RSS Feed for Tổng công ty Khoáng sản - TKV: 26 năm xây dựng và phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 17:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Khoáng sản - TKV: 26 năm xây dựng và phát triển

 - Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển (27/10/1995 - 27/10/2021), Tổng công ty Khoáng sản - TKV (VIMICO) đã vươn lên là doanh nghiệp hàng đầu của nước ta về khai thác và chế biến khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, giảm nhập khẩu, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại nhiều địa phương có đơn vị của VIMICO đứng chân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, TKV vẫn duy trì ổn định sản xuất Trong bối cảnh dịch Covid-19, TKV vẫn duy trì ổn định sản xuất

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến điều hành sản xuất - kinh doanh tháng 10/2021, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Trong tháng 9, và 9 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn cơ bản đạt kế hoạch đề ra, việc làm và đời sống người lao động được đảm bảo.


Ngày 27/10/1995, VIMICO được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty khoáng sản Quý hiếm Việt Nam và Tổng công ty phát triển Khoáng sản. Chặng đường 26 năm chứng kiến sự đổi thay không ngừng để có tầm vóc, vị thế ngày hôm nay của Tổng công ty được viết nên bởi tinh thần đoàn kết, sự bền bỉ và những nỗ lực không ngừng vượt qua rất nhiều khó khăn của lớp lớp thế hệ CBCNV, người lao động VIMICO.

Đặt nền móng ban đầu:

Ngày 27/10/1995, Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp nặng có Quyết định số 1118/QĐ-TCCBĐT thành lập Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam với 17 đơn vị thành viên và 7.800 CNV, người lao động. Tại thời điểm thành lập, tổng nguồn vốn kinh doanh của Tổng công ty chỉ là 120 tỷ đồng, chủ yếu do tiếp nhận và sáp nhập các đơn vị, hầu như chưa được Nhà nước bổ sung thêm vốn.

Quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 01/3/1996 của Bộ Chính trị về phát triển chế biến khoáng sản, xác định rõ những cơ hội và thách thức, những thuận lợi và khó khăn, ngay từ khi mới thành lập, với tiêu chí đặt nền móng, làm công tác chuẩn bị cho phát triển sau này, đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty đã xây dựng chiến lược phát triển với mục tiêu tập trung phát triển tài nguyên và chuẩn bị đầu tư dự án vừa và nhỏ, củng cố SXKD của các đơn vị thành viên.

Được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người lao động, nhiều dự án đưa vào sản xuất có hiệu quả từ năm 1997 - 2000 như: Dự án lò quay xử lý quặng oxít nghèo, sản xuất oxít kẽm 60% quy mô 4.000 tấn sản phẩm/năm; khai thác inmenite Kỳ Xuân 20.000 tấn tinh quặng/năm; cải tạo xưởng tuyển nổi kẽm chì Làng Hích 3.000 tấn tinh quặng kẽm/năm; sản xuất gang đúc tại Cao Bằng với công suất 26.000 tấn/năm… Với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, các dự án đã đầu tư đưa vào sản xuất đều có hiệu quả, tạo thêm việc làm cho gần 2.000 lao động, đưa mức tăng trưởng và giá trị tổng sản lượng bình quân 10 năm của Tổng công ty đạt trung bình trên 13% năm, từng bước khắc phục các khó khăn, thua lỗ của các đơn vị giai đoạn trước.

Từ năm 2000 đến 2005, VIMICO đã quyết định tập trung nhân lực và vật lực lớn nhất chuẩn bị đầu tư các dự án quy mô về khai thác chế biến khoáng sản. Giai đoạn này, dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền được phê duyệt và triển khai thực hiện với công suất 10.000 tấn đồng cathode/năm với tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Cùng thời gian đó, dự án Kẽm điện phân Thái Nguyên với công suất 10.000 tấn kẽm thỏi/năm cũng được Bộ Công nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để triển khai thực hiện. Ngoài ra, các dự án chế biến sâu khoáng sản như Điatomit, Khai - tuyển quặng Crommit tại Thanh Hóa… cũng được lập và quyết định đầu tư.

Trong thời kỳ này, tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn Tổng công ty là 11,45% (giai đoạn 1996 - 2000) và 13,5% (giai đoạn 2001 - 2005); thu nhập bình quân của người lao động từ năm 1995 là 303.500 đồng/người/tháng, đến năm 2000 là 650.000 đồng/người/tháng và đạt 1.765.000 đồng/người/tháng vào năm 2005.

Tổng công ty Khoáng sản - TKV: 26 năm xây dựng và phát triển
Nhà máy Gang - thép Cao Bằng.

Kết quả 10 năm từ năm 1995 đến năm 2005, giá trị tổng sản lượng toàn Tổng công ty tăng 2,5 lần so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13% năm, tổng doanh thu năm 2005 gấp 3 lần so với năm 1996, nộp ngân sách Nhà nước tăng 3,58 lần, tổng giá trị tài sản Tổng công ty tăng gần 10 lần so với khi mới được thành lập, thu nhập bình quân tăng hơn 2 lần so với năm 1996. Những thành công ban đầu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Tổng công ty thời gian sau này.

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt đầu từ năm 2001, Tổng công ty đã tích cực đẩy mạnh thực hiện việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Một số đơn vị thuộc Tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với nhiều thách thức và cơ hội mới.

Gai đoạn chuyển mình và phát triển:

Ngày 26/12/2005, VIMICO trở thành Công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (theo Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với tên gọi Tổng công ty Khoáng sản - TKV. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp 26 năm phát triển của Tổng công ty.

Được sự chỉ đạo sâu sát cũng như được tiếp nhận mô hình quản lý hiệu quả từ Tập đoàn, giai đoạn từ năm 2006 đến 2010 đánh dấu thời kỳ phát triển rực rỡ của Tổng công ty. Tổng công ty tiếp tục triển khai quyết liệt việc sắp xếp, cấu trúc lại doanh nghiệp qua việc cổ phẩn hóa các đơn vị và tham gia thành lập các doanh nghiệp mới thông qua các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất.

Công tác đầu tư được đẩy mạnh, các công trình, dự án lớn hoàn thành và đưa vào sản xuất như: Tổ hợp đồng Sin Quyền, Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên với công suất đạt và vượt thiết kế, cho ra đời những tấn đồng kim loại và kẽm kim loại với quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Trên cơ sở thành công của các dự án, Lãnh đạo Tổng công ty quyết định tiếp tục triển khai đầu tư các dự án lớn khác như: Gang thép Cao Bằng, Gang thép Lào Cai, Đất hiếm Lai Châu… Tổng giá trị đầu tư 5 năm 2005 - 2010 đạt gần 7.223 tỷ đồng, tăng gấp 5,9 lần so với kế hoạch 5 năm trước.

Thời kỳ này, Tổng công ty còn tham gia góp vốn với 10 công ty cổ phần liên doanh, liên kết với số vốn là 281 tỷ đồng. Đây cũng là thời kỳ, Tổng công ty thực hiện đầu tư mạnh vào chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và các dự án lớn đi vào sản xuất đạt hiệu quả, các chỉ tiêu SXKD có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với 5 năm trước và được thể hiện ở một số chỉ tiêu chính như:

Nếu giai đoạn (2000 - 2005) có Tổng doanh thu là 3.390 tỷ đồng; lợi nhuận 24 tỷ đồng; thu nhập của người lao động 1,06 triệu đồng/người/tháng; tổng tài sản đến 31/12/2005 là 1.100 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà nước 186 tỷ đồng. Thì bước sang giai đoạn (2006 - 2010), các chỉ tiêu tương ứng là: Tổng doanh thu đạt 11.147 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 1.300 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động 2,9 triệu đồng/người/tháng; tổng tài sản đến 31/12/2010 trên 3.300 tỷ đồng; vốn nhà nước sở hữu gần 1.000 tỷ đồng, được hình thành từ tích tụ lợi nhuận sau thuế. Những con số trên cho chúng ta thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ và sự xác lập vị thế một cách vững chắc của Tổng công ty trong bản đồ các doanh nghiệp sản xuất khoáng sản trong nước.

Từ ngày 15/6/2010, Tổng công ty chuyển thành Công ty TNHH MTV với tên gọi là Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và mô hình công ty mẹ - công ty con.

Tại thời điểm phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động, vốn điều lệ của Tổng công ty là 1.090 tỷ đồng, công ty mẹ gồm 6 chi nhánh - đơn vị trực thuộc, 12 công ty con do Tổng công ty giữ cổ phần chi phối, 17 công ty liên doanh liên kết, 1 công ty do Tổng công ty sở hữu 100 % vốn điều lệ.

Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Nhà nước đẩy mạnh việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế chống lạm phát, sức mua giảm, giá cả đầu vào nhiều loại biến động tăng, nhất là các loại thuế, phí, lệ phí tăng mạnh làm tăng chi phí giá thành; Thị trường tiêu thụ khoáng sản biến động theo chiều hướng đi xuống, giá bán các sản phẩm chính của Tổng công ty giảm. Nhiều thời điểm sản phẩm tồn kho số lượng lớn, tình hình tài chính khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả SXKD của Tổng công ty.

Với hành trang là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, Ban lãnh đạo và CB CNV trong toàn Tổng công ty cùng đồng thuận một lòng quyết tâm vượt qua khó khăn, quyết liệt triển khai và thực hiện nhiều chương trình, giải pháp lớn như: Tập trung thực hiện Đề án đổi mới tái cơ cấu của Tổng công ty giai đoạn 2011 - 2015 tầm nhìn 2020; hoàn thiện nâng cao hiệu quả các công tác quản lý kỹ thuật, quản trị chi phí, hệ thống quản lý nội bộ; Đẩy mạnh công tác phát triển tài nguyên; Tăng cường công tác quản lý kinh tế - kỹ thuật tại các dự án đã đưa vào hoạt động để nâng cao hiệu quả SXKD. Tập trung đổi mới cơ cấu chất lượng lao động; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo cho người lao động...

Với các giải pháp quyết liệt, từ năm 2010 đến năm 2015, các sản phẩm sản xuất chủ yếu của Tổng công ty như đồng tấm, kẽm thỏi, thiếc thỏi… đều tăng đáng kể so với giai đoạn trước. CBCNV đã làm chủ được dây chuyền công nghệ tổng doanh thu giai đoạn 2011 - 2015 so với giai đoạn 2006 - 2010 tăng 1,6 lần; nộp ngân sách tăng 2,5 lần.

Với thế và lực đã có, thời kỳ này Tổng công ty quyết định chuẩn bị và triển khai đầu tư các dự án trọng điểm: Dự án Khai thác mở rộng và nâng công suất khu Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai; dự án mở rộng và nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai giai đoạn 1 đạt 30.000 tấn/năm;…

Từ tháng 10 năm 2015, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP. Tổng công ty tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp kim loại màu tại Việt Nam và khu vực, giữ vững là một trong những đơn vị mạnh trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

VIMICO khẳng định vị thế, bước lên tầm cao mới:

Giai đoạn 2016 - 2021 tiếp tục là phép thử đối với CBCNV và người lao động Tổng công ty với nhiều khó khăn, thử thách. Giá khoáng sản liên tục giảm sâu, có thời gian dài giá bán giảm dưới giá thành; điều kiện khai thác tại các mỏ ngày càng khó khăn; nguồn tài nguyên khoáng sản giảm; dự án Khu liên hợp gang thép Cao Bằng chính thức đi vào hoạt động cần sự hỗ trợ nguồn lực rất lớn từ Công ty mẹ cùng thời gian Tổng công ty thực hiện 2 dự án trọng điểm (dự án mở rộng và nâng công suất Khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền và dự án mở rộng và nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai) đòi hỏi tập trung cao nhất nhân lực, vật lực; trong khi do điều kiện quá khó khăn, người lao động nghỉ việc nhiều, đặc biệt những năm từ 2016 đến 2018; sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 và tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, các doanh nghiệp và chưa có dấu hiệu dừng lại…

Lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty đã chứng minh, càng trong khó khăn thử thách, bản lĩnh của “người khoáng sản” càng tỏa sáng. Đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, với sự đồng lòng nhất trí thực hiện của cả hệ thống chính trị và toàn thể người lao động. Tổng công ty quyết liệt thực hiện tái cơ cấu tổ chức bằng việc giảm đầu mối các đơn vị kinh doanh ngoài ngành và đơn vị kém hiệu quả, không còn dư địa phát triển. Cùng với đó là việc tái cơ cấu mạnh mẽ quản trị nội bộ; công tác quản trị chi phí ngày càng xiết chặt; người lao động làm chủ công nghệ hệ thống dây chuyền sản xuất của Nhà máy gang thép Cao Bằng. Công tác phát triển tài nguyên được đặc biệt chú trọng bằng việc nhiều mỏ được cấp phép khai thác.

Tổng công ty Khoáng sản - TKV: 26 năm xây dựng và phát triển
Toàn cảnh nhà máy luyện đồng thuộc dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai.

Kết quả công tác đầu tư các dự án trọng điểm tuy chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan song vẫn là điểm sáng giữa bối cảnh diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, trong đó, nổi bật là dự án mở rộng và nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai đã hoàn thành và được lựa chọn là công trình tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái thành lập tỉnh Lào Cai…

Năm 2019 cũng đánh dấu một bước ngoặt trong chặng đường phát triển của Tổng công ty. Ngày 5/11/2019, tại Quyết định số 7954-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội, Đảng bộ Tổng công ty đã chính thức được chuyển giao về trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Sau khi về sinh hoạt tại Đảng bộ Tập đoàn, Đảng bộ Tổng công ty nhận được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ SXKD. Đảng bộ Tổng công ty ngày càng phát huy thế mạnh và kết quả đạt được, tiếp tục lãnh đạo xây dựng Đảng bộ vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Bước vào năm 2021, với những sự chuẩn bị kỹ càng, Tổng công ty đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội thị trường để tăng nhanh, mạnh, bền vững các chỉ tiêu sản lượng cũng như giá trị, góp phần quan trọng cho giai đoạn Giai đoạn 2016 - 2021, khẳng định vị thế và đưa Tổng công ty bước lên một tầm cao mới với những con số đặc biệt ấn tượng.

Tính đến hết 9 tháng năm 2021, vốn chủ sở hữu là 2.923 tỷ đồng bằng 120% so với năm 2015. Tổng tài sản 10.138 tỷ đồng bằng 164% so với năm 2015. Tổng doanh thu cả giai đoạn là 33.168 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Lợi nhuận trước thuế 1.638 tỷ đồng, tăng 1,76 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Nộp ngân sách 4.786 tỷ đồng, bằng 161% so với giai đoạn 2010 - 2015./.

HÙNG MẠNH

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động