RSS Feed for Hiệu quả từ cơ chế Thứ sáu 19/04/2024 20:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả từ cơ chế "điều hành phi lợi nhuận" mỏ Sông Đốc

 - Thông tin từ Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết: Việc thuê tàu kho nổi xử lý, chứa và xuất dầu thô (FPSO) Sông Đốc Pride MV 19 cho mỏ Sông Đốc đã được thống nhất với mức giá rẻ hơn 1,3 triệu USD so với mức mà chủ cũ của tàu là Modec (Nhật Bản) đưa ra trước đó. Đây là thành công của PVEP POC trong việc hạ giá thành khai thác dầu trong bối cảnh giá dầu thô bán ra chỉ ở mức khoảng 50 USD/thùng trong khi giá hoà vốn khai thác trung bình của ngành dầu khí hiện tại là 45 USD/thùng.

PVEP - Zarubezhneft phát triển các thân dầu trên biển Việt Nam
Nga mở rộng hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam

Thoả thuận bàn giao và cho thuê tàu FPSO vừa được ký kết giữa ba bên là Công ty Điều hành trong nước PVEP POC, Công ty Sông Đốc MV 19 B.V (thay mặt chủ cũ Modec Nhật Bản) và chủ tàu mới là Công ty TNHH Dịch vụ Ngoài khơi Phía Nam (SPO).

Theo thỏa thuận, Modec Nhật Bản (đại diện là Song Doc MV19 B.V.) sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê tàu cho Công ty Dịch vụ Ngoài khơi Phía Nam (SPO). PVEP xác nhận việc chuyển giao này và giải phóng Modec khỏi các nghĩa vụ phải thực hiện tiếp theo của Hợp đồng.

Hợp đồng mới cho việc thuê tàu FPSO Song Doc MV19 được ký giữa PVEP và SPO có thời hạn 1 năm với mức giá thấp hơn 1,3 triệu USD so với đơn giá gia hạn ban đầu mà MODEC đề nghị. Trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng và thuê tàu kéo dài suốt từ tháng 3/2017 đến nay với hàng chục cuộc họp giữa các bên.

Việc ký hợp đồng thuê tàu FPSO cho Mỏ Sông Đốc với mức giảm 1,3 triệu USD là thành công của PVEP POC trong việc hạ giá thành khai thác dầu trong bối cảnh giá dầu thô bán ra chỉ ở mức khoảng 50 USD/thùng trong khi giá hoà vốn khai thác trung bình của ngành dầu khí hiện là 45 USD/thùng.

Sông Đốc là mỏ dầu khí cận biên nằm ở vùng nước sâu có trữ lượng nhỏ, sản lượng thấp, lại bị nước xâm nhập trên 50% nên việc tổ chức khai thác, thu gom phức tạp, chi phí cao. Vì vậy, PVEP đã đề xuất với Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phương án cho cơ chế điều hành phi lợi nhuận mỏ Sông Đốc, để khai thác tận thu mỏ.

Sau kiến nghị này, tháng 11/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt "Cơ chế Điều hành phi lợi nhuận mỏ Sông Đốc" trên cơ sở đề xuất của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và các cơ quan chủ quản. Đây được coi là dấu mốc đặc biệt trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam về cơ chế quản lý hoạt động thăm dò khai thác.

Với đề án đã được phê duyệt, mỏ Sông Đốc - Lô 46/13 trở thành mỏ khai thác đầu tiên trong lịch sử ngành Dầu khí được vận hành theo một cơ chế mới - Phi lợi nhuận, đảm bảo tận thu khai thác nguồn tài nguyên cho Tổ quốc, là dấu mốc tiên phong mở ra hướng đi trong việc triển khai các mỏ nhỏ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mỏ Sông Đốc - lô 46/13 nằm trong Bể Malay - Thổ Chu, cách mũi Cà Mau khoảng 205 km về phía Tây Nam và cách mỏ Bunga Kekwa - Malaysia đang khai thác dầu khí khoảng 30 km về phía Tây Bắc.

Mỏ được đưa vào khai thác từ ngày 24-11-2008 và được vận hành bởi Công ty Điều hành chung Trường Sơn (TS JOC). Với sự tham gia của các bên nhà thầu gồm: PVEP 40%, Talisman Vietnam 30% và Petronas Carigali Overseas 30%.

Sau 5 năm vận hành và khai thác không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, TS JOC đã dừng dự án và bàn giao lại mỏ Sông Đốc cho Chính phủ Việt Nam từ 24-11-2013.

Mỏ Sông Đốc ở khu vực nước sâu, xa bờ, trữ lượng còn không nhiều, hàm lượng nước xâm nhập từ 50% đến 90%, việc tổ chức khai thác, thu gom khá phức tạp, chi phí cao.

Theo cơ chế truyền thống, chắc chắn phải dừng khai thác và triển khai việc thu dọn mỏ, vì đã tìm mọi phương cách cắt giảm các dịch vụ phụ trợ, đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ thiết yếu, để hạ giá thành khai thác, tuy nhiên, với các chi phí của hoạt động khai thác dầu khí thì nhà sản xuất vẫn lỗ nặng. Nhưng không thể bỏ phí hàng triệu thùng dầu trị giá hàng triệu USD, chưa kể chi phát phát sinh khi thu dọn mỏ cũng sẽ tốn kèm hàng chục triệu USD. 

Điểm cốt lõi, phương thức này sẽ giúp Nhà nước thu về được khoảng 10 triệu USD doanh thu dầu thô tại mỏ này và người lao động có công ăn việc làm. Đây là cơ chế có tính đặc thù, chỉ dành riêng cho mỏ Sông Đốc, nơi hoàn toàn do người Việt Nam tự điều hành.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động