RSS Feed for 30 năm khai thác dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 18:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

30 năm khai thác dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ

 - 30 năm trước (ngày 6/9/1988), Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) đã khai thác thương mại tấn dầu đầu tiên trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ - thân dầu có trữ lượng siêu lớn gần 4 tỷ thùng, diện tích gần 60 km2 và chiều cao thân dầu 1300 mét, là một loại hình mỏ phi truyền thống có thể nói “độc nhất vô nhị trên thế giới” đã đi vào văn liệu khoa học dầu khí thế giới - đặt nền móng cho công nghiệp dầu khí biển Việt Nam, và luôn là niềm tự hào của Vietsovpetro và của bao thế hệ người đi tìm lửa Viêt Nam.

Thủ tướng đề nghị Tạp chí Năng lượng VN tiếp tục đóng góp cho ngành dầu khí

TS. NGÔ THƯỜNG SAN

Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng giám đốc Vietsovpetro) phát biểu tại diễn đàn Kỷ niệm 43 năm Ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và 30 năm Ngày khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng.

Ước mơ khiêm tốn với sản lượng “1 triệu tấn dầu/năm” từ mỏ Bạch Hổ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào những năm 80 không những đã trở thành hiện thực ngay khi phát hiện dầu trong đá móng, mà Việt Nam đã trở thành một trong các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Đông Nam Á.

Việc phát hiện tầng dầu trong đá móng nứt nẻ chưa có tiền lệ trong khoa học địa chất dầu khí thế giới, xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp nghiên cứu và tổ chức khai thác hiệu quả với nhịp độ và cường độ cao với sản lượng đỉnh gần 12 triệu tấn/năm trong móng, tăng hệ số thu hồi dầu kỷ lục có nơi trên 40%, xây dựng hệ giải pháp công nghệ trong tổ chức thu gom vận chuyển dầu nhiều parafin hiệu quả là những đóng góp to lớn của ngành dầu khí Việt Nam cho khoa học dầu khí thế giới.

Mỏ Bạch Hổ của Việt Nam với công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ đã đi vào văn liệu dầu khí thế giới như một điển hình. Đến nay, Vietsovpetro đã khai thác từ tầng đá móng trên 220 triệu tấn dầu, trên 15 triệu tấn LPG và condensat, với tổng doanh thu gần 75 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, thu gom và đưa vào bờ cung cấp cho các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch trên 30 tỷ mét khối khí đồng hành, khắc phục kịp thời sự thiếu hụt năng lượng, chất đốt và phân bón thời điểm khó khăn nhất của đất nước. Công trình đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và Công nghệ Việt Nam.  

Nhìn lại bối cảnh lịch sử những năm 80 khi Đất nước đứng trước nhiều khó khăn gay gắt. Kinh tế phát triển chậm, mất cân đối lớn: thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, sản xuất không đủ tiêu dùng. Khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là thiếu lương thực và ngoại tệ. Để duy trì sự phát triển của nền kinh tế, hàng năm Việt Nam đã phải nhập trên 1 triệu tấn lương thực, 4,5 triệu tấn xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước.

Do sản xuất không đủ tiêu dùng, thiên tai liên tiếp xảy ra, nên phần lớn tiêu dùng xã hội phải dựa vào các nguồn vay và viện trợ của nước ngoài, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng. Bên cạnh đó, khi chúng ta còn chưa khắc phục được những hậu quả hết sức nặng nề của hai cuộc chiến tranh lâu dài để lại, bị bao vây cấm vận, thì phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống lại các thế lực thù địch ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Kỳ vọng ở hợp tác với các công ty tư bản để thăm dò khai thác dầu thất bại với sự chấm dứt hoạt động của các công ty Deminex, Bow Valley, Agip.  

Tình thế đặt ra cho Việt Nam lúc này rất bức bách, cần phải bằng mọi cách nhanh chóng tìm ra dầu khí, hy vọng sẽ là cứu cánh để khôi phục và phát triển kinh tế đất nước…và mặc dù kinh tế rất khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ đã dồn hết nguồn lực hiếm hoi quyết tâm xây dựng ngành dấu khí…

Một quyết định sáng suốt và quan trọng của Bộ Chính trị, tạo bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển đột biến ngành Dầu khí Việt Nam là việc ký kết văn kiện “Hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam” ngày 03/07/1980 và thành lập Liên doanh dầu khí Việt-Xô, nay là Việt - Nga (Vietsovpetro) ngày 19/06/1981.

Báo cáo “Đánh giá tiềm năng dầu khí phía nam Thềm lục địa Việt Nam và phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ” được nhanh chóng thành lập, song  song với với xây dựng căn cứ logistic trên bờ và đào tạo bộ khung lãnh đạo Việt Nam trong Xí nghiệp liên doanh.

Ngày 25/12/1983, tàu khoan Mirchink khoan giếng BH-5 gần vị trí giếng BH-1X của Mobil. Giếng dự kiến sẽ khoan hết lát cắt trầm tích Đệ tam với chiều sâu thiết kế 3500m dựa theo cấu trúc giếng của BH-1X. Hy vọng của cả nước đặt vào kết quả giếng khoan này. Ngày 25/05/1984 thử vỉa, phát hiện dầu trong trầm tích Miocen (Tầng 23). Cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu và dầu chắc chắn sẽ được khai thác trong tương lai gần. Tin vui thật đấy nhưng cũng là nỗi lo cho những người làm địa chất dầu khí ở Vietsovpetro vì khi thử vỉa lưu lượng khoảng 20 tấn/ngày chỉ bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố.

Năm 1984-1985, các khối chân đế MSP 1,2 lần lượt được đưa ra biển và bắt đầu xây lắp dàn MSP-1 để khoan tại vị trí hiện được gọi là vòm trung tâm mỏ Bạch Hổ, nơi giếng BH-1X (Mobil) phát hiện dầu. Giữa năm 1985, giếng khoan BH-1 bắt đầu được khoan từ dàn MSP-1. Giếng mang nhiệm vụ vừa khai thác vừa thăm dò. Mọi người rất kỳ vọng và mong đợi ở kết quả giếng BH-1. Sau khi thử không ra dầu ở tầng móng, giếng BH-1 được chuyển sang khai thác dầu ở tầng Miocen ngày 26/06/1986

Giếng BH-1, sau thời gian khai thác, khoảng 4 tháng, từ áp suất đầu giếng khoảng trên 23 at tụt xuống còn 10 at, các giếng sau cũng không bổ sung lưu lượng tốt hơn, khẳng định tầng 23 không triển vọng tốt như đã nghĩ, và đặc biệt bị vát mất về hướng nơi đã đặt chân đế dàn cố định MSP-2 và chuẩn bị xây lắp cấu trúc bên trên. Sản lượng toàn MSP-1 chưa đến 100 tấn/ngày. Nhìn ngọn đuốc cháy leo lét ở faken MSP-1 mà không khỏi bùi ngùi….

Chính lúc mà mọi người dân Việt Nam đang vui mừng vì đất nước có dầu, thì cũng là lúc Xí nghiệp Liên doanh lâm vào tình trạng rất khó khăn bế tắc. Đó là sản lượng mỏ Bạch Hổ vừa mới khai thác đã có nguy cơ sụt giảm nhanh chóng... Xí nghiệp Liên doanh đã phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được. Tư tưởng hoang mang bi quan chán nản nảy sinh ở không ít người trong Xí nghiệp, kể cả những người có nhiệt huyết, tận tâm với ngành dầu khí. Không “hoang mang”, chán nản” sao được khi mà mọi người dân Việt Nam tin tưởng rằng đất nước sẽ có dầu, khi mà đất nước chắt chiu để dành cho dầu khí những khoản đầu tư không nhỏ, v.v... bỗng chốc vấp phải một thực tế khắc nghiệt. Niềm hy vọng mong đợi vừa mới nhen lên bị tiêu tan.

Sự hoang mang cực độ bắt đầu lan dần từ Vietsovpetro ra Hà Nội, Tổng cục dầu khí, lên cấp trên và đặc biệt ở Moskva. Phản ứng đầu tiên là sự chuyển giao Vietsovpetro từ Bộ Công nghiệp khí sang Bộ Công nghiệp dầu. Nhiều đoàn chuyên viên của Bộ Công nghiệp dầu được cử sang để kiểm tra hoạt động của Vietsovpetro. Nhiều đồng chí trong đoàn chuyên viên Liên xô trước đó, kể cả trưởng đoàn bị chuyển công tác. Sau này khi Vietsovpetro đã khai thác tấn dầu thứ 20 triệu tấn, có dịp gặp đồng chí Belư - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Bộ CN khí có kể lại - “bây giờ Vietsovpetro đã đạt những thành tích, nhưng thời gian qua chúng tôi bị hiểu không đúng, âu đó cũng là cuộc sống!”.

Trong Vietsovpetro sức ép từ nhiều chuyên gia Liên Xô muốn tìm hiểu người “sáng tạo” ra chủ trương xây dựng 2 dàn MSP-1 và 2, đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa tập trung phê phán gay gắt bước đi vừa qua là đã gây thiệt hại, và không lối thoát…“vứt tiền qua cửa sổ”. Tình thế trở nên gay gắt khi ở Liên Xô có Perestroika và Việt Nam “Đổi mới” nhằm xem xét và đánh giá lại hiệu quả các đầu tư.

Câu hỏi được đặt ra là có nên dừng khai thác mỏ Bạch Hổ, và mở rộng tìm kiếm sang các lô khác để có một chiến lược hoàn chỉnh cho Vietsovpetro, hay cứ tiếp tục chờ các giếng ở MSP-1 đang tắt dần.

Về phía Việt Nam, tư tưởng bi quan cũng có tác động đến chủ trương của lãnh đạo, là chậm lại việc đầu tư xây dựng cảng dầu khí, không tiếp tục xây dựng khu nhà ở 5-tầng, điều một số cán bộ chủ chốt ra Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp kiểm tra thực trạng của mỏ Bạch Hổ và rất quan tâm về giải pháp của Vietsovpetro.

Giếng BH-6 được khoan với nhiệm vụ tiếp tục thăm dò đánh giá trữ lượng khu vực vòm Bắc và ngày 11/05/1987 tàu Mirchink khi thử vỉa trong sự vui mừng và ngỡ ngàng phát hiện dòng có lưu lượng đạt trên 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng BH-6, nằm sát trên đá móng. Nhưng dầu từ đâu? Có hai ý kiến: từ Móng hay từ trầm tích Oligocen liên thông bên trên? Ý kiến của đa số là dầu từ Oligocen, lúc đó cũng chưa nghĩ rằng tầng phong hóa của móng lại có lưu lượng cao đến thế và trong các văn liệu địa chất giáo khoa cũng ít nói đến các mỏ tương tự, - nhưng quan trọng hơn cả nếu khẳng định dầu từ trong móng, một tầng dầu mới như thế nhiệm vụ thăm dò tầng Oligocen không hoàn thành, làm chậm tiến độ tính trữ lượng và thời hạn hoàn thành “Sơ đồ khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ”.

Câu hỏi có tiếp tục hay không tiếp tục khai thác mỏ Bạch Hổ… luôn gay gắt đối với Vietsovpetro….Vòm bắc có dầu nhưng chưa được khai thác, khi đó thì ở vòm Nam các giếng ở MSP-1 đang tắt dần…, dàn MSP-2 đang ngâm mình dưới sóng biển. Kế hoạch cung cấp thêm các khối chân đế từ phía Liên Xô bị chậm, việc cắt và chuyển chân đế MSP-2 lên phía bắc trở thành trọng tâm. Theo lẽ nó phải được thực hiện trong thời gian biển tốt tháng 5, nhưng vì phía bạn chưa chuẩn bị xong phương án, nên được hoãn vào tháng 9/1988, thời điểm mà thời tiết thường không thuận lợi cho công tác xây lắp biển.

Trong lúc chờ đợi và để xác định số phận dàn MSP-1, lãnh đạo VSP quyết định khoan trở lại giếng BH-1, khoan qua đế ống chống 168mm để kiểm tra lại việc thử vỉa không thành công trước đây. Giếng chỉ đặt cầu xi măng từng đoạn. Đối với một giếng khai thác khi ống chống khai thác đã bị bắn thủng thì việc thả chòng trở lại để khoan tiếp là vấn đề hết sức rủi ro, nhưng với quyết tâm và đầy trách nhiệm, Xí nghiệp khoan được giao nhiệm vụ khoan trở lại giếng BH-1

Khoảng 10 giờ sáng ngày 6/9/1988, tin thông báo trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối thì dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110 at, hiện đang đóng đối áp để chờ ý kiến trong bờ. Tin vui đến quá bất ngờ. Không thể đóng giếng lâu vì lo thiết bị đầu giếng với áp suất thiết kế không chịu nổi… Hoặc dập giếng bằng dung dịch nặng, và hoàn tất giếng theo đúng quy cách bằng cần khai thác, hoặc cứ để vậy và cho khai thác bằng cần khoan, chờ đến khi áp suất giảm, lúc đó mới sửa chữa giếng và hoàn tất giếng đúng theo quy định của một giếng khai thác. Ban lãnh đạo chọn phương án sau, và có lẽ là điều hãn hữu trong lịch sử dầu khí khi một giếng được khai thác bằng bộ khoan cụ.

Giếng cho dòng lớn, lúc đó không đo được nhưng ước tính là khoảng 2000 tấn/ngày. Không những CBCNV Vietsovpetro vui mừng mà cả nước, nhiều đồng chí lãnh đạo không kiềm nổi xúc động và không hiểu có phải nghe nhầm không?

Dầu tiếp tục được phát hiện và khai thác sâu dần trong móng. Cột dầu tăng dần theo chiều sâu ở những mỏ phát hiện về sau.  Việc phát hiện dầu trong móng không phải là ngẫu nhiên, là kết quả của cả quá trình diễn biến về nhận thức, có yếu tố khách quan và chủ quan, là công lao của một tập thể chịu đựng bao nhiêu thăng trầm, mà sự đóng góp của họ, những người đã chấp nhận rủi ro, thiệt thòi để đưa phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ vào hiện thực cần được ghi nhận và trân trọng.

Phát hiện dầu trong móng mới chỉ là một giai đoạn phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Nhưng quy luật phân bố dầu trong móng, cơ chế dòng trong môi trường móng nứt nẻ với tính chất hai độ rỗng, khai thác tăng cường sao cho hiệu quả là cả một thách thức lớn, đòi hỏi trình độ, sáng tạo của những người dầu khí Việt Nam.

Là một mỏ phi truyền thống không kinh điển, để khai thác hiệu quả Vietsovpetro tổ chức nghiên cứu mô hình thân dầu trong đá móng nứt nẻ với cấu trúc hai độ rỗng có đặc tính thấm chứa bất đồng nhất cao, dùng nước bơm ép để duy trì áp suất vỉa và cải thiện khả năng đẩy-quét dầu, nghiên cứu xây dựng công nghệ khoan và khai thác phù hợp, tổ chức thu gom và vận chuyển dầu trạng thái nhiều pha, đặc biệt là tổ chức khai thác tăng cường để nâng sản lượng và hệ số thu hồi dầu, tận dùng khí đồng hành…

Hiện nay, tại bể Cửu Long, ngoài những mỏ dầu khí đã được phát hiện trong móng và đưa vào khai thác như Bạch Hổ, Rồng của Vietsovpetro, Nam Rồng - Đồi Mồi của Liên doanh Việt - Nga - Nhật; Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Nâu của Cửu Long JOC; Rạng Đông của JVPC; Ruby của Petronas; Cá Ngừ Vàng của Hoàn Long - Hoàn vũ JOC, còn có những phát hiện khác như: Jade, Diamond, Pearl, Hải Sư đen, Thăng Long, Hổ xám south… Đại Hùng - bể Nam Côn Sơn,v.v…

Kết quả khai thác thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ, Rồng của Vietsovpetro và những  mỏ khác cho thấy sự đa dạng của mô hình địa chất mỏ, của thân dầu với sự có mặt của nước rìa, sự khác biệt về độ sâu phân bố và thành phần chất lưu (dầu, khí). Thân dầu trong đá móng nứt nẻ gặp ở độ sâu từ gần 2000 mét đến trên 4500 mét, các thông số vật lý của dầu như tỷ trọng, độ nhớt, độ khí hòa tan biến động. Sự phân bố độ rỗng-thấm có khả năng cho dòng công nghiệp phức tạp làm tăng độ rủi ro cao khi bố trí các giếng tìm kiếm và phát triển. Nhiều mỏ được phát hiện lại sau nhiều giếng khoan khô hoặc các công ty đã bỏ như Hải Sư Đen, Thăng Long, v.v..

Thành công của việc phát hiện, tổ chức khai thác thân dầu trong đá móng nứt nẻ hiệu quả kinh tế lớn ở mỏ Bạch Hổ là kết quả tích hợp của quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, Chính phủ, sự chắt chiu nguồn lực hiếm hoi với quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp dầu khí làm động lực cho sự phát triển nền kinh tế, là thành quả của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô nay là LB Nga mà nhiều đồng chí còn xem đó là mệnh lệnh của trái tim, là kết quả của lao động trí tuệ sáng tạo, nhiệt huyết của những thế hệ đi tìm lửa.

Vietsovpetro cũng đã trải qua những bước thăng trầm, “ngàn cân treo sợi tóc”, tưởng chùng không lối thoát trước những rủi ro, thách thức của lòng đất, nhưng cuối cúng lòng tin và trách nhiệm đã chiến thắng.

Hiện nay ngành dầu khí Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, khủng hoảng về niềm tin. Trước sự thu hẹp về tiềm năng dầu khí, suy giảm sản lượng, khó khăn tài chính, thách thức của cạnh tranh hội nhập và hiệu ứng công nghiệp 4.0 về năng lượng… Sản lượng các mỏ đang khai thác theo thời gian sẽ suy giảm, các mỏ lớn dễ phát hiện có thể hiềm hơn, nhưng những người dầu khí có cơ sở khoa học để tin tưởng rằng tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam còn phong phú, ngay cả trong tầng đá móng cũng như các phức hệ trầm tích ở các bể truyền thống đang triển khai thăm dò khai thác. Quy mô, hình thái, đặc tính tầng chứa có thể khác, đòi hỏi phải có cách tiếp cận về phương pháp luận, tư duy sáng tạo về những giải pháp khoa học công nghệ mới, hiệu quả cao, tạo nhiều giá trị gia tăng từ chế biến sâu để tiếp tục duy trì và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai dài hạn.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động