RSS Feed for Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 02:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 2)

 - 45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành điện tỉnh Kiên Giang từ chỗ thiếu điện trầm trọng, đến nay, lưới điện quốc gia đã phủ sóng gần như toàn bộ, từ đất liền đến các đảo xa xôi, góp phần quan trọng vào sự phát triển đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của của tỉnh.


Điện lưới quốc gia đồng hành cùng phát triển với tỉnh Kiên Giang (Kỳ 1)


KỲ 2: ĐIỆN KHÍ HÓA NÔNG THÔN LÀM THAY ĐỔI DIỆN MẠO QUÊ HƯƠNG

Qua 10 (2010-2020) năm xây dựng nông thôn mới, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng) như được “thay da đổi thịt”. Nhìn những hàng cột điện thẳng tắp dọc theo các con đường bê tông trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp Xẻo Kè A, xã Thạnh Yên, phấn khởi: “Quê hương thay đổi được như ngày nay có thể nói khởi đầu từ ngày có điện lưới quốc gia. Nhớ trước đây, người dân phải sài đèn dầu thắp sáng, đường đất thì lầy lội, đời sống vô vàn khổ cực. Tôi không nghĩ có ngày gia đình mình được trang bị đầy đủ các thiết bị điện hiện đại như tủ lạnh, ti vi, máy điều hòa, nồi cơm điện… phục vụ sinh hoạt”.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, năm 1997, xã Thạnh Yên được kéo điện lưới quốc gia. Từ khi có điện đến nay, những tuyến đường liên ấp, liên xã được đổ bê tông rộng và đẹp hơn. Các công trình phúc lợi, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Đời sống người dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Hình ảnh những ngọn đèn dầu leo loét, những đoạn đường đất lầy lội mỗi khi mưa xuống hay lũ về, những chiếc cầu “khỉ” chênh vênh hay những cây cầu ván tạm bợ, liêu xiêu bắc qua con kênh đã trở thành ký ức một thời của người dân nơi đây.

Ông Trần Thanh Cường - Huyện ủy viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Yên chia sẻ: “Từ khi có điện lưới quốc gia, ngoài chú trọng phát triển nông nghiệp, xã Thạnh Yên chú trọng phát triển kinh tế trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Năm 2019, toàn xã hiện có trên 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tăng 30 cơ sở so năm 2010. Các ngành nghề phát triển khá như sản xuất nước đá, nước uống đóng chai và các dịch vụ sửa chữa cơ khí như: Hàn, tiện, nhôm, sắt, mộc gia dụng, vật liệu xây dựng…. cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân trong xã và một số xã lân cận”. 

Ngoài ra, năm 2019, toàn xã còn có 480 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tăng 123 cơ sở so năm 2011; 471 hộ làm nghề dịch vụ và thương mại mua bán nhỏ, tăng 352 hộ góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động tại địa phương.

Tạo đà cho nông nghiệp phát triển

Sáng sớm, trên cánh đồng rộng hơn 206ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thuận Phát, xã Thuận Hòa (Giồng Riềng) nhộn nhịp tiếng máy gặt đập liên hợp hòa cùng tiếng cười của những công nhân thu hoạch lúa. Đưa máy gặt đập xuống ruộng là thành công lớn của bà con nông dân nơi đây. Bởi những mùa vụ trước ruộng lún, nước nhiều không thể cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhờ trạm bơm điện, ruộng thiếu nước trạm bơm cung ứng, trước khi cắt lúa trạm bơm điện rút nước ra cho đồng ruộng khô ráo, tạo điều kiện cho máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.

“Chi phí sản xuất lúa giảm bắt đầu từ trạm bơm nước” - anh Tiều Công Hòa, thành viên Hợp tác xã Tân Thuận Phát khẳng định. Chỉ tay về phía bờ kinh Hội Đồng, anh Hòa thông tin: “Chính cái trạm bơm bằng điện đó mà thành viên chúng tôi giảm được chi phí bơm tát nước rất nhiều. Trước đây, mỗi hộ một máy bơm và phải thức canh bơm nước từ 15 - 18 ngày/vụ, chi phí từ 40 - 50 lít dầu/vụ/ha. Nay chỉ đóng khoảng 100.000 đồng tiền điện/vụ/ha mà không phải thức canh châm nước, châm dầu cho máy chạy, hết lo đập bể, nước mọi nên chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng”.

Cùng hưởng lợi từ nguồn điện lưới quốc gia, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành Công (Châu Thành) có 164ha của 76 thành viên đang ngả màu vàng tươi đẹp như tấm thảm hoa vàng. Ông Huỳnh Văn Tập - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành Công cho biết: “Năm nay, lúa trúng mùa nhất kể từ khi thành lập hợp tác xã đến nay. Trong sản xuất lúa, từ khâu bơm tát nước, làm đất, chọn giống, sử dụng vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm đều rất bài bản và có mối liên kết chặt chẽ. Việc đầu tiên các thành viên đồng lòng là lập trạm bơm tát nước tập trung bằng điện lưới. Khi thấy lợi ích từ bơm tát nước tập trung nhiều hộ dân xin làm thành viên và tuân thủ các quy định của hợp tác xã”.

Đưa điện về vùng nuôi tôm

Từ quốc lộ 80, chúng tôi rẽ vào con đường đổ bê tông, trong vùng nuôi tôm xã Kiên Bình (Kiên Lương) thấy có nhiều trạm biến áp điện 3 pha phục vụ nuôi tôm. Chỉ vào dàn quạt mới đang chạy để cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi, ông Phạm Văn Phương, ngụ ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình (Kiên Lương) cho biết: “Từ khi có điện 3 pha phục vụ nuôi tôm đến nay, tôi chuyển vuông nuôi tôm bán thâm canh thành vuông nuôi tôm công nghiệp. Trước đây, chạy máy dầu, máy phát điện để chạy quạt nước nên năng suất tôm nuôi không đạt. Từ khi sử dụng điện chạy quạt lượng ôxy đủ nên năng suất tôm đạt cao. Mỗi vuông nuôi tôm rộng từ 3.000 - 4.000m2, thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn tôm nuôi, tăng từ 1 - 1,5 tấn/vuông so sử dụng máy phát điện hay máy dầu”.

Điện phục vụ nuôi tôm đạt năng suất cao hơn nhiều so với sử dụng máy phát điện hay máy dầu.

Để đáp ứng nhu cầu về điện cho người dân nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nhiều năm qua, Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) tăng cường phối hợp các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh để cấp điện cho người dân nuôi tôm theo quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. PC Kiên Giang tập trung cải tạo lưới điện hiện hữu (nâng tiết diện dây dẫn, nâng cấp từ 1 pha lên 3 pha…) tại các khu vực quy hoạch nuôi tôm hoặc các khu vực có nhiều hộ nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch.

Theo ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc PC Kiên Giang: “Đến nay, việc cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp của tỉnh đã được cải thiện. Tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây dẫn điện đã khắc phục, góp phần hỗ trợ bà con giảm chi phí nuôi tôm chạy quạt bằng điện so sử dụng xăng, dầu dùng cho máy nổ chạy quạt nước như trước đây”.

Ngoài nỗ lực của PC Kiên Giang, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ nhiều mặt cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, trong đó có hỗ trợ đầu tư hệ thống điện trung thế và các trạm biến áp cho nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp. Mỗi năm, từ nguồn ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 30 tỷ đồng.

Kéo điện phục vụ bơm tát nước cho các đơn vị kinh tế tập thể và phục vụ ngành nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, dòng điện quốc gia tiếp sức và tạo đà, giúp ngành nông nghiệp của tỉnh phát huy nội lực, từng bước hoàn thiện, sẵn sàng hội nhập và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Theo Công ty Điện lực Kiên Giang, công tác quản lý điện nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Công ty đã bán điện trực tiếp đến các khách hàng thuộc khu vực nông thôn trên 282.000/506.000 (hiếm trên 56% tổng số khách hàng đang quản lý). Năm 2019, toàn tỉnh có 145/145 xã, phường, thị trấn có điện đạt tỷ lệ 100%. Số hộ dân có điện là 425.992/428.795 hộ, đạt tỷ lệ 99,35%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 306.954 hộ, đạt tỷ lệ 99,23%.

Kỳ 3: Tạo đà cho du lịch phát triển

THÙY TRANG - PC KIÊN GIANG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động