Nghi Sơn - mùa xuân về
06:06 | 24/01/2013
>> Ký kết các văn bản liên quan Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Dự kiến khi đi vào hoạt động, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng xăng dầu của Việt Nam (trong ảnh: Nhà máy lọc dầu Dung Quất)
Chỉ vào mảng mầu lớn nhất, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tôi hỏi Cường, Phó chánh văn phòng Ban quản lý:
- Bao giờ thì chính thức khởi công công trình khu liên hợp lọc hóa dầu?
- Dạ, khoảng giữa 2013 là khởi công.
Không biết có ai đồng cảm với tôi không, khi nhắc đến Khu kinh tế Nghi Sơn, quan tâm trước tiên của tôi là công trình Lọc hóa dầu, một dự án lớn nhất không chỉ của Khu kinh tế, của cả vùng Bắc Trung bộ mà còn là dự án có quy mô và vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam: 6.148 triệu USD. Nhà máy có công suất lọc dầu 200 nghìn thùng/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm. Sau khi đi vào hoạt động sẽ cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng xăng dầu của Việt Nam.
Quá trình xúc tiến dự án có nhiều lận đận. Chỉ riêng việc giải phóng mặt bằng cũng đã để lại nhiều ấn tượng, có hồ hởi, phấn chấn, nhưng cũng không ít băn khoăn, ì xèo, thậm chí nhiêu khê, phiền phức, từng trở thành tâm điểm, khiến cả tỉnh phiền lòng, đau đầu những người có trách nhiệm. Rồi việc thương thuyết với đối tác, các thỏa ước, điều kiện… rồi dãn, lùi lộ trình đã khiến những người quan tâm bồn chồn. Nếu ở khâu giải phóng mặt bằng sôi động bao nhiêu, thì khâu tiếp theo, dự án cũng lặng lẽ, chậm chạp bấy nhiêu. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là những yếu tố khách quan và phía đối tác. Nền kinh tế thế giới suy thoái, thảm họa sóng thần ở Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Nhiều ánh mắt băn khoăn nhìn nhau, cũng không ít cái nhìn hoài nghi…
Nhưng rồi, lãnh đạo tỉnh nêu quyết tâm cao, năng động, chủ động tìm giải pháp cũng như tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến các thủ tục hành chính, lại được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức tận tình của các bộ, ngành trung ương, của Chính phủ.
Ông Trần Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cũng cho biết, hiện các bên đã thỏa thuận xong và ký tắt cam kết, chỉ chờ bên đối tác huy động nguồn vốn. Dự kiến đầu tháng 7 năm 2013 sẽ khởi công và sau đó 40 tháng, Nhà máy sẽ chính thức vận hành sản xuất.
Vậy là, chăm tưới cây cũng tới ngày hái quả. Chắc chắn vào mùa xuân Con rắn, một năm hứa hẹn nhiều khởi sắc của quê Thanh, tại vùng đất nhiều nắng, gió, lam lũ và gian lao sẽ chính thức khởi công xây dựng công trình Lọc hóa dầu Nghi Sơn, niềm mong đợi của hàng triệu người dân xứ Thanh bấy nay. Một tin vui đầu xuân không thể không làm nức lòng người dân tỉnh Thanh, bởi đó là một thành tựu hết sức quan trọng trong lĩnh vực hợp tác đầu tư vì sự giàu mạnh của quê hương, đất nước.
*
Nếu trong những ngày hè, từ tháng 4 cho đến tháng 7, vùng đất Hải Thượng, Hải Hà cuối huyện nắng và gió ràn rạt như quất vào thịt da. Mặc dù ở gần biển, nhưng cái nóng khô và gió rát vẫn là đặc sản, thì những ngày cuối đông này, gió khô lạnh lại cứ thông thốc thổi vào, những hôm rét đậm lạnh thấu xương, ngoài đường cát bay vèo vèo, mỗi khi có xe ô tô chạy qua lại cuốn tung mù mịt. Đây là vùng đất nổi tiếng khắc nghiệt của huyện Tĩnh Gia. Người dân ở đây nhiều đời lam lũ, khó nhọc mà vẫn kiên gan bền bỉ với đất, một tấc không đi, một ly không dời. Ấy vậy mà từ khi nơi đây được chọn làm vị trí đứng chân của nhà máy nhiệt điện thì bà con đã sẵn sàng nhường đất để đi đến vùng đất mới. Tấm lòng người dân Tĩnh Gia là thế. (Mặc dù đây đó từng có lúc còn có những băn khoăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, do nhiều nguyên nhân khác nhau). Những năm chiến tranh chống Mỹ, người dân Tĩnh Gia đã từng dỡ nhà để lát đường, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến đó thôi, nào đã ai quên được!
Khởi công từ tháng 7 năm 2010, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng, trong đó 85% bằng nguồn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Công suất là 600MW. Những ngày chuẩn bị đón xuân Quý tỵ 2013, công trường xây dựng nhà máy nhộn nhịp hẳn lên. Tuy không còn tiếng ép cọc ầm ào, tiếng máy, tiếng động cơ ầm ỹ và xe máy ra vào nhộn nhịp, nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí khẩn trương, tất bật của một công trình sắp vào khúc hồi công.
Vỗ vai một công nhân vận bộ đồ đặc trưng ngành, tôi nói:
- Các bạn sắp được rời vùng đất khắc nghiệt này rồi.
- Chưa biết được anh ạ. Đời công nhân công trình chúng em cũng như người lính vậy, cũng có khi nay đây mai đó, nhưng có khi lại cắm chốt mãi mãi một nơi.
- Bạn tên gì?
- Dạ, em tên Đán, quê Ninh Bình.
- Chưa vợ hả, không khéo lại làm rể Thanh Hóa, ở đây lâu dài cũng nên.
- Dạ, em đã có vợ ở quê.
Là “lính” công trường, nhưng Đán nói năng nhỏ nhẹ, dáng thư sinh. Hẳn cậu là kỹ sư.
Đến nay, ở công trình nhà máy nhiệt điện, lò hơi số 1 đã đạt 96 - 98% khối lượng công việc, dự kiến sẽ thử áp vào tháng 1-2013 và phát điện thương mại tổ máy 1 vào tháng 5-2013. Đồng thời, lò hơi số 2 cũng đã thực hiện được quá nửa khối lượng, dự kiến sẽ phát điện vào cuối quý III năm 2013, đảm bảo công suất nhà máy 600MW, cung cấp 3,6 tỷ kWh điện mỗi năm.
*
Nhiều người còn nhớ, dạo những năm 1995 - 2005, khi Nhà máy xi măng Nghi Sơn, dự án liên doanh giữa Tổng công ty xi măng Việt Nam với Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industri và Taiheiyo Ciment (Nhật Bản), với vốn đầu tư cả hai giai đoạn là 622 triệu USD, công suất 4,3 triệu tấn là con chim đầu đàn đứng chân trên vùng đất Nghi Sơn, đã thực sự khởi phát cho sự chuyển động rầm rộ vùng đất Nam xứ Thanh. Như là bến số 1 và số 2 Cảng Nghi Sơn được xây dựng với quy mô có thể đón tàu 3 - 5 vạn tấn vào bến và năng lực hàng hóa qua cảng đạt 4 triệu tấn. Rồi những năm sau này là các dự án Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn; Khu công nghiệp luyện kim và công nghiệp sản xuất xi măng... gây phấn chấn cả tỉnh và cả nước. Vậy mà, sau hơn 17 năm ra đời, cho đến hôm nay, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn vẫn đang giữ vị trí đầu đàn. Đến nay, Nhà máy đã tiêu thụ được trên 30 triệu tấn xi măng, góp phần xây dựng nhiều công trình lớn trên khắp Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 21, đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 1.600 tỷ đồng. Riêng năm 2012 này, dự kiến doanh thu sẽ đạt 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận 400 tỷ đồng. Đó là những kết quả không nhỏ góp cho nền kinh tế nước nhà.
*
Anh bạn nhà thơ trẻ, người đồng hành của tôi Nguyễn Hải, thắc mắc:
- Em đi cả ngày, mỏi nhừ cả hai chân, chỉ thấy toàn đất đá, bê tông và sắt thép. Chả thấy tý hứng thú gì cho thơ cả.
- Cậu hay mơ mộng. Cái huyện sát biển này cũng có sắc mầu của váy áo thổ cẩm, cũng có hoa đào núi, đào phai đấy.
- Không tin à - tôi chỉ tay lên phía Tân Trường, Phú Sơn, Phú Lâm… trên ấy, dịp này đào phai sắp nở rồi đấy, đỏ núi nhá.
Hải cứ há hốc mồm.
- Nhưng thôi, để dịp khác. Giờ tớ sẽ đưa cậu đến nơi “lồng lộng tứ thơ”, ngay đây thôi.
Ấy là tôi hy vọng đưa Hải đến cái nơi có không khí nhẹ êm, nhộn nhịp tà thắm, ròn rã tiếng cười để xóa đi cái ấn tượng “đất đá, bê tông và sắt thép” nên đã dẫn Hải đến Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu, ngay phía kế bên ngoài Trụ sở Ban quản lý, xã Trúc Lâm. Một nhà máy hiện có hơn 4.000 công nhân, hầu hết là nữ thanh niên, tuổi mười tám đôi mươi phơi phới… Cứ mỗi khi tan ca, cổng Nhà máy lại phơi phới đủ sắc mầu khăn áo nữ tú như những đàn bướm bên giàn thiên lý. Nằm trên diện tích gần 16 héc ta, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Dự kiến Nhà máy sẽ nâng công suất lên 12 triệu đôi giày dép/năm, thu hút khoảng 10.000 lao động, gấp hai lần rưỡi hiện nay. Nhưng tiếc cho nhà thơ có nhiều mộng mơ, chưa đến giờ tan tầm.
Trên bức tranh nhiều mầu của vùng Nam Thanh này, còn có những họa tiết hết sức sinh động nữa, nhưng tiếc rằng vì thời gian, và vì độ dài của bài viết, tác giả chưa thể nói hết được, đưa người đọc hòa nhập được với không khí lao động ngày xuân rạo rực trên các công trường xây dựng, lao động sản xuất như Nhà máy luyện cán thép, Trường cao đẳng nghề Licogi; Nhà máy Chế biến dăm gỗ và ván công nghiệp; Nhà máy Sản xuất kinh doanh bê tông thương phẩm - cấu kiện bê tông đúc sẵn… những cánh chim đang sải cánh, những bệ phóng đã sẵn sàng. Tất cả đang rực lên một mầu tươi tắn, đầy sức xuân. Những thành viên sung sức đó sẽ cùng với các “cựu trào” Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, Cảng nước sâu… hợp nên bản tổng phổ đa thanh, đa sắc của vùng kinh tế tổng hợp Nghi Sơn nhất nhì cả nước, làm rạng rỡ xứ Thanh.
Ngày 15/1/2013 tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tổ chức lễ ký thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ Việt Nam, các văn bản liên quan, thư trao thầu EPC Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Dự kiến, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ hoàn thành công tác xây dựng vào quý IV năm 2016 và đi vào vận hành thương mại vào năm 2017, đáp ứng 40 % nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước.
Trúc Lâm, cuối năm con Rồng
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Nên đề cập về Đảng như thế nào trong Hiến pháp?
Cuộc chiến tranh lạnh phiên bản 2 Trung - Nhật bắt đầu
Mỹ tuyên bố bảo vệ đồng minh:Trung Quốc 'hạ giọng'
Chính sách đối ngoại Obama 2.0: Giữa 'bơ' và 'súng'
"Dư luận băn khoăn tự phê bình như hòa cả làng"
Chủ tịch nước: 'Biển Đông là vấn đề Việt Nam luôn quan tâm'