RSS Feed for Các đơn vị của EVN NPC nỗ lực phát triển lưới điện nông thôn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 18:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các đơn vị của EVN NPC nỗ lực phát triển lưới điện nông thôn

 - Nhằm đảm bảo an toàn, cung cấp điện ổn định trong sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo, các đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) luôn không ngừng đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện.

>> EVN NPC sẽ hoàn tất triển khai hóa đơn điện tử vào năm 2015
>> EVN NPC cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sáu tháng đầu năm
>> EVN NPC giúp doanh nghiệp tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng

Thời gian gần đây, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tích cực huy động mọi nguồn vốn, đồng thời tuyên truyền và huy động sự đóng góp ủng hộ của nhân dân, để cải thiện mạng lưới điện nông thôn.

Cụ thể, mạng lưới điện trung thế trong thời kỳ này đã tăng số lượng đường dây đến các trung tâm huyện và thị trấn; đường dây trung thế được nâng cấp để đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng của đường truyền, giảm được tổn thất về điện. Bên cạnh đó, Công ty đã triển khai thực hiện các dự án cải tạo tối thiểu lưới điện hạ thế nông thôn nên mạng lưới điện nông thôn của tỉnh ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực.

Tính đến nay, Công ty Điện lực Thái Nguyên đang quản lý, vận hành 2.168km đường dây trung thế và 7.183km đường dây hạ thế, cùng với 1.938 trạm biến áp phân phối, với tổng công suất lắp đặt trên 900.000 KVA và 7 trạm biến áp trung gian, với tổng công suất lắp đặt gần 46.000 KVA. Hiện, 100% số xã của tỉnh đã có điện, số hộ dân nông thôn có điện là gần 24.000 hộ, chiếm 99,18%.

Với Công ty Điện lực Thanh Hóa, nỗ lực xóa các bản “trắng điện” đang đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Do phải quản lý lưới điện trải rộng đến 27 đơn vị hành chính cấp huyện và 636 xã, phường, thị trấn, trong đó có 192 xã miền núi. Trong khi đó, hạ tầng lưới điện chủ yếu được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ XX, đến nay đã xuống cấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện hàng năm luôn tăng trên 10%.

Xác định được những khó khăn, thách thức, Lãnh đạo Công ty thường xuyên có sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, huy động sự đồng lòng nhất trí của cán bộ, công nhân viên trong việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc giao và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, bằng nhiều nguồn vốn vay tín dụng, từ năm 2010, Công ty đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới lưới điện từ 220KV - 0,4KV. Qua đó, góp phần chống quá tải lưới điện từ thành phố đến các vùng, miền trong tỉnh. Tính đến cuối năm 2013, 100% các xã của tỉnh đã có điện lưới quốc gia, trên 98,5% hộ dân có điện, 11 huyện miền núi đã được công ty tiếp nhận lưới điện và thực hiện bán lẻ đến từng hộ dân.

Ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, hiện tại, Công ty đang tiếp tục đầu tư, nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% thôn, bản trong tỉnh có điện lưới quốc gia.

Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Minh Châu đều là những đảo có tiềm năng về kinh tế và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, khi xây dựng đường dây cáp ngầm cấp nguồn điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh đã xác định cũng là đường dây cấp nguồn điện cho 5 xã đảo của huyện Vân Đồn.

Tại đảo Quan Lạn, vừa qua Công ty Điện lực Quảng Ninh đã hoàn thành công tác đấu thầu xây lắp để có thể tiến hành thi công. Tuy nhiên, do địa hình, địa mạo và địa chất của dự án khá phức tạp: sườn núi dốc, vách núi gần như dựng đứng sát mép biển, ven các chân đảo lại có nhiều vũng, bãi ngang triều đất bùn, ven chân đảo đất có tầng mỏng, nghèo dinh dưỡng nên dễ bị xói mòn, rửa trôi, khoảng cách các cụm đảo tương đối lớn, các núi đá không thuận lợi cho việc xây dựng và vận hành đường dây. Với đặc điểm địa hình, địa mạo như vậy nên khi xây dựng tuyến đường dây, đơn vị tư vấn đã phải tính đến hai phương án tuyến.

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, ông Phùng Kim Đại, qua phân tích, đánh giá, đơn vị đã chọn phương án đấu nối tại vị trí 67, ngã ba Hào Sơn với chiều dài tuyến đường dây 22kV là 59,43km; xây dựng mới 12 trạm biến áp phân phối có tổng công suất lắp đặt 2.160kVA để cấp điện cho 3 xã đảo: Ngọc Vừng, Bản Sen và Thắng Lợi, với tổng mức đầu tư hơn 298 tỷ đồng, với tỷ lệ vốn, 50% bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và 50% bằng nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Sau khi hoàn tất việc đầu tư sẽ tiến hành bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý vận hành, bán điện đến từng hộ khách hàng theo giá quy định của Nhà nước.

NGUYỄN TÂM (Tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động