RSS Feed for Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 08:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ cuối]

 - Xuất phát từ thực trạng hoạt động ngành nghề và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam như đã phân tích (trong kỳ trước), để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho hoạt động dầu khí trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp mới đang phát triển mạnh mẽ, theo chúng tôi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần chú trọng tới các các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính, chế độ ưu đãi, vv...

Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ 1]
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ 2]

KỲ 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO NGUỒN NHÂN LỰC DẦU KHÍ

Thứ nhất: Trước tiên và bao trùm là Nhà nước cần phải có những cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực cho việc đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, có chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Bên cạnh đó là đổi mới hoạt động quản trị của các cơ sở đào tạo (CSĐT), sự vào cuộc của gia đình, cộng động xã hội và bản thân người học, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân.

Tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp (đặc biệt là khối tư nhân) có nghĩa vụ đóng góp một phần kinh phí đạo tạo cho các cơ sở đào tạo, kết hợp giữa công tác đào tạo với sử dụng lao động. Mối quan hệ này đã được nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá VII về "xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo với các cơ quan quản lý nhân lực và việc làm, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực".

Đào tạo và sử dụng nhân lực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Trước tiên đó là quan hệ giữa cung và cầu, trong cơ chế thị trường hiện nay nếu cung vượt quá cầu, hoặc ngược lại sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, hoặc khủng hoảng thiếu về lao động kỹ thuật.

Thứ hai: Công tác đào tạo cần bám sát chiến lược quy hoạch phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như phát triển nguồn nhân lực của các đơn vị sản xuất trong mỗi doanh nghiệp và trong mỗi ngành. Đồng thời, chủ động dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, cơ cấu chuyên ngành và yêu cầu về trình độ trong thời gian dài.

Cần có sự tham gia của doanh nghiệp với CSĐT trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo và tham gia đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp ở các trình độ đào tạo. Các CSĐT cần tổ chức tốt công tác thu nhận thông tin phản hồi của doanh nghiệp sử dụng lao động đối với sinh viên sau một quá trình làm việc. Điều này sẽ giúp CSĐT có những điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sao cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên nhanh chóng tiếp cận thực tế sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba: Các CSĐT phải chủ động tìm kiếm nguồn lực tài chính (từ ngân sách Nhà nước, từ xã hội hóa, đặc biệt là từ các doanh nghiệp, doanh nhân trực tiếp và gián tiếp sử dụng nguồn nhân lực) để đầu tư trang thiết bị thí nghiệm, phần cứng, phần mềm chuyên ngành dầu khí. Tập trung trí tuệ, nguồn lực để hoàn thiện và thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình bài giảng cho tất cả các bậc học và tất cả các hệ đào tạo.

Thứ tư: Cơ sở đào tạo phải có kế hoạch dài hạn trong đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy theo định hướng phát triển ngành nghề tại các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển, tránh đào tạo tự phát, tự liên hệ học tập các ngành nghề khác với định hướng phát triển trong đào tạo của nhà trường. Xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ giảng dạy và các nhà quản lý giáo dục một cách khoa học, minh bạch, sát với thực tế để tạo sự công minh, bình đẳng, dân chủ, sáng tạo trong hoạt động dạy và học.

Thứ năm: Có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý giáo dục đào tạo, đặc biệt là cán bộ trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ giảng dạy tự lực vươn lên trong chuyên môn. Trong đó, nâng cao trình độ, cập nhật công nghệ mới và phát huy nhiều sáng kiến trong nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, xây dựng bài giảng cập nhật, cũng như tăng cường thời lượng thực hành, bài tập gắn liền với thực tế sản xuất.

Có chế độ chính sách phù hợp để thu hút các chuyên gia giỏi đang làm việc ở các công ty dầu khí nước ngoài như: Schlumberger, Petronas, Unocal… trở về làm công tác giảng dạy (thỉnh giảng, hoặc cơ hữu). Mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến giảng dạy các khóa đào tạo ngắn hạn, các hội thảo chuyên đề giới thiệu các thành tựu công nghệ mới cho sinh viên.

Thứ sáu: Chú trọng rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho người học. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học, tìm kiếm và tổng hợp thông tin, truyền đạt thông tin, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, trình bày… Tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên dầu khí không ngừng vươn lên trong học tập, tiếp cận thực tế ngay từ khi còn học tập tại trường, tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, tạo cho mình một tác phong học tập và nghiên cứu hiện đại, trung thực, có tính tự giác, kỷ luật cao. Hướng sinh viên vào các hoạt động đoàn hội có ích như: câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ chuyên ngành, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học hàng năm nhằm tạo thêm động lực để sinh viên có nhiều ước mơ, hoài bão phát huy hết khả năng và tiềm lực trí tuệ của mình.

NHÓM TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT: 
PGS, TS. LÊ HẢI AN - HIỆU TRƯỞNG 
TS. NGUYỄN THẾ VINH - TRƯỞNG KHOA DẦU KHÍ
PGS, TS. TRẦN ĐÌNH KIÊN - TRƯỞNG BỘ MÔN KHOAN - KHAI THÁC
TS. PHẠM VĂN TUẤN - TRƯỞNG BỘ MÔN ĐỊA CHẤT DẦU KHÍ
PGS, TS. PHAN THIÊN HƯƠNG - TRƯỞNG MÔN ĐỊA VẬT LÝ
TS. LÊ ĐỨC VINH - TRƯỞNG BỘ MÔN THIẾT BỊ DẦU KHÍ VÀ CÔNG TRÌNH
PGS, TS. NGUYỄN ANH DŨNG - TRƯỞNG BỘ MÔN LỌC HÓA HÓA DẦU

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Phạm Thanh Hà, Hội nhập quốc tế Việt Nam - Quá trình phát triển nhận thức, thành tựu trong thực tiễn và một số yêu cầu đặt ra, Học viện chính trị khu vực 1, Hà Nội, 03/2017.

2. TS. Lê Xuân Vệ, Nhân lực dầu khí Việt Nam: Năng lực và tiềm năng sáng tạo, PVN, 05/2015.

3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Báo cáo thường niên các năm từ 2010 đến 2015.

4. Ban chủ nhiệm khoa Dầu khí - Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Báo cáo tổng kết công tác đào tạo tại Hội nghị Cán bộ viên chức, năm học 2013 - 2014, 2015-2016.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động