Lần đầu tiên (kể từ 2016) hệ số ‘bù trữ lượng’ của PVN đạt 1,19 lần
10:17 | 13/07/2020
Ảnh hưởng của giá dầu thấp đến ngành dầu khí: Phản ứng và giải pháp đối phó
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN, trong 6 tháng đầu năm 2020, PVN phải thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới vô cùng ảm đảm do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, hàng loạt các nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ. Ngành dầu khí toàn cầu điêu đứng, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới giảm doanh thu, thua lỗ, cắt giảm hoạt động, giảm nhân lực, thậm chí phá sản như: Whiting Petroleum, Chesapeake Energy, v.v...
Là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất từ những ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, với tinh thần và quyết tâm cao nhất, ngành Dầu khí Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả "Gói giải pháp ứng phó tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu". Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của PVN tiếp tục được duy trì ổn định, đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, tất cả các hoạt động của PVN đều được đảm bảo an toàn; công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai theo kế hoạch và lần đầu tiên (kể từ năm 2016) hệ số bù trữ lượng dầu khí (giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) đạt 1,19 lần - mức đảm bảo an toàn cho phát triển bển vững.
Mặt khác, hoạt động khai thác dầu, khai thác khí được tối ưu ở mức phù hợp với điều kiện kỹ thuật, đồng thời giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi giá dầu giảm sâu. Các đơn vị sản xuất như: VSP, PVEP, Rusvietpetro, Biển Đông POC, PVGas, BSR, PVFCCo, PVCFC hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng sản xuất.
Đặc biệt là dòng tiền của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, ổn định, góp phần quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ được nhịp độ phát triển, công tác đầu tư được kiểm soát theo tiến độ và kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, công tác quản trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã hoàn thành và chính thức ban hành Bộ quy chế quản trị dưới dạng E-Book áp dụng thực hiện từ ngày 1/7/2020. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình củng cố các yếu tố mang tính nền tảng trong quản trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ máy Công ty Mẹ và người đại diện vốn tại các đơn vị thành viên triển khai công việc một cách chuẩn mực, đảm bảo tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát ở nhiều quốc gia và dự báo sẽ còn ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN (không chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020) mà còn kéo dài trong những năm tiếp theo, do đó, Theo ông Lê Mạnh Hùng, PVN cần thực hiện một loạt các giải pháp cấp thiết trong thời gian tới. Cụ thể là:
Thứ nhất: Các đơn vị thành viên của PVN phải nắm bắt dự báo thị trường cung - cầu, bám sát mục tiêu kinh doanh của năm 2020 và kết quả 6 tháng để hoạch định kế hoạch cho 6 tháng cuối năm. Đặc biệt là thúc đẩy thủ tục và quy trình đầu tư để nâng cao công tác giải ngân 6 tháng cuối năm, cũng như phát huy các giải pháp công nghệ để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Thứ hai: Tiếp tục bám sát các diễn biến của thị trường, cập nhật tình hình cung - cầu, tồn kho của dầu thô, sản phẩm xăng, dầu, hóa dầu của thế gới và trong nước để nhận định, có các quyết sách kịp thời liên quan đến lượng tồn kho các sản phẩm trong thời gian tới, với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích, bù đắp những thiệt hại trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm từ đầu năm 2020 đến nay.
Thứ ba: Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng năm 2020, đảm bảo hệ số bù trữ lượng cả năm năm đạt trên 1 lần để đảm bảo phát triển trong những năm tới.
Mặt khác, đôn đốc, làm việc với các nhà thầu dầu khí thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch tìm kiếm, thăm dò dầu khí, kiểm soát chặt các tiến độ phát triển các mỏ. Cùng với đó là kiểm soát vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, công trình dầu khí. Tổ chức làm việc với các nhà thầu để rà soát trạng thái khai thác từng mỏ, từng lô dầu khí, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch khai thác dầu cả năm 2020 và xây dựng kế hoạch 2021.
Thứ tư: Tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc tại 5 dự án yếu kém theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM