Bộ chỉ số EPI giúp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường
13:42 | 16/10/2017
VPI tập trung phát triển sản phẩm khoa học chất lượng cao
Viện Dầu khí Việt Nam nhận bằng độc quyền sáng chế metanol
Chủ nhiệm đề tài Phạm Thành Đạt - Phòng An toàn và các tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE), Viện Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu thiết lập Bộ chỉ số EPI đặc thù cho lĩnh vực lọc - hóa dầu; đánh giá kết quả áp dụng Bộ chỉ số EPI và hiệu quả của công tác quản lý môi trường cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp cải tiến hiệu quả quản lý môi trường cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.
Quy trình thiết lập bộ chỉ số EPI.
Bộ chỉ số EPI đặc thù cho lĩnh vực lọc - hóa dầu gồm có: nhóm chỉ số vận hành (OPIs) và nhóm chỉ số quản lý (MPIs), được đề xuất trên cơ sở đánh giá, sàng lọc từng chỉ số theo các tiêu chí đang được áp dụng phổ biến trên thế giới.
Nhóm chỉ số vận hành (Operational Performance Indicators - OPIs) gồm các nhóm liên quan đến vật liệu, năng lượng, sản phẩm, chất thải rắn, phát thải (khí, nước,…), vận hành của nhà máy (sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, thiết bị và nhà xưởng,…). Nhóm chỉ số quản lý (Management Performance Indicators - MPIs) gồm các nhóm liên quan đến chương trình và chính sách quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn, mối tương quan giữa hiệu quả môi trường và hiệu quả tài chính, quan hệ cộng đồng. Đây là cơ sở thiết yếu để triển khai xây dựng bộ chỉ số ở các cấp độ cụ thể hơn cho từng đơn vị - là công cụ quản lý hỗ trợ ra quyết định cập nhật xu hướng quản lý mới của thế giới.
Cách tiếp cận chỉ số hiệu quả môi trường.
Bộ chỉ số EPI do Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất kèm tài liệu thuyết minh (bao gồm các thông tin về định nghĩa, ý nghĩa, phương pháp tính toán và nguồn dữ liệu cần thiết của từng chỉ số cụ thể, giúp các đơn vị có thể triển khai áp dụng trong thực tế, xác định mục tiêu cần cải thiện để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý môi trường).
Trên cơ sở nhận diện các khía cạnh môi trường và các chỉ số tương ứng, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp cải tiến (gồm giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý) nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, nước, phát thải khí thải, chất thải rắn và nước thải.
Kết quả nghiên cứu này cũng cung cấp hướng dẫn về quá trình thiết lập và áp dụng bộ chỉ số EPI dưới dạng quy trình chi tiết theo các bước cụ thể của vòng lặp PDCA; cách thức tra cứu số liệu, biểu mẫu thu thập tài liệu, dữ liệu môi trường phục vụ quá trình tính toán và đánh giá các chỉ số tại đơn vị.
NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ