RSS Feed for Định hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 tại PC Đà Nẵng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Định hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 tại PC Đà Nẵng

 - Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Nó sẽ ảnh hưởng đến ngành điện và Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) như thế nào? Bài viết xin chia sẻ một số định hướng đối với việc tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại PC Đà Nẵng.

Nguồn nhân lực của EVNCPC cho Cách mạng công nghiệp 4.0

Klaus Schwab - Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới mang đến cái nhìn về Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Các cuộc cách mạng công nghiệp.

Tốc độ đột phá của CMCN 4.0 hiện “không có tiền lệ lịch sử”. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, CMCN 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Đối với ngành điện nói chung, PC Đà Nẵng nói riêng, trong một thời gian không xa nữa những công việc sau sẽ có xu hướng giảm bớt, thay vào đó công nghệ dần thay thế con người: những công việc lặp đi lặp lại như ghi chữ số, thu tiền điện, kiểm tra định kỳ…; những công việc ít sáng tạo: ví dụ như bảo vệ, trông giữ xe... những công việc mất vệ sinh và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. 

Tại Hội nghị Công nghệ thông tin của Tập toàn Điện lực Việt Nam đã chỉ rõ, ngành điện sẽ cần phải nghiên cứu tiếp cận, ứng dụng CMCN 4.0 ở lĩnh vực kỹ thuật số trong hoạt động sản xuất kinh doanh gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đã xác định lộ trình nghiên cứu ứng dụng CMCN 4.0 đến 2025, trong đó tập trung tích hợp và ứng dụng các nền tảng công nghệ một cách chiến lược để tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp với mục tiêu phát triển EVNCPC thành doanh nghiệp “sử dụng công nghệ như là một lợi thế cạnh tranh” trong các hoạt động nội bộ và bên ngoài.

Nền tảng CMCN 4.0.

Đối với PC Đà Nẵng, các tiếp cận cụ thể được thể hiện qua các lĩnh vực công tác: kinh doanh và dịch vụ khách hàng, kỹ thuật và điều độ vận hành hệ thống điện, công tác công nghệ thông tin và công tác tổ chức, quản lý điều hành.

1/ Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng:

TT

Công nghệ

Định hướng nghiên cứu

1

Trí tuệ nhân tạo (AI)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng CRM trả lời tự động qua kênh điện thoại, Facebook, Zalo, app CSKH…

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo các chỉ tiêu kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn (thương phẩm, giá bán, tổn thất…)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động nghiên cứu hành vi, nhu cầu, xu hướng của khách hàng dùng điện (qua nhiều kênh internet, mạng xã hội…), qua đó giúp ngành Điện chăm sóc khách hàng tốt hơn.

2

Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT)

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thu thập thời gian thực và điều khiển công tơ điện tử thông minh từ xa qua mạng Internet bằng địa chỉ, trong bối cảnh internet được phủ sóng toàn thành phố trong tương lai. Khách hàng và CBCNV ngành Điện có thể tương tác trên các thiết bị di động.

- Tiếp tục đề xuất phát triển app EVNCPC CSKH trên di động giúp khách hàng theo dõi chỉ số công tơ, điện năng tiêu thụ, tiền điện hiện tại vào bất kỳ thời điểm nào.

3

Dữ liệu lớn (Big Data)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên kết với các hệ thống quản lý thông tin địa lý GIS của khách hàng, đồng bộ với hệ thống GIS quản lý kỹ thuật của ngành Điện, hệ thống thu thập công tơ từ xa, hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS, hệ thống thông tin hành chính công của Thành phố. Trong đó hệ thống có khả năng : phân tích tìm phương án cấp điện (bán kính cấp điện) tối ưu cho phụ tải mới; phân tích phụ tải 5 thành phần phụ tải trên bản đồ số; tìm đường đi tối ưu xử lý sự cố mất điện; hiển thị thông tin công tơ khách hàng, các khu vực mất điện/ dự kiến mất điện theo kế hoạch trên bản đồ số; phục vụ công tác cấp mới/ tiếp cận điện nhanh chóng thông qua kiểm tra thông tin doanh nghiệp đăng ký mua điện từ dữ liệu hành chính công….

 

2/ Công tác kỹ thuật và điều độ vận hành hệ thống điện:

TT

Công nghệ

Định hướng nghiên cứu

1

Trí tuệ nhân tạo (AI)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo công suất phụ tải theo thời gian thực, dựa vào dữ liệu nghiên cứu phụ tải theo từng thành phần.

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tìm kiếm vị trí sự cố, chẩn đoán nguy cơ xảy ra sự cố các thiết bị (máy cắt, máy biến áp) trong hệ thống điện.

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động lập phiếu thao tác, phương thức cắt điện kế hoạch, đảm bảo thời gian mất điện ít nhất nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

2

Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tích hợp điều khiển giám sát hệ thống từ xa SCADA, tự động hóa lưới phân phối DAS. Các điều độ viên có thể thao tác trên các thiết bị di động.

- Nghiên cứu xây dựng app Quản lý vận hành lưới điện trên di động giúp người vận hành tại các Điện lực theo dõi trực tiếp các thông số vận hành; tiếp nhận các cảnh báo như quá tải, điện áp ngoài dải, cosj thấp; tiếp nhận các phản ảnh sự cố mất điện từ khách hàng hoặc từ thiết bị cảnh báo mất điện, xác định vị trí sự cố trên bản đồ số.

3

Dữ liệu lớn (Big Data)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên kết với các hệ thống SCADA, hệ thống DAS, hệ thống quản lý thông tin địa lý GIS quản lý kỹ thuật của ngành Điện, hệ thống thu thập công tơ từ xa phục vụ theo dõi các thông số vận hành lưới điện và điều độ hệ thống điện.

 

3/ Công tác công nghệ thông tin:

TT

Công nghệ

Định hướng nghiên cứu

1

Trí tuệ nhân tạo (AI)

- Nghiên cứu hệ thống tự động tìm và khắc phục các vị trí sự cố mạng máy tính; xử lý sự cố cơ sở dữ liệu, tự động sao lưu dữ liệu dự phòng.

- Nghiên cứu hệ thống tự động chẩn đoán các nguy cơ hư hỏng thiết bị CNTT thông qua các số liệu thu thập từ các thiết bị CNTT.

- Nghiên cứu hệ thống tự động kiểm soát an ninh mạng, bảo mật thông tin.

2

Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT)

- Nghiên cứu kết nối tất cả các máy tính cá nhân trong Công ty tham gia hội nghị/ đào tạo truyền hình trực tuyến.

- Nghiên cứu công nghệ Giao thức mạng Internet thế hệ 6 (IPv6) làm nền tảng cho sự phát triển Internet vạn vật.

3

Dữ liệu lớn (Big Data)

- Nghiên cứu hệ quản trị cơ sở dữ liệu và phân tích dữ liệu Big data như của Microsoft, IBM, Oracle…

- Nghiên cứu công nghệ đám mây phục vụ lưu trữ dữ liệu Bigdata với khối lượng rất lớn.

 

4/ Công tác tổ chức, quản lý điều hành:

TT

Công nghệ

Định hướng nghiên cứu

1

Trí tuệ nhân tạo (AI)

- Nghiên cứu hệ thống camera tự động nhận diện khuôn mặt, quản lý vào ra cơ quan, chấm công.

- Nghiên cứu hệ thống tự động đề xuất cán bộ theo các tiêu chí tìm kiếm từ hệ thống quản lý nhân sự, phục vụ công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

2

Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT)

- Nghiên cứu xây dựng app Hồ sơ CBCNV trên di động để mỗi CBCNV có thể tra cứu lương, chế độ, khen thưởng kỷ luật; là kênh giao tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động.

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống online đăng bài, phản biện và xét duyệt các bài báo khoa học, các sáng kiến, đề tài nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.

3

Dữ liệu lớn (Big Data)

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên kết với cơ sở dữ liệu hành chính công, các trường học, các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Google+,…), và hệ thống quản lý nhân sự nội bộ để quản lý hồ sơ CBCNV, hồ sơ tuyển dụng, đánh giá năng lực CBCNV.

 

Với cách tiếp cận này, PC Đà Nẵng mong muốn dần dần đưa 4.0 vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày. Tuy nhiên, để thực hiện được các định hướng trên đây, rất cần sự chung tay thực hiện của toàn thể đội ngũ CBNV Công ty, sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Công ty và cấp trên.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang là một bước tiến đột phá của nhân loại, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ cao, hoặc nguồn nhân lực phải được đào tạo để có thể tiếp cận được công nghệ mới hiện đại. Ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai không xa nhằm tăng năng xuất lao động, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao trong công tác sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính.

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: Artificial intelligence hay Machine intelligence - AI): là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (tiếng Anh: Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (tiếng Anh: machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi…

Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT): là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt IoT) là một liên mạng, trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là "thiết bị kết nối" và "thiết bị thông minh"), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu.

Dữ liệu lớn (Tiếng Anh: Big data): là một thuật ngữ cho việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được. Dữ liệu lớn bao gồm các thách thức như phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư. Thuật ngữ này thường chỉ đơn giản đề cập đến việc việc sử dụng các phân tích dự báo, phân tích hành vi người dùng, hoặc một số phương pháp phân tích dữ liệu tiên tiến khác trích xuất giá trị từ dữ liệu mà ít khi đề cập đến kích thước của bộ dữ liệu.

XUÂN TIẾN - EVNCPC

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động