RSS Feed for Sự cần thiết của nhà máy điện ICE và ứng dụng trong tương lai của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 17:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sự cần thiết của nhà máy điện ICE và ứng dụng trong tương lai của Việt Nam

 - Ngày 7/10/2020, tại Hà Nội, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và Tập đoàn Wartsila Energy, đã tổ chức Lễ công bố báo cáo "Sự cần thiết của các nhà máy điện động cơ đốt trong linh hoạt (ICE) và các ứng dụng trong hệ thống điện tương lai của Việt Nam".


Wartsila - Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông minh


Báo cáo do Viện Năng lượng thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia năng lượng từ Phần Lan nhằm nghiên cứu cách thức các nhà máy điện linh hoạt có thể hỗ trợ hệ thống điện của Việt Nam trong những năm tới.

Lễ công bố báo cáo "Sự cần thiết của các nhà máy điện động cơ đốt trong linh hoạt và các ứng dụng trong hệ thống điện tương lai của Việt Nam".

Báo cáo đề cập đến những thách thức hiện tại mà hệ thống điện của Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện cao, tình trạng thiếu điện, tích hợp năng lượng tái tạo, và tiềm năng ứng dụng của các nhà máy điện ICE trong quy hoạch phát triển điện lực của Việt Nam trong tương lai.

Báo cáo đánh giá các kịch bản trong các giai đoạn khác nhau: Dài hạn (2020 - 2050), trung hạn (2020 - 2030) và ngắn hạn (2020 - 2025).

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam - Kari Kahiluoto.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Kari Kahiluoto chia sẻ: Đại sứ Phần Lan đã và đang hợp tác chặt chẽ với các công ty năng lượng lớn của Phần Lan và các cấp bộ, ngành chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam nhằm thúc đẩy việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và sạch. Việc này đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam vì đây là quốc gia này nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

Wartsila là đơn vị tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững và đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng. "Tôi mong muốn được thấy các giải pháp của Wartsila song hành với việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng, tạo ra sự tăng trưởng năng lượng bền vững của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển tại đây" - Ông Kari Kahiluoto nhấn mạnh.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời có ưu điểm là nguồn điện sạch, không phát thải, nhưng cũng mang lại không ít thách thức cho vận hành hệ thống điện.

Cụ thể, điện gió và điện mặt trời là các nguồn biến đổi, với đặc trưng là biến thiên liên tục, bất định và khó dự báo, yêu cầu dự phòng cao. Cao nguồn điện gió và điện mặt trời có hệ số công suất thấp, đặc biệt là các nguồn điện mặt trời chỉ phát công suất vào ban ngày và không đóng góp công suất trong giờ cao điểm tối.

Những thách thức trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường sự linh hoạt trong hệ thống điện, bên cạnh các giải pháp phát triển các nguồn thủy điện tích năng, pin tích trữ năng lượng, tua bin khí chu trình đơn,… một trong những biện phát có thể xem xét là sử dụng các động cơ đốt trong linh hoạt sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng LNG, gọi tắt là ICE.

Các nguồn ICE thế hệ mới có ưu điểm có hiệu suất cao và phát thải thấp hơn so với các động cơ Diesel truyền thống, có thể khởi động nhanh và thay đổi công suất nhanh chóng. Các tổ máy phát được lắp đặt theo mô-đun ghép nối giúp giảm thời gian xây dựng, lắp đặt và giảm diện tích chiếm đất.

Nghiên cứu về khả năng áp dụng các nguồn động cơ đốt trong linh hoạt ICE trong hệ thống điện Việt Nam là một trong những đề án bổ trợ cho việc lập Quy hoạch điện 8, được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa Đại sứ quán Phần Lan và Viện Năng lượng; Nghiên cứu có sự tham gia của Tập đoàn Wartsila - là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp động cơ đốt trong linh hoạt.

Với đội ngũ tư vấn là các chuyên gia của Viện Năng lượng giàu kinh nghiệm về quy hoạch hệ thống điện và các công cụ phần mềm tiên tiến như Balmorel, PLEXOS, đề án nghiên cứu đã thu được những kết quả tích cực. Các kết quả này đã được sử dụng trong quá trình lập Quy hoạch Điện quốc gia với đề xuất đưa vào vận hành khoảng 600 MW nguồn điện ICE trong giai đoạn 2022 - 2025 và tăng lên 2.000 MW năm 2030 để đảm bảo vận hành cho hệ thống điện có tích hợp với tỷ trọng cao nguồn điện gió và điện mặt trời.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Wärtsilä.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Wartsila cho biết: Các nhà máy điện ICE có thể đóng góp một vai trò quan trọng trong các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức mà hệ thống điện Việt Nam đang phải đối mặt. Trong giai đoạn ngắn hạn, các nhà máy điện ICE có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng một cách hiệu quả, và về lâu dài các nhà máy này có thể cung cấp nguồn dự trữ và cân bằng năng lượng tái tạo cho hệ thống điện, hướng quá trình chuyển đổi tới một tương lai có tỉ trọng năng lượng tái tạo cao.

Các nhà máy điện động cơ ICE của Wartsila được thiết kế theo mô-đun và có thể được xây dựng nhanh chóng (trong vòng 12 tháng) để cung cấp nguồn điện cần thiết một cách nhanh chóng. Đồng thời, những nhà máy này được biết đến rộng rãi với độ linh hoạt cao khi có thể hoà lưới trong vòng chưa đầy 30 giây kể từ khi khởi động và có thể đạt đầy tải trong vòng chưa đầy 2 phút. Cùng với hệ thống pin tích trữ năng lượng, các nhà máy điện ICE có thể giúp cân bằng nguồn năng lượng tái tạo, duy trì độ ổn định và độ tin cậy cũng như tối ưu hóa hệ thống điện./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động