RSS Feed for PVN nghiên cứu phương án đầu tư hạ tầng nhập khẩu khí LNG | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 14:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVN nghiên cứu phương án đầu tư hạ tầng nhập khẩu khí LNG

 - Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện Tập đoàn này đang nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng kho, cảng để nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và nghiên cứu phương án xây dựng đường ống kết nối khí các khu vực, hình thành đường ống dẫn khí quốc gia của Việt Nam.



Hoàn thiện thể chế cho ngành Dầu khí Việt Nam theo quan điểm của Bộ Chính trị
Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí

 



Theo đó, mục tiêu của PVN là phấn đấu xây dựng ngành công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu (khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất, nhập khẩu - dự trữ - phân phối khí, sản phẩm khí) và cung cấp 100% thị phần khí khô (sản xuất trong nước) tối thiểu đạt 70% thị phần LPG toàn quốc.

Mặt khác, tập trung nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng kho, cảng để nhập khẩu LNG từ sau năm 2020, đồng thời nghiên cứu phương án xây dựng đường ống kết nối các khu vực, hình thành đường ống dẫn khí quốc gia.

Về giá khí, PVN cho biết, sẽ áp dụng chính sách giá hợp lý, theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, người dân, cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau làm tiền đề phát triển mạnh mẽ công nghiệp khí Việt Nam.

Như chúng ta biết, trong những năm qua Việt Nam vẫn chưa phải nhập khẩu khí, nhưng đã nhìn thấy trước nguồn cung cấp trong nước sẽ không đảm bảo được cho nhu cầu trong nước. Do đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "... Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)". Xây dựng cơ sở hạ tầng "đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045".

Trước đó, trong đề án Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu: "Cần nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng khí tương đương từ 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025 và từ 6 đến 10 tỷ m3/năm giai đoàn 2026 - 2035". 

Lượng LNG nhập khẩu trên đây sẽ phục vụ chủ yếu cho sản xuất điện nhằm giảm thiểu nhiệt điện than trong mục tiêu giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí nhà kính CO2.

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ về quy mô, địa điểm, thời gian đưa vào vận hành các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII sắp tới, nhưng cho thấy rằng, việc phát triển với quy mô lớn các nhà máy điện khí trong tương lai là hiển nhiên. Do đó, Việt Nam cần sớm có một chiến lược về hạ tầng đồng bộ để nhập khẩu nhiên liệu khí trong trung và dài hạn.

Theo thống kê mới nhất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, tổng công suất các nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu đã được phê duyệt và đang được đề xuất đầu tư tại miền Trung, miền Nam lên tới trên 40.000 MW, theo đó, nhu cầu LNG nhập khẩu khoảng gần 30 triệu tấn/năm. 

Còn ở khu vực miền Bắc, qua tính toán sơ bộ, giai đoạn (đến trước năm 2030), tổng nguồn điện hiện có và đang được quy hoạch xây dựng sẽ không đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải của khu vực. Trước thực tế nguồn than trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện, các chuyên gia năng lượng cho rằng, Chính phủ nên sớm xem xét việc phát triển hệ thống hạ tầng kho, cảng nhập khẩu LNG và trung tâm/tổ hợp điện khí ở miền Bắc./.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động