RSS Feed for Nhiều loại thuế, phí đang kìm hãm ngành Than phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 04:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiều loại thuế, phí đang kìm hãm ngành Than phát triển

 - Bước vào kế hoạch năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đứng trước nhiều khó khăn, thách thức (diện khai thác ngày càng xuống sâu, áp lực mỏ lớn, điều kiện khai thác ngày càng bất lợi, dẫn tới các chi phí về thăm dò, khai thác, đảm bảo an toàn lao động tăng cao). Đặc biệt, trong điều kiện các loại thuế phí tài nguyên tại Việt Nam còn cao, dẫn tới chi phí đầu vào cho sản xuất và khai thác tăng cao, khiến giá thành sản xuất than trong nước cao, giảm sức cạnh tranh và bất lợi so với than nhập khẩu... Làm thế nào để TKV vượt thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn xung quanh nội dung này.

Thách thức năng lượng và vị thế ngành Than

 Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018 của TKV?

Ông Lê Minh Chuẩn: Kết thúc 1/2 chặng đường kế hoạch năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh chính của Tập đoàn đều đạt từ 55 - 60% kế hoạch năm. Tất cả các lĩnh vưc sản xuất đều có tăng trưởng. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 65.970 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm, bằng 120% so với cùng kỳ 2017. Nộp ngân sách 8.519 tỷ, đạt 62% kế hoạch năm và bằng 115% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 2.000 tỷ, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận khối than 930 tỷ, khối khoáng sản 660 tỷ, riêng Alumina lãi 500 tỷ.

Về sản lượng các loại sản phẩm chính: 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn đã sản xuất 20,42 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ 21,96 triệu tấn than thương phẩm; sản xuất Alumin 660.00 tấn quy đổi, đạt 53,7% kế hoạch năm và bằng 124% so cùng kỳ năm 2017, tiêu thụ 681.800 tấn, đạt 55,4% kế hoạch năm và bằng 154% so với cùng kỳ năm 2017; đồng tấm sản xuất 5.780 tấn, tiêu thụ 4.030 tấn; kẽm thỏi sản xuất 5.500 tấn, tiêu thụ 5.341 tấn; phôi thép sản xuất 87.610, tiêu thụ 92.750 tấn; sản xuất điện 5,07 tỷ kWh; hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp: sản xuất 35.000 tấn, đạt 57,4 % kế hoạch năm và bằng 106 % cùng kỳ năm 2017, cung ứng 52.800 tấn, đạt 54,4 % kế hoạch năm và bằng 106 % cùng kỳ năm 2017.

Tính đến 30/6/2018, tổng số lao động của Tập đoàn là 101.750 người, giảm 2.754 người so với cuối năm 2017, tiền lương bình quân thực hiện theo đơn giá 10,31 triệu đồng/người/tháng, bằng 104,6% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ năm 2017. NSLĐ tính theo doanh thu 1.218 triệu đồng/người/năm, bằng 126% so với thực hiện năm 2017, NSLĐ sản xuất than 597 tấn/người/năm, bằng 108,8% so với thực hiện 2017.

Năng lượng Việt Nam: Ông có thể cho biết về những khó khăn, thuận lợi mà TKV đã gặp phải và các giải pháp đã thực hiện để hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018?

Ông Lê Minh Chuẩn: Sáu tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế thế giới có sự tăng trưởng nhẹ, giá than, khoáng sản ở mức cao và ổn định. Trong nước, sản xuất công nghiệp và thương mại có bước tăng trưởng, thời tiết thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với TKV, gặp một số khó khăn như khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, các loại thuế, phí gia tăng đã làm tăng chi phí đầu tư và duy trì sản xuất cũng như giá thành. Việc xin cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác rất chậm do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính. Việc Nhà nước thay đổi trích lập các quỹ tập trung: thăm dò, môi trường, cấp cứu mỏ ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò khảo sát, bảo vệ môi trường chung của TKV, một số đơn vị địa chất, môi trường, cấp cứu mỏ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do hạn chế nguồn vốn.

Song bên cạnh đó, TKV có thuận lợi là mô hình tổ chức, cơ chế quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động đã phát huy tốt truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ; thị trường và giá than, khoáng sản trong nước và trên thế giới đang ở mức cao, ổn định; một số dự án trọng điểm về than, khoáng sản đã đi vào vận hành ổn định, dần đạt công suất thiết kế, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện kế hoạch 2018, chính vì vậy, các chỉ tiêu chính của TKV 6 tháng đầu năm đạt từ 52 đến trên 60% kế hoạch năm, tăng trưởng 10 đến 20% so với cùng kỳ năm 2017.

Để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 đề ra, Tập đoàn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, sự chỉ đạo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và căn cứ tình hình thực tế, Đảng ủy Tập đoàn ngay từ đầu năm đã đề ra Nghị quyết về tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018 với mục tiêu "An toàn - Đổi mới - Phát triển".

Trong công tác quản lý, điều hành, với sự thuận lợi về thời tiết, về nhu cầu thị trường, Tập đoàn đã linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, tạo sự đồng tâm, quyết liệt trong triển khai kế hoạch phối hợp SXKD của các đơn vị nên kết quả SXKD 6 tháng đạt cao. Trọng tâm vào các giải pháp:

Thứ nhất: Chỉ đạo quyết liệt, giữ nghiêm kỷ luật điều hành từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, phù hợp với diễn biến thị trường. Làm tốt công tác dự báo, khai thác thị trường, chuẩn bị chân hàng.

Thứ hai: Tập đoàn và các đơn vị đã thường xuyên rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy chế, quy định cho phù hợp với các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tăng hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, nâng cao hiệu quả SXKD.

Thứ ba: Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tăng năng suất lao động như: thực hiện tái cơ cấu lại lực lượng lao động; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong SXKD và quản lý.

Thứ tư: Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các biện pháp tiết kiệm chi phí, tăng cường quản lý thu nợ, dự trữ vật tư, từ đó hiệu quả SXKD ngày một gia tăng, tạo điều kiện tích lũy tài chính để tái đầu tư phát triển.

Thứ năm: Đổi mới cơ chế trả lương, gắn hiệu quả công việc với tiền lương thu nhập cho NLĐ tạo động lực để người lao động tích cực thi đua lao động sản xuất.

Thứ sáu: Quản lý, vận hành tốt các dự án than, khoáng sản mới đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ tiêu tài chính của TKV và phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Thứ bảy: Tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua LĐSX đảm bảo an toàn, tiết kiệm, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến.

Năng lượng Việt Nam: Từ thực tiễn 6 tháng đầu năm, xin ông cho biết để thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 cũng như hoàn thành kế hoạch năm 2018, TKV cần phải quan tâm những vấn đề gì trong thời gian tới và các giải pháp nào sẽ được thực hiện?

Ông Lê Minh Chuẩn: Dự báo nhu than cho các hộ điện, xi măng, phân bón hoá chất vẫn ở mức cao. Giá một số loại khoáng sản, than 6 tháng cuối năm diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Tập đoàn sẽ điều hành cân đối giữa sản xuất, tiêu thụ than tại các vùng để giảm tồn kho than, phấn đấu tăng tối đa các sản phẩm khoáng sản, hoá chất, sản lượng điện thương phẩm để ổn định việc làm, đáp ứng nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đã ký kết hợp đồng với TKV; chuẩn bị các điều kiện tăng sản lượng than, khoáng sản cho năm 2019 với mục tiêu phấn đấu hoàn thành từ 100 - 110% kế hoạch năm. Cụ thể là:

Khối than: than tiêu thụ 38,5 - 39 triệu tấn; than sạch sản xuất 34,2 triệu tấn, tăng thêm 1,32 triệu tấn so kế hoạch đã giao đầu năm.

Khoáng sản, hoá chất, điện lực cơ khí và sản xuất kinh doanh khác: tùy theo diễn biến của thị trường và khả năng sản xuất của các khối, sẽ sản xuất tối đa các loại khoáng sản, hoá chất, đặc biệt sản phẩm Alumin, tinh quặng đồng, đồng tấm, kẽm thỏi, phôi thép, điện… để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Theo đó, Tập đoàn đề ra các giải pháp trọng tâm phải quan tâm là: Tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao vật tư. Tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi phí tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nhất là thợ lò như: ban hành cơ chế hỗ trợ, tăng lương, tăng phúc lợi, đảm bảo an toàn cho người lao động, nhất là thợ lò, tạo mọi điều kiện để thu hút, tuyển dụng, sử dụng và giữ chân được đội ngũ thợ lò, đảm bảo nguồn nhân lực khi sản lượng tăng cao.

Đồng thời, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải quyết kiến nghị trong các lĩnh vực cấp phép, gia hạn về thăm dò, khai thác than, khoáng sản; giải quyết dứt điểm các vướng mắc nói trên hoàn thành trong tháng 7/2018 để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.       

Năng lượng Việt Nam: Ông đánh giá thế nào về vai trò của than sản xuất trong nước trong giai đoạn tới?

Ông Lê Minh Chuẩn: Than sản xuất trong nước trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là antraxit (còn gọi là than không khói) tại Bể than Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Theo Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phê duyệt năm 2016 theo Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi là Quy hoạch số 403) và thực tế thị trường than Việt Nam, nhu cầu sử dụng than của tất cả các ngành trong giai đoạn từ 2018-2020 từ 60 - 86 triệu tấn, bao gồm cả nguồn than sản xuất trong nước và nhập khẩu, trong đó TKV sẽ chiếm tới trên 65% thị phần cung cấp than và sẽ có xu hướng giảm dần khi các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu tăng lên. Riêng đối với thị trường nội địa sử dụng than sản xuất trong nước, TKV cung cấp tới 85%, tiếp theo là Tổng công ty Đông Bắc và các nhà cung cấp nhỏ lẻ khác.

Theo đánh giá cung cầu thực tế hiện nay và dự báo trong giai đoạn tới, than sản xuất trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (đặc biệt than cung cấp cho điện) và đáp ứng các nhu cầu khác của nền kinh tế. Trong cơ cấu nguồn điện năm 2017, nhiệt điện chạy than chiếm tới 37% và sẽ tăng lên tới 50% trong các năm tiếp theo. Theo đó, than sản xuất trong nước cũng tăng lên hàng năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện theo quy hoạch. Ngoài nhu cầu than cho sản xuất điện, sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của các ngành khác như xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón... trong giai đoạn tới sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng than tăng lên.

Theo Quy hoạch, than sản xuất trong nước sẽ được cân đối ưu tiên cung cấp cho điện, sau đó than còn lại cân đối tiếp cho các hộ theo thứ tự ưu tiên là phân bón, hóa chất, xi măng, các hộ khác. Riêng luyện kim sử dụng than cốc nên cân đối hết các nguồn than cốc trong nước sản xuất được cho luyện kim, còn thiếu sẽ nhập khẩu. Hiện nay, Chính phủ đang điều hành các chính sách than và năng lượng theo hướng thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch trong kinh doanh, từng bước phát triển thị trường than tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, than chất lượng cao sản xuất trong nước còn được xuất khẩu. Việc duy trì xuất khẩu các loại than cục cám chất lượng cao mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và Tập đoàn, nhất là trong việc vay vốn của TKV không cần bảo lãnh Chính phủ từ các tổ chức tài chính, tín dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc, giúp TKV có nguồn vốn với chi phí thấp để tái đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho các khách hàng trong nước, đặc biệt là cho các nhà máy nhiệt điện chạy than. Chính phủ đã đồng ý cho TKV xuất khẩu dài hạn đến hết năm 2025 các loại than chất lượng cao với khối lượng hàng năm do Bộ Công Thương cân đối.

Năng lượng Việt Nam: Ngành Than có nghiên cứu và kế hoạch gì để nâng cao sản lượng và giảm giá thành sản xuất than?

Ông Lê Minh Chuẩn: Từ nhiều năm nay, TKV đã có nhiều kết quả nghiên cứu và kế hoạch hành động để nâng cao sản lượng và giảm giá thành sản xuất than, cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới và áp dụng KHCN vào sản xuất.

TKV chú trọng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Từ năm 2010 và mới nhất là giai đoạn từ năm 2015 - 2020, TKV đề ra định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào 6 Chương trình KHCN trọng điểm sau (Quyết định số 2356/QĐ-TKV ngày 15/9/2016 của HĐTV):

1/ Cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản.

2/ Thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện.

3/ Phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản.

4/ Nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất.

5/ Tin học hóa, tự động hóa sản xuất; phát triển và tiết kiệm năng lượng.

6/ Nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KH&CN của Tập đoàn.

Đồng thời, TKV định hướng tập trung cao độ vào các chương trình cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa. Cụ thể, Đảng ủy Tập đoàn đề ra Nghị quyết số 19NQ/ĐU ngày 2/3/2017 về ứng dụng cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030; và Chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

Thứ hai, đổi mới quản trị doanh nghiệp, quản trị chi phí.

TKV tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng giữ vững và củng cố các ngành nghệ sản xuất đã được khẳng định vị thế, tiến tới cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn, tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết. Quyết liệt chỉ đạo ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo an toàn, giảm số lao động trong dây chuyền sản xuất. Tăng cường các biện pháp quản trị kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đảo quản lý, điều hành, đội ngũ chuyên gia kinh tế - kỹ thuật. Triển khai nghiêm túc quy chế khoán quản chi phí.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên.

Tăng cường các biện pháp quản lý để nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất than trong khai thác. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than trong khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than trong khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.

Năng lượng Việt Nam: Để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và cung cấp than, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế ngày càng tăng, TKV đã có định hướng, giải pháp gì và kiến nghị Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào?

Ông Lê Minh Chuẩn: Định hướng của Tập đoàn thực hiện tái cơ cấu các mỏ than theo hướng hợp nhất, sáp nhập các mỏ than liền kề để xây dựng mỏ than hầm lò có công suất tối thiểu 2 triệu tấn/năm, lộ thiên 3 triệu tấn/năm để tăng cường áp dụng cơ giới hoá, hiện đại hoá tăng năng suất lao động. Xây dựng chiến lược phát triển ngành than sau 2020 phù hợp với khả năng của TKV.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc cấp phép khai thác cho các mỏ riêng biệt, vì vậy việc hợp nhất, sáp nhập các mỏ đồng nghĩa với việc phải xin cấp phép lại tốn rất nhiều thời gian. TKV đề nghị Nhà nước xem xét cấp phép khai thác cho Tập đoàn để chủ động trong việc huy động tài nguyên, phục vụ cho việc áp dụng tin học hoá, hiện đại hoá các mỏ than.

Về chính sách thuế và phí đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng, vì vậy, để ổn định sản xuất TKV đề nghị Nhà nước xem xét giảm và giữ ổn định mức thuế và phí tương đương với các nước trong khu vực.

Về giá than đã được Chính phủ cho áp dụng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để tránh việc tồn kho cao như năm 2016 khi giá than thế giới thấp hơn giá than trong nước (do chính sách hỗ trợ xuất khẩu của các nước xuất khẩu than) các hộ sử dụng than nhập khẩu than để sử dụng làm cho than trong nước tồn kho gây khó khăn cho TKV. Ngược lại, khi giá than thế giới tăng cao, các hộ sử dụng than quay trở lại sử dụng than trong nước làm cho sản xuất của TKV không đáp ứng nhu cầu các hộ sử dụng than (gây tình trạng thất thoát tài nguyên do buôn lậu gian lận thương mại).

Năng lượng Việt Nam: Tái cơ cấu là vấn đề lớn. Xin ông cho biết kết quả đạt được của TKV trong thời gian qua? Và để tiếp tục thực hiện tốt vấn đề tái cơ cấu theo Đề án của Chính phủ phê duyệt, TKV đã, đang và triển khai thực hiện các giải pháp gì thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2012-2015. Về cổ phần hóa doanh nghiệp, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 11/11 doanh nghiệp (đạt 100% kế hoạch). Trong số này có 3 tổng công ty có quy mô lớn về vốn, lao động, số lượng đơn vị thành viên, địa bàn hoạt động. Tổng số tiền thu về từ cổ phần hóa ước đạt 443,4 tỷ đồng.

Về tăng tỷ lệ sở hữu của TKV tại các công ty cổ phần sản xuất than, sắp xếp doanh nghiệp và thoái vốn, quản trị nội bộ, TKV đã thực hiện thành công việc tăng tỷ lệ nắm giữ tại 2/8 đơn vị sản xuất than nhằm đảm bảo quyền chi phối tối đa của TKV trong chỉ đạo điều hành đơn vị để đảm bảo sản lượng than theo Quy hoạch phát triển ngành than. Số đơn vị còn lại tạm thời chưa tăng nhằm phù hợp tình hình thực tế cũng như giảm tối đa chi phí đầu tư của TKV trong giai đoạn này.

TKV cũng hoàn thành chuyển đổi 10 công ty con sản xuất than thành chi nhánh của TKV để nâng cao năng lực sản xuất của Công ty mẹ - Tập đoàn.

Đồng thời, hoàn thành thoái vốn tại 7 công ty con, 6 công ty liên kết và 9 công ty cháu. Tổng giá trị thu về từ thoái vốn được 2.363 tỷ đồng, lãi 421,8 tỷ đồng. Trong đó, TKV đã hoàn thành sớm việc thoái vốn tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Trong thời gian qua, TKV đã tích cực triển khai áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ, hoàn thiện cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới và tái cơ cấu chất lượng lao động. Kết quả, giai đoạn 2012-2015, TKV đã giảm được 8.254 lao động; riêng năm 2015 TKV đã giảm tuyệt đối được 5.656 lao động.

Về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020. Kết quả thực hiện đến hết tháng 5/2018 như sau:

Cổ phần hóa: đối với Công ty mẹ - TKV, chúng tôi đã triển khai các bước để chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV (theo kế hoạch thực hiện năm 2019), đồng thời báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV (dự kiến thời điểm xác định giá trị DN 1/1/2019).

Đối với Công ty con, TKV đã phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2018 đối với 2 đơn vị, đồng thời ban hành Quyết định cổ phần hóa 1 đơn vị (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải), 1 đơn vị đang hoàn thiện phương án sử dụng đất báo cáo cấp có thẩm quyền.

Về thoái vốn và tái cơ cấu khác, TKV tiếp tục thực hiện thoái vốn ngoài ngành tại 2 đơn vị, trong đó đã thu hồi 93% vốn góp tại tại 1 đơn vị (Quỹ đầu tư BIDV-Partner), số vốn góp còn lại sẽ thu hồi nốt trong năm 2018. TKV đã tiếp xúc và ký Biên bản ghi nhớ với đối tác quan tâm nhận chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà. Hai bên đang tích cực triển khai các bước tiếp theo.

TKV đã triển khai kế hoạch thoái vốn trong ngành tại 19 đơn vị, đã thoái được 65% vốn tại 1 đơn vị, các đơn vị còn lại đang triển khai thủ tục để thực hiện trong năm 2018. Đồng thời, triển khai sáp nhập 2 chi nhánh, hợp nhất 2 chi nhánh trực thuộc, chuyển 1 chi nhánh trực thuộc về đơn vị cấp II quản lý trực tiếp kể từ 1/1/2018. Hoàn thành giải thể 1 doanh nghiệp tại nước ngoài. Tiếp tục triển khai thủ tục phá sản tại 1 doanh nghiệp. Và thực hiện việc tăng vốn thành công lên mức 65% tại 2 đơn vị, 4 đơn vị còn lại đang triển khai thủ tục.

Bên cạnh đó, TKV đã thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực SXKD giai đoạn 2016-2020, tăng cường triển khai ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào SXKD, xã hội hóa các công đoạn sản xuất phụ trợ. Tiếp tục tái cơ cấu tiết giảm lao động (năm 2016 TKV tiết giảm được 5.704 người, năm 2017 tiết giảm được 6.127 lao động).

Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cảm ơn Ông!

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động