư các tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng (mặt bằng +56 Mạo Khê - cảng Bến Cân, mặt bằng +56 Mạo Khê - nhà máy điện Mạo Khê, kho G9 - nhà máy điện Mông Dương, Khe Chàm - kho G9, Lép Mỹ - cảng KM6...), việc vận chuyển than ra cảng hiện nay chủ yếu thực hiện bằng băng tải và đường sắt, nhờ đó giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình vận chuyển than đến các đô thị và khu dân cư.

Với việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, trong những năm vừa qua, Tập đoàn đã từng bước khắc phục được ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, vì vậy chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất của Tập đoàn và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện, nâng cao góp phần vào sự phát triển của Tập đoàn, hướng tới mục tiêu trở thành ngành sản xuất xanh, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động