Mỏ Sông Đốc: Sau 10 năm đón nhận dòng dầu đầu tiên
12:21 | 24/11/2018
Dầu khí Việt Nam và những vấn đề cần giải quyết cấp bách
Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Mỏ Sông Đốc nằm ở khu vực nước sâu xa bờ, sản lượng khai thác giảm nhanh qua các năm và hàm lượng nước xâm nhập đến 90% khiến cho việc tổ chức khai thác, thu gom khá phức tạp với chi phí cao.
Việc dừng khai thác và triển khai thu dọn mỏ đã được cân nhắc sau khi đơn vị điều hành rút khỏi dự án và bàn giao lại mỏ cho Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao từ Tập đoàn Dầu khí Việt nam và nhà điều hành PVEP không muốn bỏ phí hàng triệu thùng dầu ngọt có giá trị thương phẩm cao mà cơ chế điều hành phi lợi nhuận mỏ Sông Đốc đã được Chính phủ thông qua (tháng 11/2016). Từ đó mở ra một cơ chế mới giúp khai thác tận thu mỏ Sông Đốc, mang về cho nhà nước hơn 10 triệu USD doanh thu dầu thô và bảo đảm việc làm cho hàng trăm lao động đã bền bỉ gắn bó với mỏ, với tàu MV19.
Bình minh trên mỏ Sông Đốc.
Ngày 24/6/2017, Công ty Modec đã bàn giao quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê tàu MV19 cho Công ty Dịch vụ Ngoài khơi Phía Nam (SPO), theo đó toàn bộ người lao động tàu MV19 và dịch vụ O&M được tiếp nhận bởi Công ty Dịch vụ Hàng hải Dầu khí - PVTrans OFS.
Thấu hiểu những khó khăn về điều kiện khai thác của chủ Mỏ PVEP, PVTrans OFS đã phối hợp chặt chẽ với nhà điều hành PVEP POC và chủ tàu SPO đưa ra các giải pháp tối ưu hóa công tác vận hành khai thác tàu.
Trong 17 tháng vừa qua, kể từ ngày tiếp nhận, PVTrans OFS đã vận hành hiệu quả tàu MV19 với hiệu suất của hệ thống thiết bị khai thác đạt mức trung bình 99%. Từ đó giúp tận thu thêm hơn 800,000 thùng dầu trong tổng sản lượng khai thác của mỏ Sông Đốc là 17.515.705 thùng dầu tính đến nay và nối dài thành tích 2.241.528 giờ làm việc an toàn không xảy ra tai nạn sự cố mất thời gian làm việc trên tàu MV19.
Để đạt được thành tích nói trên, phải kể đến một yếu tố then chốt là người lao động đã và đang làm việc trên tàu MV19 và các đơn vị quản lý. Nếu chỉ đơn thuần tính đến việc có kiến thức đầy đủ, kinh nghiệm dày dạn mà thiếu đi ý thức tuân thủ các quy định an toàn thì mọi nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất đều có thể không bù đắp được các hao tổn khắc phục các tai nạn, sự cố xảy ra cho con người, tài sản và môi trường.
Bên cạnh đó, trong điều kiện thu hẹp chi phí sản xuất, phương tiện vận chuyển hạn chế (đổi ca hoàn toàn bằng tàu) và đời dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát thì ý chí, tính kiên định và sự kiên cường bám trụ dự án của những người lao động làm việc cho dự án Sông Đốc là điều đáng được tưởng thưởng.
Hơn 2 triệu giờ làm việc an toàn trong suốt 10 năm khai thác vừa qua là một minh chứng khẳng định sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự tàu MV19 nói riêng cũng như các đơn vị quản lý và cung cấp dịch vụ để khai thác mỏ Sông Đốc nói chung như: PVEP, PVEP POC, MODEC, SPO, PVTrans OFS, MIV, PSV, ISOS,... Thành tích an toàn nổi bật này không chỉ đòi hỏi sự làm gương, giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý trên tàu và trên bờ mà mà còn cho thấy sự hiểu biết thấu đáo các quy trình làm vệc, các quy tắc HSE, nhận thức cao và cam kết làm việc an toàn của mỗi một anh em làm việc trên tàu MV19.
Người lao động tàu FPSO Song Doc Pride MV19.
Việc duy trì khai thác an toàn và liên tục một mỏ cận biên như Sông Đốc là một trải nghiệm quan trọng giúp PVTrans OFS khẳng định tính cạnh tranh trong mảng dịch vụ vận hành bảo dưỡng các công trình ngoài khơi và năng lực phát triển bền vững trong bối cảnh khó đoán định của thị trường dịch vụ dầu khí hiện nay. Và trên hết, PVTrans OFS tự hào đã góp phần tận thu từng giọt dầu cho Tổ quốc, khẳng định chủ quyền biển đảo và duy trì việc làm cho người lao động.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM