RSS Feed for Truyền tải điện 2 dâng hương Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 00:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Truyền tải điện 2 dâng hương Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

 - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) và 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2017), ngày 20/7, đoàn công tác của Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) do ông Trần Thanh Phong - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc PTC2 dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn...

Công ty Truyền tải điện 2 viếng và dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Như thành thông lệ, cứ vào tháng bảy hàng năm trên mọi ngả đường lên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn lại đông hơn thường lệ bởi những đoàn người “hành hương về những chốn linh thiêng”. Nắng nóng hầm hập cộng với gió Lào và bụi đất đỏ cũng không thể ngăn bước chân của những người cựu chiến binh đi tìm đồng đội, của những người vợ đi tìm chồng, con đi tìm cha và cả những người phương xa tìm đến đây mong được thắp một nén nhang thành kính đến những liệt sỹ một thời sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và tham gia nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Lào.

Để tri ân các anh hùng liệt sĩ, ngày 24/10/1975, Đảng và Nhà nước đã xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (khu đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh) có diện tích 140.000 m2 là nơi yên nghỉ của hơn 10.263 phần mộ liệt sỹ; được chia thành nhiều khu vực theo địa phương như: Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên; Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng ... Đây là nơi những người con ưu tú của ba thứ quân bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã hy sinh từ những trận chiến đấu khốc liệt với kẻ thù trên khắp các chiến trường như đất bạn Lào, chiến dịch Khe Sanh, dãy Trường Sơn, đường 9 Nam - Lào, Thành cổ Quảng Trị, Gio Linh, Cam Lộ, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đại lộ tử thần và cả mặt trận phía nam, Tây Nguyên, Quảng Đà, Thừa Thiên Huế... Hòa vào dòng người lặng lẽ bước đi bên tiếng nhạc và lời bình tôn vinh công lao của các anh hùng liệt sĩ, âm vang giữa núi đồi như lời thổ lộ tri âm của những người đến viếng thăm.

Bác quản trang kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện. Những câu chuyện đầy bi hùng và cả những câu chuyện bí ẩn mang tính tâm linh, linh thiêng không nơi nào thấy. Từ chuyện cây bồ đề thiêng tự mọc sau đài toả ra ba tán rộng mát mà ở Quảng trị cây bồ đề rất hiếm và khó thấy, vậy mà cây lại tự mọc ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Một loài cây chỉ mọc ở đất Phật và những chốn linh thiêng lại tìm đến với các anh hùng liệt sỹ. Đây có lẽ là ý Trời dành riêng cho họ, rồi những câu chuyện hồ nước không bao giờ cạn giữa đồi núi khô cằn kể cả mùa hè nắng hạn khô rát bởi gió Lào và những câu chuyện cảm động khi thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng, tìm được phần mộ người thân yêu của mình. Chúng tôi mỗi người cầm một nắm nhang đi thắp lên những ngôi mộ. Khói hương hòa quyện vào cái nắng xế chiều trong gió của đại ngàn Trường Sơn đã tạo một cảm giác tôn nghiêm. Tôi và những người cùng đi xin gửi một lời khấn nguyện cho các hương linh anh hùng được yên nghỉ thanh thản nơi đây.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Phong - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết: Đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ Quảng Bình đến Gia Lai, trong đó PTC2 có Truyền tải điện Quảng Trị đóng quân trên đất Quảng Trị khói lửa, đây không chỉ là niềm tự hào, vinh dự mà còn cả trọng trách lớn lao. Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Công ty Truyền tải điện 2 thường xuyên tổ chức cho CBCNV thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tham gia ủng hộ quỹ tôn tạo và xây dựng nghĩa trang. Đây là hoạt động thường xuyên, nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho mỗi cán bộ công nhân viên đối với nhiệm vụ xây dựng đất nước. Quyết tâm đưa dòng điện đến muôn nơi để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh xứng đáng với những giọt máu đào của những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của CBCNV Công ty…

Theo ông Trần Thanh Phong, hiện nay, Công ty đang phụng dưỡng 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng và hương khói cho 8 mẹ VNAH đã qua đời. Hàng năm đến thăm và tặng quà trị giá hàng chục triệu đồng cho các Trung tâm điều dưỡng Thương binh nặng Hội An, Trung tâm nuôi dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng, hỗ trợ, tôn tạo các nghĩa trang và tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện, như ủng hộ các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam, quỹ vì người nghèo, gia đình chính sách và xây dựng các công trình phúc lợi, tặng nhà tình nghĩa và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và xã hội từ thiện khác trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.

Ông Trần Thanh Phong – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty ghi sổ lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Hơn 42 năm chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về cuộc chiến vẫn còn khắc khoải mãi không nguôi. Trong quá khứ Quảng Trị có lẽ là nơi hứng chịu bom đạn và là nơi mất mát nhiều nhất, chỉ riêng 81 ngày đêm oai hùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ của quân và dân ta từ 28/6 - 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót (Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972). Cả 2 Nghĩa trang Quốc gia và nhiều Nghĩa trang liệt sỹ khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có bao nhiêu ngôi mộ là từng ấy nỗi đau mất mát của nhiều thế hệ gia đình. Dù biết là hy sinh nhưng lòng họ vẫn nghĩ đến ngày toàn thắng, những trang sử vàng của dân tộc đã được viết lên bằng máu của tuổi thanh xuân của những chàng trai trẻ, họ mãi mãi khắc ghi trong lòng người dân Việt Nam.

Nhà báo Lê Quy Dương - một cựu chiến binh từng tham gia 81 ngày đêm chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị khi về thăm chiến trường xua, thăm lại dòng sông máu lửa Thạch Hãn đã dấy lên phòng trào thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn và sáng tác bài thơ bất hủ, như muốn nhắn nhủ chúng ta luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông.

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”

Quảng Trị hôm nay vẫn còn là một tỉnh nghèo nhưng luôn là niềm tự hào của cả dân tộc. Mai này, con đường xuyên Á sẽ mở ra cơ hội hội nhập. Sự sầm uất của Trung tâm kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo sẽ là nơi đến của bạn bè trong và ngoài nước. Vùng cảng Mỹ Thuỷ (Hải Lăng) sẽ thành khu kinh tế liên hoàn Đông - Nam của tỉnh; những cảng nước sâu, bãi tắm, nhà máy công nghiệp, khu dịch vụ và tuyến đường bộ, đường sắt nối liền trong chuỗi hành lang kinh tế Đông - Tây. Những công trình mới cứ thế mọc lên và dòng điện mà những người thợ truyền tải điện sẽ sáng mãi. Và ai đó, khi có dịp đi qua Quảng Trị dù chỉ một lần, xin hãy ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, Bến bờ Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Dốc miếu, Cồn Tiên, địa đạo Vịnh Mốc, bên cầu Hiền Lương để chiêm nghiệm, được sống thật với lòng mình, để được thả một cành hoa xuống dòng Thạch Hãn để bày tỏ tri ân tuổi thanh xuân bất tử của những anh hùng liệt sỹ và hơn thế nữa duy trì thường xuyên Phong trào đền ơn đáp nghĩa thể hiện tình cảm, trách nhiệm các thế hệ CBCNV đối với những người có công với đất nước. Điều này đã khắc họa thêm nghĩa tình sâu nặng của Công ty Truyền tải điện 2 trên mảnh đất miền Trung để từ đó mỗi CBCNV ý thức hơn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và nỗ lực cống hiến sức mình cho sự phồn vinh của đất nước hôm nay và mai sau.

QUANG THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động