RSS Feed for Khai thác, sử dụng nguồn thủy điện Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 03:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khai thác, sử dụng nguồn thủy điện Việt Nam

 - Như chúng ta đều biết: từ tài năng đến vật chất không có gì là tuyệt đối, tất cả chỉ tương đối. Do vậy, với thủy điện, bên cạnh những ưu điểm thì cũng có những nhược điểm nhất định. Nhưng trước hết phải khẳng định rằng: Phát triển thủy điện "được" nhiều hơn "mất". Chúng ta phải sòng phẳng với thủy điện. Càng không nên, cứ thấy ngập lụt là quy tội cho thủy điện xả nước. Thủy điện chỉ xả nước khi cần thiết (có nguy cơ gây vỡ đập). Trong nền kinh tế thị trường, không có chủ dự án thủy điện nào bỏ tiền ra xây dựng đập để tích nước phát điện lại bỗng dưng... xả nước đi?! Còn trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, các loại nguồn điện hiện đang gặp những thách thức phải vượt qua: các dự án khí điện chưa đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ, các dự án nhiệt điện than được khuyến nghị giảm bớt, các dự án điện từ năng lượng tái tạo dù được hỗ trợ phát triển nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã dừng xây dựng... Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước trong thời gian tới thì việc xem xét nghiên cứu tăng nguồn thủy điện của nước ta theo chúng tôi là hợp lý.

Về một phương án thay thế điện hạt nhân Ninh Thuận
Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết

Tiềm năng thủy điện Việt Nam

Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa nên tổng lượng mưa trung bình khá cao từ 1570~2000mm/năm. Lượng mưa này là nguồn trực tiếp tạo ra dòng chảy; lượng mưa lớn thường tập trung 4 - 5 tháng trong một năm nên đạt tới 70~80% tổng lưu lượng của dòng chảy. Việt Nam lại có bờ biển dài khoảng 3260 km cũng là điểm cuối cùng của dòng chảy; tổng lưu lượng dòng chảy đổ ra biển (bao gồm cả của các nước láng giềng) là khoảng 867 tỷ m3/năm. Với thiên thời địa lợi như vậy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện về lý thuyết là dồi dào, được phân bố trên khắp các vùng lãnh thổ. Hằng năm trên 2000 sông suối lớn nhỏ có chiều dài trên 10km của Việt Nam có thể sản xuất ra khoảng 300 tỷ kWh điện năng, tương đương khoảng 150 triệu tấn than. Tổng tiềm năng kỹ thuật được đánh giá khoảng 120 tỷ kWh, với công suất tương ứng khoảng 30.000 MW. Tuy nhiên nếu xem xét thêm các yếu tố kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường, dự báo về biến đổi khí hậu sẽ xảy ra tại Việt Nam thì tiềm năng kinh tế, kỹ thuật chỉ trong phạm vi 83~104 tỷ kWh, tương ứng với công suất 20.750~26.000MW.

Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2012 cả nước có 1.237 dự án thủy điện với tổng công suất là 25.968,9MW đã được quy hoạch. Đây được coi là số liệu về tiềm năng kinh tế, kỹ thuật tin cậy nhất về thủy điện của Việt Nam.

Tình hình phát triển thủy điện đến năm 2015 và chiến lược, quy hoạch phát triển chuyên ngành thủy điện Việt Nam

Sau năm 1975 khi đất nước được thống nhất, để đáp ứng nhu cầu điện của niền kinh tế quốc dân, Việt Nam chủ trương tích cực phát triển thủy điện. Tuy nhiên đến năm 1990 với 3 nhà máy thủy điện (NMTĐ) Thác Bà (120MW), Đa Nhim (160MW), Trị An (400MW) và NMTĐ Hòa Bình (đưa vào vận hành 2 tổ máy 2x245MW) và một số thủy điện nhỏ (38MW) với công suất đặt là 1.188MW. Việt Nam mới khai thác tiềm năng thủy điện của mình được khoảng 2,2 tỷ kWh. Phải đến năm 2015 tức 25 sau, chuyên ngành thủy điện của Việt Nam đã đạt được tiêu chí ấn tượng với tổng công suất đặt là 15.993 MW chiếm 41,50% tổng công suất đặt của toàn quốc (38.537MW) và điện năng là 56,113 tỷ kWh chiếm 34,15% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn quốc (164,312 tỷ kWh).

Ở thời điểm hiện nay, việc phát triển thủy điện đang và sẽ được triển khai theo 2 văn bản pháp lý quan trọng.

Một là: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, Phê duyệt Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện tăng từ khoảng 56 tỷ kWh năm 2015 lên gần 90 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 96 tỷ kWh (tỷ trọng 17%) vào năm 2030. Bên cạnh đó là phát triển nguồn thủy điện tích năng nhằm thực hiện nhiệm vụ dự trữ điều chỉnh nhu cầu trong hệ thống điện, góp phần nâng cao độ linh hoạt, hiệu quả trong vận hành hệ thống điện. Công suất nguồn thủy điện tích năng đến năm 2030 đạt 2.400MW, năm 2050 đạt khoảng 8.000MW.

Hai là: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII ĐC).

Dưới đây nêu tóm tắt Quy hoạch phát triển chuyên ngành thủy điện (xem bảng) theo Quyết định này nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu điện của đất nước được quy định theo kịch bản cơ sở là: năm 2020 265 tỷ kWh và năm 2030 572 tỷ kWh.

Năm

2020

2030

 

Nguồn thủy điện

Việt Nam

Công suất 21.600MW

Tỷ trọng 36,00%

Công suất 27.800MW

Tỷ trọng 21,46%

Điện năng 78,175 tỷ kWh

Tỷ trọng 29,50%

Điện năng 88,600 tỷ kWh

Tỷ trọng 15,50%

 

Thủy điện lớn và vừa

+

Thủy điện tích năng

Công suất 18.060MW

Tỷ trọng 31,10%

Công suất 21.855,5MW

Tỷ trọng 16,90%

Điện năng 66,780 tỷ kWh

Tỷ trọng 25,20%

Điện năng 70,928 tỷ kWh

Tỷ trọng 12,4%

 

Thủy điện nhỏ

Công suất 3540MW

Tỷ trọng 5,90%

Công suất 6914,5MW

Tỷ trọng 4,56%

Điện năng 11,395 tỷ kWh

Tỷ trọng 4,3%

Điện năng 17,672 tỷ kWh

Tỷ trọng 3,10%

 

Ưu điểm nổi trội của thủy điện ở Việt Nam

Thứ nhất: Tiềm năng thủy điện được phân bố tương đối đều trên cả 3 miền của đất nước, tại mỗi miền đều có các công trình quy mô từ nhỏ, vừa, đến lớn nên thuận lợi cho việc xây dựng cũng như vận hành. Do chế độ thủy văn ở các miền chênh lệch nhau về mùa mưa và mùa khô từ một đến hai tháng và đặc biệt là chênh lệch nhau về lượng nước giữa các miền trong cùng một năm nên có điều kiện hỗ trợ nhau rất tốt.

Thứ hai: Hầu hết các dự án NMTĐ của Việt Nam có chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tốt, suất đầu tư chấp nhận được, chi phí ngoại tệ để nhập thiết bị thấp do tỷ lệ vốn thiết bị chỉ chiếm khoảng 20~30%. Giá thành sản xuất điện năng của NMTĐ thường chỉ bằng 15-20% giá thành sản xuất điện năng của nhà máy nhiệt điện chạy than. Các thiết bị thủy điện có độ an toàn cao, bền và rất linh hoạt trọng vận hành.

Thứ ba: Đa số các công trình đầu mối thủy điện đều có hồ chứa nước nên có khả năng lợi dụng tổng hợp cao. Ngoài nhiệm vụ tích nước để phát điện, hồ chứa còn điều tiết dòng chảy làm giảm dòng chảy mùa lũ và tăng dòng chảy mùa kiệt, tạo thuận lợi cho việc sử dụng dòng chảy trong cả mùa lũ và mùa kiệt. Việc cung cấp bổ sung nước cho hạ lưu vào mùa kiệt đảm bảo sinh hoạt, đồng thời tăng độ sâu vận tải hạ lưu nên đáp ứng được giao thông thủy. Việc xây dựng thành công ba NMTĐ lớn (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu trên sông Đà) đã chứng minh ưu điểm nổi trội này.

Ngoài ra, thủy điện còn có một tác dụng nữa là đẩy mặn như ở công trình NMTĐ Trị An.

Thứ tư: Phát triển thủy điện ở Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc phân bổ lực lượng sản xuất, tạo ra cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa các vùng, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số.

Những bất cập đã xảy ra trong quá trình xây dựng và quản lý vận hành thủy điện ở Việt Nam

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc phát triển thủy điện cũng đã gây ra những bất cập đáng tiếc tại nước ta, đặc biệt là tại miền Trung và Tây Nguyên trong những năm qua và năm 2009 được coi là nghiêm trọng nhất.

Dưới đây chỉ ra cần nhắc lại một số tiêu đề mà báo chí đã đưa lên công luận để thấy được mặt trái của việc phát triển thủy điện nếu không được quản lý tốt và kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập quy hoạch đến khi đưa nhà máy vào vận hành thương mại: "Thủy điện khiến lũ hung dữ hơn", "Quy hoạch thủy điện: Phải thật sự lắng nghe", "Một tỉnh có 50 thủy điện: Ghê quá!", "Đánh cược với thiên nhiên: Hiểm họa khó lường từ thủy điện", "Thủy điện nhỏ: Đâu chỉ phát triển là xong?", "Lũ lụt lớn: Có nguyên nhân từ hồ thủy điện", "Thủy điện ở Tây Nguyên: Tác động tiêu cực đến môi trường", "Để không xảy ra những 'A Vương' khác", vv...

Ngoài ra, thủy điện còn có một số nhược điểm là: phát triển thủy điện tất nhiên không tránh khỏi tác động đến đời sống nhân dân cụ thể là phải tái định cư. Ở Việt Nam đã có số liệu thống kê: đối với dự án thủy điện lớn và vừa số hộ dân phải di dời bình quân là 3.296 hộ dân/1MW, còn đối với dự án thủy điện nhỏ là 0,16 hộ dân/1MW.

Việc chiếm đất chủ yếu là rừng, rất lớn bình quân 9,761 ha/1MW, diện tích rừng bị phá là nghiêm trọng, diện tích rừng trồng thay thế rất ít do không còn quỹ đất, chính sách không thống nhất. Các NMTĐ được xây dựng rải rác tại các tỉnh miền núi và cao nguyên trong cả nước, việc đầu tư lưới truyền tải rất lớn. Khi nhà máy được đưa vào vận hành, việc điều hành giữa phát điện và chống lũ chưa tốt nên gây ra thiệt hại lớn cho vùng hạ du.

Trước những ý kiến bất cập nêu trên, ngày 26/10/2013, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH của Quốc hội. Từ kết quả rà soát này, để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chất lượng xây dựng và an toàn công trình trong quá trình thi công và vận hành các dự án thủy điện, tại Kỳ hợp thứ 6 Quốc hội khóa XIII ngày 27/11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 62/2013/QH13 về "Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện". Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết này có nêu "…Đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát đánh giá 158 dự án…".

Tiếp theo đó, ngày 18/02/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội" và với chức năng là Bộ quản lý ngành để kịp thời triển khai Nghị quyết 11 này, ngày 10/3/2014 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2046/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động triển khai nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Tính đến thời điểm báo cáo Quốc hội Khóa XIII, tại Kỳ hợp thứ 8 (tháng 10/2014), kết quả rà soát đã loại khỏi quy hoạch 439 dự án, xem xét thu hồi chủ trương đầu tư 47 dự án, không đưa vào quy hoạch 178 vị trí tiềm năng, gia hạn có thời hạn đối với 13 dự án.

"Thủy điện vừa và nhỏ: Hiện trạng và chủ trương đầu tư phát triển"

Việc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đề xuất tổ chức Hội nghị với chủ đề nêu trên ở thời điểm này và đã được Bộ Công Thương chấp nhận giao cho Tổng cục Năng lượng đồng tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 30/6/2017 là hết sức cấp thiết vì những lý do sau đây.

Một là: Như ta đã biết về tình hình phát triển các loại nguồn điện của Việt Nam đều đang gặp những thách thức phải vượt qua: các dự án khí điện chưa đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ, các dự án nhiệt điện than được khuyến nghị giảm bớt, các dự án điện từ năng lượng tái tạo dù được hỗ trợ phát triển nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã dừng xây dựng. Do đó để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước việc xem xét nghiên cứu tăng nguồn thủy điện của nước ta là hợp lý.

Hai là: Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (25/11/2015) và Quyết định Phê duyệt QHĐ VII ĐC (18/3/2016) của Thủ tướng Chính phủ được ban hành sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 (27/11/2013) đều đưa ra mục tiêu phát triển thủy điện vào năm 2030 cao, vượt cả tiềm năng kinh tế kỹ thuật. Cụ thể là: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (điện năng 96 tỷ kWh - tỷ trọng 17%); QHĐ VII ĐC (công suất 27.800MW - tỷ trọng 21,46%); điện năng 88,6 tỷ kWh (tỷ trọng 15,5%).

Ba là: Sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành các dự án Thủy điện Lai Châu và Huội Quảng, Việt Nam đã khai thác hết nguồn thủy điện lớn, những năm sắp tới là triển khai mở rộng một loạt các NMTĐ hiện có như: Thác Mơ, Đa Nhim, Ialy, Hòa Bình, Trị An và xây dựng các NMTĐ tích năng. Như vậy, để đáp ứng mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch thì việc rà soát lại các dự án thủy điện vừa và nhỏ để đề xuất phát triển là rất cần thiết.

Kết luận

Chúng ta mong muốn tất cả các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hữu quan sẽ trình bày minh bạch các diễn biến về tình hình phát triển thủy điện vừa và nhỏ trong hơn 3 năm qua (kể từ khi có Nghị quyết số 62/2013/QH13), thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng Hội nghị Thủy điện vừa và nhỏ: Hiện trạng và chủ trương đầu tư phát triển đạt được thành công tốt đẹp.

Từ kết quả Hội nghị này, VEA sẽ trình văn bản kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội để tiếp tục phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ của đất nước, đảm bảo được 5 nguyên tắc: (1) An toàn tuyệt đối (hồ, đập, tính mạng của nhân dân). (2) Di dân tái định cư đồng bộ. (3) Không tác động xấu đến môi trường. (4) Hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước). (5) Thực hiện đúng quy định của pháp luật (quy hoạch, lập dự án, thi công, giám sát, vận hành).

TÔ QUỐC TRỤ, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động