RSS Feed for Mỏ Sư Tư Trắng trong Chiến lược phát triển Công nghiệp khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 00:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mỏ Sư Tư Trắng trong Chiến lược phát triển Công nghiệp khí Việt Nam

 - Với vị trí quan trọng, có liên quan đến nhiều kế hoạch phát triển khí lớn trong tương lai gần, Dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng (giai đoạn 2) là dấu mốc quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác tập trung triển khai thời gian qua, đánh giá như một công trình trong điểm quốc gia, có ảnh hưởng đến toàn bộ Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam.

Định hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam



Như đã biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3349/QĐ-BCT về việc phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ Sư Tử Trắng (ODP) - giai đoạn 2 (lô dầu khí 15-1 Bể Cửu Long, ngoài khơi Vũng Tàu). Đây là quyết định phê duyệt trên cơ sở đề nghị của PVN tại Công văn số 5481/DKVN-KTDK ngày 25/9/2019 về việc trình Kế hoạch đại cương phát triển mỏ này.

 

Cụm mỏ Sư Tử Trắng.

 

Nội dung ODP được phê duyệt

Các nội dung phê duyệt đối với giai đoạn 2 mỏ Sư Tử Trắng sẽ được tách ra làm 2 giai đoạn phát triển, bao gồm:

1/ Giai đoạn 2A: Tiếp tục triển khai các giếng khoan khai thác tại giàn ST-PIP hiện hữu, nhằm duy trì lượng khí bơm ép khoảng 100 triệu bộ khối khí/ngày, để tăng cường thu hồi condensate và điều tiết lượng khí xuất.

2/ Giai đoạn 2B: Xây dựng giàn công nghệ khí trung tâm (CGF) với 16 giếng khai thác, kết nối với giàn ST-PIP hiện hữu, để phát triển mở rộng mỏ, cũng như duy trì bơm ép khí ngược lại vỉa để nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Dòng khí thương mại đầu tiên (first gas) giai đoạn 2A, dự kiến sẽ tính từ tháng 12 năm 2020, với lưu lượng khoảng từ 40 triệu đến 60 triệu bộ khối khí/ngày. Dòng khí đầu tiên (first gas) giai đoạn 2B dự kiến sẽ vào quý 4 năm 2023 với lưu lượng khoảng từ 125 triệu đến 150 triệu bộ khối khí/ngày.

Như phê duyệt, theo phương án cơ sở thì khí xuất bán giai đoạn 2B, dự kiến sẽ được vận chuyển về bờ qua đường ống Nam Côn Sơn 2. Phương án dự phòng (nếu bỏ phương án cơ sở) là lắp đặt đường ống 16 inch đấu nối giàn CGF với tuyến ống dẫn khí Sư Tử Vàng - Rạng Đông - Bạch Hổ.

Theo kế hoạch đại cương ODP, tổng cộng số lượng giếng khoan là 19 giếng đến năm 2030 và 20 giếng đến năm 2035 (cả giai đoạn 2A và 2B). Tuy nhiên, số lượng giếng khoan, chương trình khoan, sản lượng khai thác và lượng khí bơm ép sẽ được đề xuất chi tiết trong Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) giai đoạn 2A và giai đoạn 2B.

Các chỉ đạo kịp thời

Về tổng thể, do thời hạn của Hợp đồng dầu khí (PSC) hiện nay của CLJOC (ký từ năm 1998) sẽ hết hạn vào năm 2023 (có điều kiện gia hạn), trong khi sản lượng ở các mỏ hiện hữu và tiềm năng cho kết quả tốt, việc gia hạn Hợp đồng là cơ sở để tiếp tục khai thác các mỏ hiện hữu và phát triển giai đoạn 2. Vì vậy, trong Quyết định phê duyệt, Bộ Công Thương yêu cầu PVN gấp rút chỉ đạo CLJOC triển khai các phạm vi công việc tiếp theo, bao gồm:

Thứ nhất: Đối với giai đoạn 2A, khẩn trương lập Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) giai đoạn 2A; hoàn thành đàm phán, ký kết các hợp đồng Thỏa thuận khung (HOA) và Hợp đồng mua bán khí (GSPA) để làm cơ sở triển khai dự án.

Thứ hai: Đối với giai đoạn 2B, khẩn trương triển khai thiết kế FEED và đàm phán các Thỏa thuận thương mại, đề xuất, cập nhật các điều kiện kinh tế, thuế sau thời hạn của Hợp đồng dầu khí (PSC) hiện nay; hoàn thiện FDP giai đoạn 2B trình cấp có thẩm quyền trong quý 1 năm 2021 để có cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế, quyết định việc gia hạn Hợp đồng dầu khí đến năm 2030, hoặc năm 2035 và phê duyệt FDP.

Nhằm tối ưu hóa đề án và đảm bảo thời gian triển khai dự án theo tiến độ, đối với các khu vực tiềm năng còn lại trong lô 15-1, như trong phê duyệt, CLJOC sẽ thực hiện việc thu nổ địa chấn 3D và tiến hành thẩm lượng làm cơ sở triển khai lập FDP; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định (giai đoạn 2B).

Về phía chủ nhà PVEP (chiếm 50% cổ phần trong liên doanh CLJOC), Bộ Công Thương giao PVN và PVEP chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro về địa chất, trữ lượng thu hồi dầu khí của mỏ và hiệu quả kinh tế đối với phần quyền lợi tham gia của PVEP trong hợp đồng PSC lô này.

Tầm quan trọng của mỏ Sư Tử Trắng

Mỏ Sư Tử Trắng là mỏ khí và condensate lớn thuộc lô 15-1, nằm phía Đông Nam của Cụm mỏ Sư Tử, ngoài khơi Vũng Tàu thuộc vùng biển Việt Nam, cách đất liền 190 km. Trữ lượng tại chỗ mức 2P của mỏ được xác định khoảng 317 tỉ bộ khối khí và 435 triệu thùng dầu và condensate.

Hiện tại, mỏ Sư Tử Trắng đang được khai thác giai đoạn 1, với một giàn khai thác kết nối về giàn xử lý trung tâm Sư Tử Vàng, có sản lượng khí bình quân tương đương 60 triệu bộ khối khí/ngày (tương đương 1,7 triệu m3/ngày) hay 21 tỷ bộ khối khí/năm (tương đương 600 triệu m3 khí/năm).

Sản lượng khí của các mỏ qua các đường ống Bạch Hổ, Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2 cung ứng cho khu vực Đông Nam bộ đang sụt giảm và dự kiến sẽ thiếu hụt từ cuối năm 2022. Vì vậy, việc cập nhật khí từ mỏ Sư Tử Trắng, sẽ là nguồn cung quan trọng.

Theo thiết kế đường ống Nam Côn Sơn 2, khí từ mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2, sẽ vận chuyển qua đường ống này về bờ làm nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn 2 (GPP2), đặt ở Dinh Cố, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu không có nguồn khí từ mỏ Sư Tử Trắng, đồng nghĩa đường ống Nam Côn Sơn 2 sẽ hoạt động không hết công suất, vì sau khi đi vào vận hành, đường ống chỉ mới cập nhật khí từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt, Thiên Ưng và Đại Hùng. Khí từ các mỏ này, về bờ sẽ đấu nối vào Nhà máy xử lý khí hiện hữu ở Dinh Cố. Như vậy, nhà máy GPP2, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 với công suất xử lý 6,5 triệu tấn/năm, sẽ được PV GAS phát triển song song cùng với dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B để xử lý khí từ mỏ này.  

Cần biết, sản lượng khí của các mỏ qua các đường ống Bạch Hổ, Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2 cung ứng cho khu vực Đông Nam bộ đang sụt giảm và dự kiến sẽ thiếu hụt từ cuối năm 2022. Vì vậy, việc cập nhật khí từ mỏ Sư Tử Trắng, sẽ là nguồn cung quan trọng, không chỉ bù đắp vào sản lượng đang sụt giảm mà còn đáp ứng nhu cầu dài hạn của các hộ tiêu dùng bao gồm các khu công nghiệp ở Phú Mỹ, Long Thành (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và 2 nhà máy nhiệt điện khí ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Việc bảo đảm nguồn cung nhiên liệu khí đầu vào cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2, luôn là ưu tiên hàng đầu góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nhìn về mặt tổng quan, việc chậm triển khai một số dự án lớn gần đây như Lô B, Cá Voi Xanh, đang ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nhiệt điện khí ở phía Nam và miền Trung trong Quy hoạch điện 7. Đối với PVN, các dự án lớn này chậm trễ, đã kéo theo sự sụt giảm nhịp độ tăng trưởng của nhóm các tổng công ty dịch vụ kỹ thuật và giá trị cổ phiếu của một số thành viên. Vì vậy, việc đưa dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2 sớm phát triển như đã phê duyệt trong ODP là rất quan trọng. Theo đó, trong quá trình xây lắp, sẽ tạo ra khoảng 2.500 việc làm từ năm 2021 đến 2023.

Sau khi đi vào vận hành thương mại từ năm 2023, mỏ Sư Tử Trắng, cũng như Sao Vàng Đại Nguyệt trong chuỗi dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 sẽ cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật để PVN tiếp tục thúc đẩy các dự án khí khu vực Bể Nam Côn Sơn, bảo đảm tính xuyên suốt và phát triển bền vững từ khâu thượng nguồn, đến hạ nguồn trong chuỗi giá trị khép kín gồm thăm dò khai thác đến vận chuyển, chế biến khí và nhiệt điện khí trong tấm nhìn dài hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

NGUYỄN LÊ MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động