RSS Feed for Phân xưởng tuyển than 2 (than Cửa Ông): 40 năm xây dựng và phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 12:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phân xưởng tuyển than 2 (than Cửa Ông): 40 năm xây dựng và phát triển

 - Vào ngày này cách đây 40 năm, nhằm tập trung trí lực giải quyết các khâu trọng yếu, tạo sự ổn định cho toàn bộ dây chuyền sản xuất và cũng nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV - 20/8/1980), Đảng uỷ lãnh đạo xí nghiệp Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV chính thức đưa hệ thống dây chuyền mới vào sản xuất. Hệ thống này bao gồm: Một hệ thống máy bốc đánh đống băng tải do Nhật xây dựng; Hệ thống đầu máy Điêzen, TY 7 E và toa xe có trọng tải 20 và 30 tấn để kéo mỏ. Và 1 nhà máy tuyển do Ba Lan xây dựng với công suất 3,6 triệu tấn than vào sàng/năm. Thiết bị chính là máy lắng và máy tuyển DISA trong môi trường huyền phù nặng. Đó chính là Phân xưởng tuyển than 2.

Than Cửa Ông: Lá cờ đầu của ngành Than Việt Nam


Nhà máy hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, chính thức được khởi công xây dựng từ năm 1971, nhưng do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở thành thời kỳ đồ đá”, ngày 15/12/1972, cảng Cửa Ông lại trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của địch. Cuộc đọ sức diễn ra quyết liệt suốt 7 tháng trời nên máy móc thiết bị phải vận chuyển đi sơ tán nhiều lần, quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, miền Bắc bước sang 1 giai đoạn mới “khôi phục và phát triển kinh tế ”. Đáp lời kêu gọi của Trung ương Đảng, cán bộ công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông không 1 phút nghỉ ngơi, lại bắt tay ngay vào phục hồi sản xuất sau chiến tranh, nên mãi tới năm 1980, Phân xưởng Tuyển than 2 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Phân xưởng tuyển than 2.

Ngày 20/7/1980 - cách đây gần 40 năm, ông Nguyễn Đức Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã cắt băng khánh thành đưa một nhà máy - hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ chính thức đi vào hoạt động. Đến dự có Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam.

Tuy nhiên, giai đoạn 10 năm đầu thành lập (1980 - 1990), là giai đoạn đầy khó khăn trong việc tổ chức chỉ huy sản xuất và quản lý máy móc thiết bị. Với tổng số CBCN là 356 người, trong đó có 4 kỹ sư, 17 trung cấp, còn lại đa số là lao động phổ thông.

Vào thời điểm đó, Phân xưởng với thiết bị hiện đại, nhưng do đào tạo gấp lực lượng công nhân vận hành, nên còn hạn chế nhiều mặt. Mặt khác, thiết bị rửa trong phân xưởng chưa đưa vào sử dụng được vì kỹ thuật còn nhiều vấn đề chưa giải quyết dứt điểm. Vì vậy, gây hạn chế rất lớn cho kế hoạch hoàn thành chỉ tiêu than cục. Mặc dù CBCN đã có nhiều cố gắng, song sản lượng lúc bấy giờ (năm 1980) chỉ đạt 1.550.000 tấn than vào sàng. Sản lượng than sạch xuất ra chủ yếu than cám khô chất lượng thấp.

Năm 1982, CBCN Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông bước vào thực hiện kế hoạch của Đảng và Nhà nước trong khí thế thi đua sôi sục, phấn khởi, vì vừa giành được thắng lợi tốt đẹp kế hoạch sản xuất năm 1981.

Bằng biện pháp tích cực, Xí nghiệp đã tập trung lực lượng, giải quyết cải tiến khâu thiết bị của Phân xưởng: Từ chạy huyền phù chuyển sang rửa lắng, làm thêm máy đập đá cỡ 100 mm trở lên để tuyển hết sản phẩm. Về quản lý lao động, Phân xưởng đã tiến hành rà soát, bố trí lao động phù hợp với trình độ tay nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động của nhà máy.

Năm 1986, bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi               xướng và lãnh đạo, Phân xưởng cũng như Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp để lại. Vì vậy, năng suất và hiệu quả lao động thấp, công suất thiết bị chưa phát huy đầy đủ, gây lãng phí trong qúa trình sản xuất.

Sớm dự đoán được nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng, năm 1989, Xí nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ cho Phân xưởng TT2 theo công nghệ của Úc, nâng cấp hệ thống máy lắng, hệ thống sàng phân loại than sạch, hệ thống tuyển than bằng xoáy lốc huyền phù và hệ thống bùn nước. Đây là dây chuyền tuyển tương đối hiện đại, có công nghệ mềm dẻo thích ứng được với sự biến động về tính chất than nguyên khai và có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của khách hàng về chất lượng cũng như số lượng các chủng loại sản phẩm.

Năm 2003, trong dự án GAP do Nhật Bản tài trợ đã cải tạo 3 hệ thống máy lắng, nâng công suất máy lắng từ 220 tấn/giờ lên 290 tấn/giờ. Lắp đặt hệ thống quan sát tập trung, hệ thống điều khiển tự động của máy lắng và bộ phận đo tỷ trọng huyền phù. Với máy lắng thế hệ mới này, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, tăng tỷ lệ thu hồi than sạch, chất lượng đá thải đảm bảo.

Năm 2004, nhà máy hoàn thành công nghệ tuyển cục - 50mm bằng xoáy lốc huyền phù. Công trình được gắn biển chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng khu mỏ (25/4/1954 - 25/4/2004), được Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen.

Hiện tại, với dự án cải tạo sàng 312 (thay thế sàng cũ bằng sàng đa dốc)… cùng các dự án nâng cấp tự động hóa máy móc thiết bị cho các năm tiếp theo giúp cho phân xưởng ngày càng tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân sự đáp ứng nhu cầu ngày càng cao thời kỳ CNH-HĐH.  

Song song với việc đầu tư công nghệ là phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CBCNV nhà máy. Công nghệ được hợp lí hóa và phù hợp với yêu cầu sản xuất chân hàng theo kinh tế thị trường. Nhờ vậy, Phân xưởng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Hiện tại Phân xưởng tuyển than 2 đạt năng suất 6,5 triệu tấn than qua sàng/năm.

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sản xuất, CBCN Phân xưởng tuyển than 2 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng Ba (giai đoạn 1991-1995), Huân chương lao động hạng Nhì…  khẳng định bước phát triển và trưởng thành của đội ngũ CBCN nhà máy, đã chủ động tiến quân làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ nhà máy, để vững bước trên con đường “Hội nhập và phát triển” của  đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh sự đầu tư về công nghệ sản xuất, phân xưởng còn luôn quan tâm đến công tác AT - BHLĐ, chăm lo sức khoẻ và cải thiện điều kiện làm việc cho CBCN.

Công ty cũng như phân xưởng luôn quan tâm đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tổ chức cho CBCN đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH.

Do đó, đội ngũ CBCNV trong Phân xưởng luôn phát triển lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Mặt khác, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động cũng được quan tâm chu đáo.

Đến nay, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà ăn tập thể khang trang sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu chất lượng phục vụ bữa ăn cho CBCNV trong Phân xưởng; 100% sử dụng nước uống bằng nước lọc tinh khiết. Thu nhập bình quân của người lao động năm sau đều cao hơn so với năm trước.

Trong chặng đường phát triển tiếp theo, tập thể CBCN Phân xưởng tiếp tục phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm" của thợ mỏ, tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử mới, xây dựng Công ty phát triển toàn diện và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH, góp phần khẳng định vị thế của Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV  và đất mỏ Quảng Ninh Anh hùng trên con đường hội nhập và phát triển./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động