RSS Feed for Thấy gì trong việc PVN chọn ông Lê Xuân Huyên làm Phó tổng giám đốc? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 19:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thấy gì trong việc PVN chọn ông Lê Xuân Huyên làm Phó tổng giám đốc?

 - Ngày 21/8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị về công tác cán bộ, làm quy trình 5 bước, giới thiệu danh sách ứng viên và bầu chọn Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực Lọc hóa dầu - Chế biến sâu. Đây là vị trí do ông Lê Mạnh Hùng (nay là Tổng giám đốc) để lại. Sau các vòng bỏ phiếu, kết quả cuối cùng, ông Lê Xuân Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đạt số phiếu bầu gần như tuyệt đối (98%). Theo đó, PVN sẽ trình kết quả lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để phê chuẩn.

Ông Lê Xuân Huyên trong hội thảo bàn phương án giãn cách tần suất bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nguồn PVN.


Thông tin cá nhân ông Lê Xuân Huyên

- Ngày sinh: 05/01/1966.

- Quê quán: Hải Phòng.

- Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Quá trình và thiết bị công nghệ hoá.

- Lý luận chính trị: Cao cấp.

- Quản trị doanh nghiệp: Cao cấp.

- Kỹ năng thuyết trình, đàm phán và thương lượng: Cao cấp.

- Ngoại ngữ: Giỏi.

- Tình trạng hôn nhân: Đã có gia đình.

Quá trình công tác

- Từ tháng 1/1995 - 3/1997: Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Từ tháng 4/1997 - 2/1999: Ban Chế biến Dầu khí.

- Từ tháng 3/1999: Biệt phái tại Công ty Lọc hóa dầu Việt Nga [1], Đại diện giám sát FEED [2] tại Vương quốc Anh đến năm 2000.

- Từ tháng 5/2000 - 4/2002: Kinh qua chức vụ: Trợ lý Phó TGĐ Công ty Lọc hóa dầu Việt Nga, Phụ trách phòng thương mại.

- Từ tháng 4/2002 - 9/2004: Quay lại Ban Chế biến Dầu khí.

- Từ tháng 9/2004 - 7/2008: Chuyển về Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) kinh qua chức vụ chuyên viên, phụ trách Phòng Kỹ thuật.

- Từ tháng 8/2008 - 6/2011: Đồng giám đốc Dự án Công ty NSRP (Giám sát FEED tại Vương Quốc Anh).

- Từ tháng 7/2011 - 3/2014: Phó Trưởng Ban Chế biến Dầu khí.

- Từ tháng 4/2014 - 5/2018: Trưởng Ban Chế biến Dầu khí kiêm ủy viên Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn tại NSRP.

- Từ tháng 6/2018 đến nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Thấy gì về việc PVN chọn ông Lê Xuân Huyên?

Xuyên suốt cả quá trình (kể từ những ngày đầu khởi nghiệp), ông Huyên được đánh giá là cá nhân xuất sắc trên từng cương vị công tác. Điểm nổi bật ở ông là các thế mạnh (gồm kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm trải rộng từ kỹ trị, đến thực hành). Ở ông luôn toát ra tính chuẩn mực, chính xác của một giảng viên trường đại học, đến tính quyết đoán của người lãnh đạo để lan tỏa tinh thần "Bản lĩnh - đoàn kết - đổi mới - hành động" trong doanh nghiệp, giúp tái tạo "Văn hóa Dầu khí". Đây chính là những ưu tiên mà PVN đang hướng đến và đã được nêu trong "Cẩm nang dầu khí và Chương trình hành động".

Tới đây, ông Huyên sẽ phụ trách các lĩnh vực, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa rất lớn trên các sàn giao dịch chứng khoán như: PV GAS, BSR, PVFCCo và PVCFC. Theo chúng tôi, với kinh nghiệm thực tiễn (trong phân khúc này), ông Huyên sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát triển.  

Về PVN, ông Huyên được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì chuỗi thành công mà người tiền nhiệm (ông Lê Mạnh Hùng) để lại. Đó là, tiếp tục duy trì sự ổn định, định hướng chiến lược dài hạn về ngành công nghiệp khí, chế biến khí trong chuỗi khép kín, nhằm thỏa dụng, đón đầu thị trường, cũng như hoàn thiện hệ thống đường ống, nhà máy xử lý khí và các trạm phân phối làm trung chuyển cho các dự án khí đang trong giai đoạn phát triển mỏ ở ngoài khơi.

Đối với BSR, là việc quyết toán cổ phần hóa và bán vốn trên sàn giao dịch chứng khoán, cũng như đưa dự án nâng cấp mở rộng nhà máy BSR (dự kiến triển khai theo tiến độ vào năm sau). Với NSRP [3], sẽ là phương án tối ưu về cân đối thị phần và bao tiêu sản phẩm ở thị trường nội địa.

Đối với các nhà máy phân đạm và hóa chất như: Đạm Phú Mỹ (PVFCCo), Đạm Cà Mau (PVCFC), sẽ là các phương án duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn trong bối cảnh thị trường nội địa và ASEAN đã liên thông, cũng như đang cạnh tranh khốc liệt về giá bán sản phẩm đối với nông nghiệp.

Cạnh đó, các dự án "do quá khứ để lại" như: PVTex, Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước, cần tiếp tục được PVN (thông qua phạm vi phụ trách của chức danh mà ông Huyên sẽ nắm giữ) quan tâm, hỗ trợ sâu sát hơn nữa. Theo đó, PVTex sẽ phối hợp với đối tác để nhà máy hoạt động 100% công suất và ổn định sản xuất, kinh doanh. Các dự án còn lại, sẽ là phương án "giải cứu", hoặc "thoái vốn" để PVN bảo toàn nguồn vốn, nhằm thu xếp cho các danh mục đầu tư khác.

Về lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành và khoa học - công nghệ (thông qua Viện Dầu khí Việt Nam - VPI và các đơn vị), với kiến thức chuyên sâu, ông Huyên sẽ tiếp tục duy trì, thúc đẩy các đề tài khoa học - công nghệ về dầu khí, khi PVN đang hướng đến tính chuyên sâu và ứng dụng công nghệ mới.

Thực tiễn hiện tại đang cho thấy, trước mắt, trọng trách đối với ông Huyên sẽ rất lớn và còn nhiều thách thức trong tình hình PVN đang tái cơ cấu toàn ngành. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sự góp mặt của ông trong ban Tổng giám đốc, sẽ giúp PVN mang lại một diện mạo mới trong tầm nhìn dài hạn./.


NGUYỄN LÊ MINH

Ghi chú:

[1] Tiền thân BSR.

[2] Thiết kế tổng thể nhà máy.

[3] Nơi PVN đang bao tiêu sản phẩm.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động