RSS Feed for Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 14:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp khí Việt Nam

 - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững năng lượng Việt Nam
Chiến lược năng lượng quốc gia: Những vấn đề cần quan tâm
Năng lượng bền vững ở Việt Nam: Thách thức và kiến nghị phát triển

Phấn đấu sản lượng khai thác khí đạt 21 tỷ m3/năm

Mục tiêu nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu, từ: Khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí trên toàn quốc; đảm bảo thu gom 100% sản lượng khí của các lô/mỏ mà PVN và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam; phấn đấu sản lượng khai thác khí cả nước đạt 17 - 21 tỷ m3/năm giai đoạn 2026 - 2035.

Về phát triển thị trường tiêu thụ khí, tiếp tục phát triển thị trường điện là thị trường trọng tâm tiêu thụ khí (bao gồm LNG nhập khẩu) với tỷ trọng khoảng 70 - 80% tổng sản lượng khí, đáp ứng nguồn nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất điện; phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu; tiếp tục duy trì và mở rộng hệ thống phân phối khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt đô thị nhằm mục đích bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sử dụng của khí; phát triển đồng bộ hệ thống phân phối khí thấp áp và hệ thống phân phối khí nén thiên nhiên (CNG) làm tiền đề để phát triển hệ thống phân phối khí cung cấp cho giao thông vận tải.

Ngành công nghiệp khí phấn đấu phát triển thị trường khí với quy mô đạt 23 - 31 tỷ m3/năm vào giai đoạn 2026 - 2035.

Định hướng phát triển ngành công nghiệp khí

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành công nghiệp khí đã vạch ra định hướng phát triển cho từng khu vực.

Cụ thể, Khu vực Bắc Bộ nghiên cứu các giải pháp, đẩy mạnh việc thu gom khí từ các mỏ nhỏ, nằm phân tán trong khu vực nhằm tăng cường khả năng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp khu vực Bắc Bộ, từng bước nghiên cứu, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG để duy trì khả năng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp khi nguồn khí khu vực Bắc Bộ suy giảm, phát triển các nhà máy điện sử dụng LNG theo Quy hoạch điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu vực Trung Bộ tích cực đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh để cung cấp cho các nhà máy điện sử dụng khí thuộc khu vực Trung Bộ theo Quy hoạch điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển công nghiệp hóa dầu sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu khí cho các nhà máy điện; phát triển hệ thống phân phối khí thấp áp, sản xuất CNG/LNG quy mô nhỏ cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp trong khu vực.

Khu vực Đông Nam Bộ đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ để đảm bảo duy trì đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong khu vực; triển khai xây dựng hệ thống kho, cảng nhập khẩu LNG để bổ sung cho nguồn khí trong nước suy giảm và cung cấp cho các nhà máy điện theo Quy hoạch điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu vực Tây Nam Bộ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển khí; xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG để duy trì khả năng cung cấp cho các hộ tiêu thụ, phát triển các nhà máy điện sử dụng LNG mới.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động