RSS Feed for Nhiệt điện “sợ” mùa mưa | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện “sợ” mùa mưa

 - Mùa mưa đến, các nhà máy nhiệt điện quan ngại sản lượng giảm, giá điện chào thấp, dù về nguyên tắc cạnh tranh ở khâu phát điện nhằm giảm giá đầu vào, khuyến khích tiết kiệm chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối để có được giá điện hợp lý và người tiêu dùng được lợi.

Nhiệt điện Na Dương: Bước chuyển mình vững chắc
Nhiệt điện Sơn Động: Giá trị tăng thêm từ áp dụng sáng kiến

Tổng công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý 5 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất 1.550MW. Đó là: Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1&2 và Đông Triều, nằm chủ yếu ở khu vực Bắc, Đông Bắc, nơi có nhiều nguồn nhiệt điện đốt than của EVN.

Tuân thủ theo đúng lộ trình của Chính phủ, các nhà máy điện của Tổng công ty Điện lực -TKV đã đáp ứng tốt việc vận hành thị trường điện.

Năm 2014, Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Sản xuất điện đạt 8.500 triệu kWh, bằng 104,3% kế hoạch, bằng 101,1% cùng kỳ. Sản lượng điện bán cho EVN năm 2014 đạt 7.539 triệu kWh, bằng 103,9% kế hoạch, bằng 101% cùng kỳ.

Cạnh tranh khốc liệt

Năm 2015 là năm thứ ba Công ty Nhiệt điện Đông Triều đi vào sản xuất kinh doanh, nhưng đã chính thức phát điện cạnh tranh từ quý II/2014. Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều cho biết, Nhiệt điện Đông Triều đã tham gia hiệu quả vào thị trường phát điện cạnh tranh. 

Tính đến hết tháng 10/2014, sản lượng điện thô đạt 2.119.927 MWh, bằng 84,80% kế hoạch năm; sản lượng điện thương phẩm đạt 1.881.859 MWh, bằng 84,58% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, Đông Triều phải cạnh tranh hết sức khốc liệt, tiết kiệm tối đa chi phí để có thể chào giá thấp và được huy động. Toàn công ty tập trung triển khai nhiều giải pháp, nâng cao công suất các tổ máy, áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả.

Thực tế, các tổ máy chạy tải 100% là kinh tế nhất. Ảnh: H. Vân

Ông Trần Văn Hoan - Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất nhận xét, sau hơn nửa năm phát điện cạnh tranh, Nhà máy vận hành khá ổn định, ít xảy ra sự cố.

Kết quả này đồng thời là minh chứng khẳng định Đông Triều đã nhận chuyển giao công nghệ thành công từ nhà thầu cũng như chủ động vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị.

Nỗi lo sản lượng

Mùa mưa năm nay đã đến rất gần, điều ông Bùi Minh Tuấn quan ngại nhất là giảm sản lượng và chào giá bán điện thấp, chỉ 1.000 đồng/kWh thay vì mức 1.310 đồng/kWh hiện nay.

Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều có công suất 440MW, nhưng mùa mưa năm 2014, Đông Triều thường chỉ vận hành một tổ máy, thậm chí quý III chỉ chạy 70-80% công suất.

Trên thực tế, các tổ máy chạy tải 100% là kinh tế nhất, chạy tối thiểu làm tiêu hao nhiều than hơn. Việc phát điện không đúng công suất thiết kế kéo doanh thu giảm sâu và làm tăng tỷ trọng khấu hao, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Không chỉ riêng Nhiệt điện Đông Triều, theo khảo sát của Năng lượng Việt Nam, Nhiệt điện Na Dương - Lạng Sơn, Nhiệt điện Sơn Động - Bắc Giang cũng rơi vào tình cảnh "sợ mùa mưa". 

Theo Quyết định 63, thị trường điện cạnh tranh được thực hiện theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (được thực hiện đến hết năm 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ 2015-2021) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ 2021 và sau 2023 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh).

Căn cứ vào việc phân bổ sản lượng cho các tổ máy của A0, các nhà máy nhiệt điện đã lập kế hoạch vận hành, bảo dưỡng đảm bảo đáp ứng tối đa huy động công suất của hệ thống. Công tác lập kế hoạch sản xuất được thể hiện theo hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.

Mùa khô Quí I, II và IV tập trung nguồn lực, phát huy tối đa công suất các tổ máy đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống. Mùa mưa Quí III, đây là thời gian phát huy các nguồn thuỷ điện, do vậy các tổ máy của Tổng công ty tập trung và công tác bảo dưỡng.

Theo lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được thực hiện từ 2016. Chuẩn bị cho lộ trình này, Nhiệt điện Đông Triều đã triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh.

Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (A0), thuộc EVN, giao chỉ tiêu sản lượng hằng năm cho các nhà máy điện, nhưng trong quá trình vận hành hằng tháng, hằng ngày, thậm chí đến hằng giờ đều có sự điều tiết trực tiếp.

Trong thị trường điện, công tác chào giá đóng vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Căn cứ thông tin thị trường về giá, phụ tải hệ thống, nguồn phát và phương thức vận hành các tổ máy, Công ty có chiến lược chào giá phù hợp.

Việc lập bản chào giá được thực hiện theo tiêu chí chào giá thấp ở những thời điểm hệ thống thừa nguồn, nhằm duy trì tổ máy, đảm bảo sản lượng hợp đồng và chào giá cao ở những thời điểm hệ thống thiếu nguồn để được huy động phát công suất tối đa, nhằm đạt sản lượng giao và phần sản lượng phát tăng thêm được thanh toán với giá thị trường cao.

Với 5 nhà máy nhiệt điện tổng công suất 1.550 MW đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Điện lực TKV đã đóng góp trên 5% tổng công suất của toàn bộ hệ thống điện Quốc gia. 

Nhưng trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện chỉ có lãi vào Quý I và Quý IV còn các Quý 2 và 3 đều lỗ. Đặc biệt, những nhà máy vay vốn đầu tư mà phải trả lãi trong ngắn hạn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc dừng lò cũng gây tốn kém chi phí cho Công ty, làm tăng lượng dầu rất lớn. Trước đây, DN chỉ khởi động lò trung bình 8 lần/năm, một lần tốn 60-70 tấn dầu, nhưng bây giờ, khởi động lò còn phụ thuộc thêm vào huy động phát điện của A0.

Thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012. Theo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, qua gần 3 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện.

Thị trường đã tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả, từ đó tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài.

Mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực tại Hội thảo Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đã khẳng định, việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào cuối năm 2015 là đúng lộ trình được quy định trong Luật Điện lực và Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Chính phủ.

Tuy nhiên, để đảm bảo thị trường phát điện cạnh tranh minh bạch, các đơn vị phát điện đều muốn được giao sản lượng hợp đồng hằng năm bằng 100% thiết kế và tách riêng cơ quan mua điện độc lập.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động