Truyền tải điện: Cần tính đến thời điểm thị trường phát triển
17:00 | 22/10/2014
Những vấn đề đặt ra khi thực hiện tái cơ cấu ngành Điện
Bốn phương án cân đối nguồn điện năm 2015
Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam: Một mốc son lịch sử
HẢI VÂN
Cần thêm 4 - 6 đường dây 500kV
Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam, đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1.600-1.800MW, với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành.
Theo ông Xavier Denoly, Tổng giám đốc Công ty Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, hệ thống đã được xây dựng và vận hành, thách thức hiện nay là bảo dưỡng để có thể tiếp tục vận hành một cách an toàn.
Các giải pháp xung quanh hệ thống phân phối điện là một trong những thế mạnh của Schneider Electric, với những kinh nghiệm, giải pháp ở các thị trường như Mỹ, Trung Quốc.
Với những kinh nghiệm của tập đoàn quản lý năng lượng toàn cầu, ông Xavier Denoly cho hay “sẽ tiếp tục đầu tư vào hệ thống truyền tải điện của Việt Nam”.
Thực tế, đường dây 500kV Bắc - Nam đang chịu áp lực rất lớn, nhất là khi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đặt mục tiêu đến năm 2015, sản lượng truyền tải điện từ 145-150 tỷ kWh/năm, đến 2020 sản lượng truyền tải điện từ 265-275 tỷ kWh/năm.
Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hết năm 2013, EVN NPT chỉ khởi công được 37/47 công trình được phê duyệt, dù tổng giá trị đầu tư xây dựng lên tới 16.440 tỷ đồng, mức lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2014, vốn và giải phóng mặt bằng tiếp tục là những khó khăn chính ảnh hưởng đến kế hoạch thu xếp vốn cho 66 dự án, có tổng mức đầu tư 38.069 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc các nhà máy điện quy mô lớn được xây dựng mới chủ yếu tập trung ở miền Trung, trong khi trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn nhất lại ở phía Nam, tới đây sẽ là thách thức rất lớn, trong bối cảnh Việt Nam chưa tính đến việc xây dựng đường dây siêu cao áp.
Theo Quy hoạch điện VII, để tải điện từ 2 nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam phải xây dựng 4 đường dây 500kV, cùng với thủy điện tích năng và một số trung tâm nguồn khác ở khu vực miền Trung, Việt Nam cần thêm khoảng 2 đến 4 đường dây 500kV nữa.
Việt Nam có đặc điểm địa lý là đất hẹp, nếu phải xây dựng từ 4 đến 6 đường dây 500kV sẽ mất nhiều diện tích đất. Do vậy, vấn đề đường dây siêu cao áp 1.000kV hay khác nữa rất cần được nghiên cứu để có thể sẽ là một trong những phương án thay thế đường dây 500kV.
Tuy nhiên, để đưa ra được phương án này, các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống truyền tải phía Nam Việt Nam, sau đó so sánh giữa phương án sử dụng đường dây siêu cao áp với phương án sử dụng các đường dây 500kV thì mới có thể kiến nghị lựa chọn phương án nào.
Ngoài ra, cần đánh giá mức độ suy giảm nhu cầu điện năng do suy giảm kinh tế vì từ thời điểm lập Quy hoạch điện VII năm 2009 đến nay đã có nhiều thay đổi.
Nhìn từ Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản đều có địa hình, địa lý giống nhau dài từ Bắc đến Nam, do đó có đặc điểm tương đồng về xây dựng hệ thống truyền tải điện.
Nhật Bản đã xây dựng đường dây siêu cao áp, tuy nhiên ở thời điểm mạng lưới điện đã hình thành, do đó không phát huy đầy đủ tính năng, hiệu quả.
Mặt khác, năm 2012, khi Nhật Bản đang tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng và khả năng cung cấp điện năng trong tương lai nhưng thấy rằng trong dài hạn, khả năng nhu cầu tăng ít xảy ra nên mặc dù đường dây 1.000kV đã được xây dựng, nước này sẽ tiếp tục vận hành với công suất 500kV.
Bên cạnh đó, việc đền bù đất đai để xây dựng các đường dây công suất tải lớn ở Nhật Bản cũng mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, chẳng hạn lúc đầu khu vực phát triển nguồn điện được dự trù có nhu cầu cao về điện, sau đó một số cơ sở doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài hoạt động nên nhu cầu giảm đi.
Một chuyên gia năng lượng của Nhật Bản khuyến cáo Việt Nam cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu điện năng để có dự trù phù hợp.
Về đường dây siêu cao áp, để đảm bảo sự hữu hiệu, cần phải tính cho thời điểm thị trường sẽ phát triển chứ không phải đã phát triển, nói cách khác cần tính toán theo độ hướng của thị trường.
“Nhật Bản hiện đang sở hữu công nghệ siêu cao áp, nhưng các công nghệ này không phải có ý nghĩa với mọi quốc gia”, vị này nói.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Takehiko Nakao khẳng định: Từ trước đến nay ngành điện luôn là một lĩnh vực then chốt. Năm nay chúng tôi thay đổi trọng tâm hỗ trợ sang mạng lưới truyền tải điện để ổn định mạng lưới điện.
NangluongVietnam.vn