RSS Feed for Tiến độ dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 ‘không thể chậm hơn’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 17:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiến độ dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 ‘không thể chậm hơn’

 - Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện xây dựng, phát điện thương mại trong quý 2 và quý 3 năm 2021, vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nguồn lực nhằm không để dự án chậm hơn.


Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


Sau khi đi khảo sát thực địa và làm việc tại các dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Sông Hậu 2 (BOT), hồi cuối tháng 5/2020, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực) đã có kết luận một số nội dung về các dự án này.

Thứ nhất: Các dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 và Sông Hậu 2 (BOT) với tổng công suất hơn 3.360 MW có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống điện ngay trong những năm sắp tới, khi đi vào vận hành sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh phía Nam, do đó cần đẩy nhanh tiến độ không để chậm hơn được nữa. Việc phối hợp cần phải chặt chẽ đặc biệt sự phối hợp giữa 2 Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), chủ đầu tư Nhiệt điện Sông Hậu 2 (BOT) và các cơ quan quản lý nhà nước để triển khai dự án có hiệu quả.

Thứ hai: Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện xây dựng, phát điện thương mại trong quý 2 và quý 3 năm 2021, vì vậy, yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nguồn lực nhằm không để dự án chậm hơn.

Với dự án BOT Sông Hậu 2 trong giai đoạn hoàn thiện bộ hợp đồng BOT, yêu cầu nhà đầu tư tích cực hoàn chỉnh các nội dung đã thống nhất để có thể chuẩn bị cho công tác thu xếp vốn, hoàn thành các thủ tục chuẩn bị khởi công xây dựng dự án.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như sau:

1/ Về Bàn giao sân phân phối 500 kV:

Việc chậm đóng điện và vận hành sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu (tuy đã được hoàn thành xây dựng hạng mục trong 3/2020) đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch chạy thử đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Hiện nay dự án đang phải chạy thử bằng nguồn điện 22 kV duy nhất từ địa phương, không đủ công suất để chạy các động cơ, hệ thống công suất lớn như quạt IDF, các hệ thống bơm nước làm mát chính, bơm cấp nước lò hơi… dẫn đến nguy cơ không thể hoàn thành các mốc chính, gây chậm trễ tiến độ hoàn thành dự án.

Để không ảnh hưởng tiến độ của dự án và phù hợp với biên bản thống nhất giữa EVN và PVN (ngày 3/3/2020) cũng như phù hợp chỉ đạo của Bộ Công Thương, do việc xác định giá trị tài sản cuối cùng của sân phân phối 500 kV mà EVN hoàn trả cho PVN phải được thanh quyết toán, kiểm toán chặt chẽ nên sẽ mất nhiều thời gian hoàn thiện, việc bàn giao tài sản chính thức giữa 2 bên còn nhiều thủ tục quy định. Vì vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu EVN và PVN ký hợp đồng vận hành sân phân phối 500 kV ngay sau khi kết thúc đóng điện 72 giờ thành công, để đảm bảo cung cấp điện đủ cho thí nghiệm, chạy thử các hạng mục trong nhà máy, tránh làm ảnh hưởng chậm tiến độ của nhà máy.

2/ Về thỏa thuận cơ sở hạ tầng dùng chung:

Đề nghị chủ đầu tư các dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 và BOT Sông Hậu 2 tiếp tục phối hợp khẩn trương thỏa thuận các vấn đề còn tồn tại của thỏa thuận các công trình và dịch vụ dùng chung (SFSA) sao cho chia sẻ chi phí công bằng, minh bạch và sử dụng cơ sở hạ tầng được hiệu quả, an toàn.

3/ Chủ đầu tư Nhiệt điện Sông Hậu 2:

Khẩn trương làm việc với Bộ Công Thương về 2 vấn đề vướng mắc còn lại đối với hợp đồng BOT, hoàn tất các thỏa thuận liên quan đến dự án theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để chủ đầu tư thực hiện bước thu xếp vốn và có thể khởi công đầu năm 2022.

Mặt khác, tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về hợp đồng thuê đất như các dự án BOT khác. Trong trường hợp có vướng mắc báo cáo ngay Bộ Công Thương để kịp thời giải quyết.

4/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Đối với dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, sớm đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện PPA với EVN, đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý dự án thanh toán khối lượng cho nhà thầu theo quy định để nhà thầu có năng lực tài chính tiếp tục triển khai dự án.

5/ Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo:

Sớm xem xét, có ý kiến về điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hạng mục đường vào Trung tâm Điện lực Sông Hậu và đấu nối giao thông thuộc dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu.

Cùng với đó là kịp thời đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 theo đề nghị của chủ đầu tư về những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ để đảm bảo tiến độ.

6/ Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực:

Theo dõi, đôn đốc tiến độ các dự án, phối hợp các cục thuộc Bộ Công Thương và các bộ có liên quan trong Ban Chỉ đạo để đôn đốc đề xuất giải quyết các vướng mắc và tổng hợp trong báo cáo định kỳ, đột xuất khi được yêu cầu. Tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét giao nhiệm vụ cho các bộ: Xây dựng, Tài chính giải quyết một số nội dung vướng mắc của dự án đã tồn tại quá lâu (theo báo cáo của PVN) nhưng chưa được trả lời, giải quyết theo thẩm quyền./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động