RSS Feed for Trong 2 tháng đầu năm, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 10,9% so với cùng kỳ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 08/05/2024 14:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trong 2 tháng đầu năm, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 10,9% so với cùng kỳ

 - Tính từ đầu năm 2024 đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 10,8%, miền Nam 12% và miền Trung 6,9%.
Giá điện ‘hai thành phần’ - Xu thế tất yếu trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam Giá điện ‘hai thành phần’ - Xu thế tất yếu trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam

Việc áp dụng giá điện hai thành phần (theo công suất và điện năng tiêu thụ) được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, cũng như người tiêu dùng điện. Vì vậy, Bộ Công Thương đã giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần để tiến tới thay thế cho giá điện một thành phần (tiền điện chỉ trả theo điện năng tiêu thụ) đang thực hiện. Để làm rõ thêm nội dung này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết tổng hợp, phân tích dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Giải pháp giải cứu ngành điện Việt Nam trong năm 2024 Giải pháp giải cứu ngành điện Việt Nam trong năm 2024

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trồng cam, khoai, dưa hấu, nuôi tôm hùm... khi gặp khó khăn trong tiêu thụ do “dư thừa sản xuất” tại một thời điểm nhất định, chúng ta đã có các chiến dịch “giải cứu”. Ngược lại, với ngành điện, do “thiếu năng lực sản xuất”, nên trong năm 2024 dự kiến có nhiều khó khăn trong cung ứng điện, cả về sản lượng (MWh) và công suất đỉnh (MW). Vậy, liệu có cần lên kế hoạch cho chiến dịch “giải cứu ngành điện” hay không? Dưới đây là một vài giải pháp đề xuất theo tinh thần giải cứu ngành điện trong năm 2024 của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực (tháng 2/2024): Trong tuần 7/2024, phụ tải tiếp tục duy trì thấp so với mức trung bình từ đầu năm do ảnh hưởng dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Sản lượng trung bình ngày là 573 triệu kWh (triệu kWh), cao hơn so với tuần trước khoảng 14,3 triệu kWh.

Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 10,8%, miền Nam 12% và miền Trung 6,9%).

Công suất cực đại trong tuần đạt 36.106 MW, cao hơn 249.6 MW so với tuần trước. Tình hình cung cấp điện trong tuần tiếp tục được đảm bảo tốt.

Về vận hành nguồn điện, tại miền Bắc, Cục Điều tiết Điện lực đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thuỷ điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024.

Từ ngày 18/2/2024, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã triển khai giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500 kV Trung - Bắc (cung đoạn đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan) với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc, nhất là các hồ có mực nước thấp.

Từ 0h ngày 16/2 - 12h ngày 21/2, A0 huy động các nhà máy thủy điện: Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2024 (đợt 2).

Sau dịp nghỉ lễ tiếp tục huy động các tổ máy của các nhà máy nhiệt điện: Ninh Bình, Thái Bình 2 để giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc, đáp ứng cao điểm và đảm bảo an ninh cung cấp điện mùa khô. Còn Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được huy động theo hợp đồng đảm bảo bao tiêu.

Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tận dụng khả năng truyền tải để tiết kiệm thủy điện miền Bắc truyền tải trên cung đoạn 500 kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 17,5 ÷ 37,2 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.302 MW.

Tại khu vực miền Trung và miền Nam, EVN đã huy động tối đa có thể nguồn thủy điện đang xả và các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 121,6 triệu kWh, các nhà máy còn lại khai thác tối ưu theo kế hoạch.

Trong tuần, A0 đã thực hiện đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành AGC (hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất) theo điều kiện giám sát công suất trên cung đoạn Nghi Sơn 2 - Nho Quan trong các khung giờ thấp điểm trưa do quá giới hạn truyền tải, đặc biệt các ngày cuối tuần. Mặt khác, huy động nguồn từ Thủy điện Ialy đảm bảo mực nước thi công công trình Ialy mở rộng. Cùng với đó là duy trì các tổ máy nhiệt điện than (7 - 15 tổ máy), tua bin khí (5 - 8 tổ máy) để đảm bảo khả dụng nguồn, đáp ứng nhu cầu phụ tải và chế độ lưới điện, cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống cấp khí.

Tình hình thủy văn và cung cấp than, khí cho phát điện:

Từ đầu tháng Hai đến nay, lượng nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 48 - 99% (ngoại trừ các nhà máy thủy điện: Thác Bà, Tuyên Quang). Tại miền Trung, các hồ có nước về tốt, hầu hết đều đạt xấp xỉ, hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trừ một số hồ có nước về kém như: Quảng Trị, Bình Điền, Hương Điền, A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Vĩnh Sơn A/B, Kanak, Sông Ba Hạ, Nam Kong 3, Ialy, ĐakRTih, Đồng Nai 3, Sông Côn 2A... chỉ đạt khoảng 18 - 98% trung bình nhiều năm).

Còn tại miền Nam, các hồ có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 39 - 98% (ngoại từ các nhà máy thủy điện: Đồng Nai 2, Hàm Thuận, Đa Nhim).

Hiện tại trên hệ thống không có hồ nào xả điều tiết.

Sản lượng theo nước về các hồ thuỷ điện trung bình đạt khoảng 97,7 triệu kWh/ngày.

Trong tuần, công tác cung cấp than được đảm bảo, cung cấp khí từ nguồn Nam Côn Sơn + Cửu Long đạt khoảng 9,5 triệu m3/ngày. Còn nguồn khí từ PM3 - Cà Mau cho Nhà máy điện Cà Mau là khoảng 4,4 triệu m3/ngày.

Qua báo cáo của cơ quan điều tiết điện lực cho thấy: Nhìn chung, nước về hồ thủy điện miền Bắc vẫn thấp hơn kế hoạch, nên A0 vẫn phải tăng cường huy động điện than, điện khí và năng lượng tái tạo để tiết kiệm nước. Trong điều kiện thiếu nguồn điện ở miền Bắc như hiện nay, thì đó vẫn là biện pháp an toàn. Tuy nhiên, EVN có thể phải chịu thiệt hại doanh thu, vì thủy điện đến nay vẫn là nguồn rẻ nhất./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động