Khát vọng của ngành Dầu khí Quốc gia
15:52 | 16/11/2016
Sản lượng khai thác dầu quy đổi của PVN vượt kế hoạch
Các dự án của PVN trước lựa chọn khó khăn
PVN là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2016
Từ những bước khởi trình
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tổ chức lại ngành địa chất và mỏ. Tháng 10-1945, Bác ký Sắc lệnh sáp nhập Sở Tổng thanh tra Khoáng chất và Kỹ nghệ thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương vào Bộ Quốc dân Kinh tế.
Suốt 15 năm sau đó, ngành địa chất Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ tới 22 nghìn người với hàng nghìn người có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi và miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung ra đất nước Việt Nam muốn cường thịnh nhất định phải có ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh, từ đó Người đã dành sự quan tâm đặc biệt với một niềm tin và ước vọng lớn lao. Sau khi đi thăm ngành dầu khí Anbani, Bungari, Liên Xô, Bác Hồ đã đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng ngành Dầu khí.
Ngay sau đó, những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, Liên Xô đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa đào tạo cán bộ Việt Nam. Một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam đã được các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đề xuất và từng bước triển khai. Các học sinh và cán bộ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác để học và thực tập về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu...
Song hành, các chuyên gia Liên Xô đã giúp đỡ khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí ở Việt Nam. Tháng 4-1961, Báo cáo “Triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1959-1961)” được hoàn thành, đây là công trình tổng hợp đầu tiên của nước ta về nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, nó là cơ sở ban đầu định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí về sau.
Trên cơ sở nhận định về triển vọng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam và căn cứ Nghị định số 159-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 9-7-1961, để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Tổng cục Địa chất địa chất ra Quyết định số 271-ĐC ngày 27-11-1961 thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 (thường gọi là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thể theo nguyện vọng của các thế hệ lao động ngành Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lấy ngày 27-11 hằng năm làm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Mở ra những trang mới
Hơn 10 năm tiếp đó, các kỹ sư Việt Nam đồng hành với chuyên gia Liên Xô đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí, công tác địa vật lý và khoan dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng và vùng trũng An Châu, khẳng định kết quả thăm dò, chính xác hóa cấu trúc địa chất của tam giác châu thổ sông Hồng, phát hiện các vết dầu và vỉa khí trong trầm tích Đệ Tam. Đoàn 36 Dầu lửa đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Ngày 18-3-1975 đánh dấu sự kiện nổi bật về tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam khi chúng ta phát hiện mỏ khí Tiền Hải với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỉ m3.
Cũng trong giai đoạn này, ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn nhờ vào đầu tư và công nghệ nước ngoài cũng triển khai tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa. Kết quả đã xác định được 3 bể trầm tích chủ yếu là Saigon - Brunei (Bể Nam Côn Sơn), Mêkong (Bể Cửu Long) và vịnh Thái Lan (Bể Malay - Thổ Chu). Trước giải phóng miền Nam 30-4-1975, Công ty Pecten đã khoan 4 giếng (Hồng-1X, Dừa-1X, Dừa-2X, Mía-1X) và Công ty Mobil khoan 2 giếng (Bạch Hổ-1X và Đại Hùng-1X). Kết quả thử vỉa đã có lưu lượng dầu khí ở giếng Dừa-1X, có lưu lượng giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X. Kết quả của các giếng khoan đã khẳng định sự tồn tại dầu khí của các bể trầm tích khu vực thềm lục địa phía Nam.
Ngay sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước ta bước vào thời kỳ khôi phục toàn diện sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu, khí, nguồn năng lượng quan trọng cho phát triển đất nước.
Ngày 6-8-1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời mở cửa, sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia. Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Căn cứ vào Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất… Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước. Trải qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 28-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định số 170/CP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Cuối năm 1978 con tàu địa chấn đầu tiên mang tên Bình Minh đã ra đời để thực hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ.
Năm 1980 Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Từ đó các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel, Gambursev, Malưgin (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát từ, trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực, phủ toàn thềm lục địa Việt Nam từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ, nhằm nghiên cứu cấu trúc và đánh giá tiềm năng các bể trầm tích đệ Đệ Tam Việt Nam. Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) được thành lập ngày 19-6-1981 để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long (các lô 09 và 16) và sau này ở mỏ Đại Hùng (Lô 05 bể Nam Côn Sơn). Ngày 24-5-1984, tàu khoan Mikhain Mirchin khoan giếng BH-5 khẳng định dòng dầu có giá trị thương mại tại mỏ Bạch Hổ và ngày 6-11-1984, Vietsovpetro hạ thủy chân đế giàn khoan cố định MSP-1 tại mỏ Bạch Hổ.
Ngày 26-6-1986, khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam, từ giàn MSP-1. Năm 1988 phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm và mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống. Các thành quả này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Sau hơn nửa thế kỷ triển khai công tác tìm kiếm thăm dò, đến nay Việt Nam đã xác định được 8 bể trầm tích dầu khí có tuổi Cenozoic trên thềm lục địa và vùng biển của Việt Nam gồm bể trầm tích Sông Hồng, bể trầm tích Hoàng Sa, bể trầm tích Phú Khánh, bể trầm tích dầu khí Cửu Long, bể trầm tích dầu khí Nam Côn Sơn, bể trầm tích Tư Chính - Vũng Mây, bể trầm tích Trường Sa, bể trầm tích dầu khí Mã Lai - Thổ Chu. Một số mỏ ở bể Cửu Long (được xem là bồn có chất lượng tốt nhất) như Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng ở bồn trũng Nam Côn Sơn là những mỏ có chứa dầu cả ở đá móng.
Thành tựu và thương hiệu
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước để làm giàu cho Tổ quốc.
Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chiến lược phát triển của ngành Dầu khí: ngày 7-7-1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000; ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị có Kết luận số 41-KL/TW và ngày 9-3-2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025. Có thể nói, kể từ sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 41, ngành Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc.
Đặc biệt, ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài. Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của Tập đoàn, động lực lớn lao đối với niềm tin và khát vọng của mỗi người Dầu khí. Tiếp đó, ngày 16-10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí ngày 6-7-1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 9-6-2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 3-6-2008, tạo ra một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, quy định đầy đủ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong các nội dung về đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; thực hiện hoạt động dầu khí; trữ lượng và phát triển mỏ; thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí cũng như các quy định quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, 55 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước. Từ điểm mốc khai thác m3 khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình năm 1981 và khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ năm 1986, đến nay Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài.
Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 160 tỉ USD, luôn ở mức tăng trưởng cao gần 20%/năm. Đến nay đã tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 440 nghìn tỉ đồng, tổng tài sản toàn Tập đoàn 760 nghìn tỉ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước chiếm trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm. Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu; với số lượng hiện có là trên 55 nghìn lao động, trong đó trên 5.500 người có trình độ trên đại học, trên 25.000 người có trình độ đại học và cao đẳng và trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí của Tập đoàn thời gian qua, Tập đoàn đã thực sự là nòng cốt là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm chủ yếu của ngành: dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường.
Bên cạnh việc tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới Quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, Tập đoàn đã đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội. Chỉ trong giai đoạn 2006-2015, xuất phát từ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, trách nhiệm của toàn thể CBCNV đối với xã hội và cộng đồng, toàn Tập đoàn thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền trên 6.500 tỉ đồng, đã góp phần thiết thực cùng Chính phủ thực hiện các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.
Vinh dự và tự hào
Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá cao, ghi nhận những thành tích to lớn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và trao tặng Tập đoàn nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng Lao động...
Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tự hào đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống, cùng ôn lại chặng đường lịch sử vinh quang để mỗi người Dầu khí đều nhận thức được trách nhiệm cao cả song cũng rất nặng nề, khó khăn với nhiều thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn giá dầu ở mức thấp như hiện nay, nhằm cùng nhau phát huy truyền thống của các thế hệ những người đi tìm lửa, tiếp tục tiến bước vững chắc về phía trước, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Với sự chung sức chung lòng, gìn giữ bản sắc và giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí, bằng tất cả nhiệt huyết, ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên, sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp Dầu khí của tập thể CBCNV-LĐ toàn Tập đoàn, chắc chắn ngọn lửa Dầu khí, tinh thần Dầu khí sẽ mãi tỏa sáng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ phát triển lớn mạnh không ngừng.
NGUYỄN TIẾN DŨNG